PGS là mô hình phù hợp với sản xuất rau an toàn
Chia sẻ tại hội thảo "Tuyên truyền hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng an toàn", Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, Hà Nội hiện mới tự chủ được khoảng 60% nhu cầu rau xanh hàng ngày, còn lại khoảng 40% do các tỉnh, thành lân cận và nguồn nhập khẩu đưa về. Trên thực tế, rất nhiều mặt hàng rau bày bán tại các chợ của Hà Nội không phải rau được sản xuất tại Thủ đô, nên nhiều lúc xảy ra sự cố, Hà Nội bị mang tiếng oan.
Do đó, nhằm minh bạch hóa khâu sản xuất, sơ chế, kinh doanh tiêu thụ cũng như để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm rau an toàn được bày bán trên địa bàn Thủ đô, năm 2016 Chi cục BVTV Hà Nội đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình, nhóm, tổ liên kết hoạt động theo cơ chế PGS.
Và để tránh rơi vào tính hình thức hoặc đối phó, chỉ tiêu rau VietGAP hiện tại chủ yếu được Hà Nội áp dụng dành cho mặt hàng rau xuất khẩu, còn lại bà con nông dân sản xuất rau an toàn chỉ ghi chỉ tiêu và nhật ký sử dụng thuốc BVTV là chính.
Lý giải về chủ trương này, Chi cục trưởng Nguyễn Duy Hồng cho rằng, việc bắt nông dân ghi trên 60 chỉ tiêu theo quy định của VietGAP là không cần thiết và mang nặng tính máy móc, hình thức.
Thứ hai, hiện Hà Nội đã quy hoạch được các vùng sản xuất rau an toàn trên 5.000 ha nên chỉ tiêu về kim loại nặng đã được loại bỏ trong quá trình thẩm định, cấp phép.
Thứ ba, hiện chỉ tiêu nitrat trên rau đã được Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế bỏ nên cũng không cần phải xét nghiệm nữa.
Thứ tư, các chỉ tiêu về vi sinh vật chủ yếu nguy cơ và cần quan tâm đối với nhóm rau ăn sống. Như vậy, chỉ còn mỗi chỉ tiêu về thuốc BVTV là cần phải giám sát và kiểm tra chặt chẽ.
Từ thực tiễn đặt ra, năm 2016 Chi cục BVTV Hà Nội ra quân tập huấn, hướng dẫn, giám sát nông dân tại các vùng rau an toàn ghi chép nhật ký đồng ruộng với trọng tâm là sử dụng thuốc BVTV bằng cách thức đơn giản như ngày phun thuốc, loại thuốc phun, liều lượng phun, thời gian cách ly, thời gian thu hoạch…
Song song với việc làm này, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành cấp tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc mặt hàng rau an toàn đến từng thửa ruộng và hộ dân để quản lý, giám sát. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, vai trò của hệ thống PGS là rất quan trọng.
Là đơn vị đầu tiên của Hà Nội áp dụng hệ thống PGS trong sản xuất rau hữu cơ, bà Hoàng Thị Hậu - Trưởng liên nhóm SX rau hữu cơ xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) chia sẻ, để có được thành công như ngày hôm nay vai trò giám sát, thanh tra, xử phạt là vô cùng quan trọng.
Đó là sự giám sát chéo giữa chính những người sản xuất trong nhóm với nhau, giám sát của các cơ quan quản lý cũng như giám sát của người tiêu dùng. Chính vì vậy, bản thân các hộ dân tham gia vào liên nhóm SX rau hữu cơ Thanh Xuân sợ nhất là bị “treo” giấy chứng nhận nên luôn phải tự ý thức chấp hành và làm tốt hơn so với quy định.
Góp ý về chủ trương cần đẩy mạnh hệ thống PGS trong sản xuất rau an toàn, Chủ tịch HĐQT Cty CP Xuất nhập khẩu Đông Nam Á Chu Văn Hồi đề nghị, ngoài các biện pháp giám sát, thanh tra đột xuất và xử phạt cũng cần có cơ chế thưởng những hộ làm tốt, những người tốt cáo đúng để tăng tính răn đe cũng như khuyến khích phát hiện những đơn vị làm ăn gian dối.
Bởi theo ông Chu Văn Hồi, không doanh nghiệp, doanh nhân nào trồng rau giỏi, tốt và rẻ hơn người nông dân và doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững vẫn phải đồng hành với nông dân.