Từng gốc cây được cung cấp nước bằng hệ thống tưới nhỏ giọt
Trong đó, quy tụ những mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên thế giới như của Israel, Nhật Bản, Hà Lan…
Tôi biết, những điều ông nói không phải thứ lý thuyết sáo rỗng đọc được trên sách vở. Bởi không chỉ am hiểu về lĩnh vực thủy lợi, ông Đạt rất chịu khó xuất ngoại để học hỏi các mô hình nông nghiệp hiện đại.
Nhưng thú thực, làm được điều đó ở Việt Nam thời điểm hiện tại là quá khó, khi giá nông sản Việt Nam đang nằm ở vùng trũng của thế giới. Trong khi ấy, chi phí đầu tư một mô hình tưới tiết kiệm nước tiên tiến lên tới vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng/ha, với tiềm lực của nông dân làm sao ứng dụng được. Nếu có chăng cũng chỉ làm để lấy mô hình điểm, để lấy thành tích, phong trào.
Mô hình tưới... không bỏ sót giọt nước
Thế rồi, lần này về Hà Nam, ý nghĩ ấy của tôi đã lung lay tận gốc, trốc tận rễ. Sau khi kết thúc hội nghị Sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016, bà Nguyễn Thị Vang, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam làm trưởng đoàn dẫn chúng tôi tham quan mô hình tích tụ ruộng đất trồng rau trong nhà lưới, tưới nước tiết kiệm tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân.
Khó có thể ngờ rằng, cánh đồng một thời chỉ trồng ngô khoai - những cây lương thực giá trị thấp, lại biến thành những khu nhà lưới, nhà kính hiện đại. Theo bà Vang, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Nhân Khang được quy hoạch có diện tích 118ha, nằm ở vị thế đắc địa, giáp sông Châu Giang và cách TP Phủ Lý hơn 10 km theo tỉnh lộ 491.
Để quy hoạch trên không nằm trên giấy, tỉnh xác định doanh nghiệp là lá cờ đầu, từ đó biết phải làm thế nào để trải thảm đỏ "rước" họ về. Riêng với lĩnh vực trồng trọt, đất là thứ mà nhà đầu tư cần nhất nhưng chỉ chừng ấy thôi là chưa đủ. Muốn sản xuất, nguồn nước phải được đảm bảo chất lượng, điện phải ổn định, đường phải đủ rộng để ô tô, máy móc lăn bánh…
Hàng chục tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh đã được sử dụng để xây dựng hạ tầng gồm trạm bơm bơm nước từ sông Châu Giang; hồ lắng lọc, xử lý nước cũng được xây dựng với dung tích chứa 17.000m3. Hệ thống kênh mương dẫn nước khép kín chạy thẳng tới chân hàng rào của từng khu sản xuất. Điện và hệ thống giao thông cũng vậy.
Ảnh: Minh Phúc
Đầu năm 2014, khi biết Cty CP An Phú Hưng có tâm huyết rót vốn đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích hơn 20ha, cán bộ từ thôn đến tỉnh đều rốt ráo gom đất cho doanh nghiệp.
Theo ông Tăng Xuân Hòa, cán bộ BQL Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hà Nam, cơ chế tích tụ ruộng đất được thực hiện như sau: UBND xã, huyện sẽ đứng ra thuê đất của người dân với giá 150kg ngô/sào/năm (năm 2015, 2016 quy đổi 1kg ngô = 6.000 đồng), thời gian thuê 10 năm. Tiền thuê đất sẽ được tỉnh Hà Nam ứng trước để trả cho nông dân, sau đó giao cho Sở TN-MT bàn giao cho doanh nghiệp khai thác, sử dụng để sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Nguyễn Thu Đang, Chủ tịch HĐQT Cty CP An Phú Hưng, chia sẻ: "Khoa học - công nghệ chính là yếu tố quyết định chất lượng nông sản. Và, chúng tôi đã kết hợp với công ty H.B.C International chuyển giao, ứng dụng công nghệ; cùng với các kỹ sư đến từ Nhật Bản xây dựng nên khu nông nghiệp công nghệ cao này".
Đổi thay ngoạn mục
Bà Đang cũng tiết lộ, thứ mà bà phải chi nhiều nhất để tạo dựng khu sản xuất này chính là hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun cho cây trồng, khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Toàn bộ hệ thống ống dẫn nước được lắp ngầm dưới đất, sau đó chia nước thành nhiều dây dẫn nhỏ kéo đến từng gốc cây trong khu nhà lưới (hoặc nhà màn) rộng khoảng 3.000m2.
Với khu ruộng SX ngoài trời, những đường ống dẫn nước có lỗ nhỏ li ti được đặt lộ thiên dọc theo các luống. Khi vận hành máy bơm áp lực cao, nước sẽ được đẩy đi các đường ống rồi lọt qua các lỗ nhỏ tạo thành màn mưa sương nhân tạo tưới cho cây rau.
Lắp đặt đường ống dẫn nước phục vụ tưới nhỏ giọt
Thấy mọi người “mắt tròn mắt dẹt” về kinh phí đầu tư cho công nghệ tưới tiết kiệm của An Phú Hưng, một kỹ sư nông nghiệp người Nhật Bản giải thích: "Phương pháp tưới này mang lại hơn 90% hiệu quả sử dụng nước cho cây. Không giống như các hình thức thủy lợi khác, chẳng hạn như vòi phun nước chỉ có 65 - 75% hiệu quả, tưới nhỏ giọt làm giảm dòng chảy và bốc hơi. Tưới nhỏ giọt áp dụng nước từ từ vào vùng rễ cây, nơi nó là cần thiết nhất".
Vì đặt mục tiêu tối thượng là sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, vì thế, nước - yếu tố đầu vào quan trọng nhất, sau khi được bơm từ sông Châu Giang sẽ được lắng lọc tại một hồ chứa rộng 1.000m2, xử lý bằng chế phẩm chuyên dụng, sau đó mới được sử dụng để tưới cho cây trồng.
Theo bà Đang, mỗi năm đều tiến hành lấy mẫu nước và gửi các phòng phân tích. Đồng thời, các đoàn kiểm tra cũng thường xuyên giám sát chất lượng nước. Tất cả những đợt kiểm tra đều đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam cho biết: “Tỉnh đang hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tích tụ khoảng 600ha đất ruộng để sản xuất nông nghiệp, dự kiến đến năm 2020 là 3.000ha. Đến nay một số công ty đã nhận đất và đã có sản phẩm như An Phú Hưng, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup… Đây đều là những doanh nghiệp có năng lực tài chính rất tốt, đầu tư bài bản hạ tầng cơ sở vật chất, công nghệ và kỹ thuật để sản xuất nông sản giá trị cao. Ví dụ, Vingroup đầu tư hệ thống công nghệ tưới tiêu hiện đại của Israel".
|
Không chỉ đầu tư cho hệ thống xử lý, tưới nước tiết kiệm, trước khi trồng, chuyên gia Nhật Bản đã hướng dẫn công nhân của công ty cày sâu, trồng cỏ Nhật, đậu tương để xử lý asen, kim loại nặng và các dư lượng thực vật. Toàn bộ chế phẩm nông nghiệp được thu gom chế biến thành phân hữu cơ thay thế phân vô cơ làm giàu độ phì nhiêu của đất. Thuốc bảo vệ thực vật được thay thế bằng thuốc thảo mộc và chế phẩm vi sinh vật.
Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2014, rau, củ bắt đầu cho thu hoạch với năng suất đậu bắp đạt trên 20 tấn/ha, khoai lang đạt 30 tấn/ha. Sản phẩm đã được Viện Kiểm nghiệm an toàn về sinh thực phẩm Quốc gia và Nhật Bản đánh giá đảm bảo an toàn thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Mô hình trồng rau, củ hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt của Nhật, tạo ra những sản phẩm sạch. Điều này giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, hình thành phương thức sản xuất kinh doanh mới tại vùng nông thôn với sự liên kết của "bốn nhà" (nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền, nông dân) để tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ khép kín. Hiệu quả của mô hình còn góp phần cải tạo môi trường đất, môi trường nước thông qua việc thu gom và xử lý toàn bộ rác thải, phế thải trong nông nghiệp thành phân vi sinh.
Hết cảnh còng lưng gánh nước
Cô Nguyễn Thị Hòa, 56 tuổi ở xã Nhân Khang, công nhân tại khu sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao của Cty An Phú Hưng, chia sẻ: "Ngày trước, mỗi mùa nắng hạn đi làm đồng khổ không ai bằng, gánh nước gù cả lưng, sưng cả vai.
Giờ được nhận vào làm công nhân của An Phú Hưng thấy đời như được lên tiên. Thấy cây thiếu nước, chỉ cần báo cho bộ phận kỹ thuật, họ sập cầu giao một cái là nước tưới tự động, chẳng tốn sức tí nào".
Trạm bơm và hồ lắng lọc xử lý nước trước khi tưới cho cây trồng
Hiện tại, An Phú Hưng đang sản xuất nhiều loại rau, củ, quả , trong đó có nhiều giống cây trồng giá trị cao nhập khẩu từ Nhật Bản như dưa lưới, cà chua, xà lách với sản lượng 2 - 3 tấn/ngày… Dù được niêm yết giá bán cao hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại được sản xuất theo phương thức canh tác truyền thống, nhưng cung vẫn không đủ cầu.