Chè Suối Giàng của Cty Đức Thiện được các DN Hà Nội quan tâm
Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội vừa đưa một đoàn doanh nghiệp đi tìm hiểu những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Yên Bái để giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô, đồng thời ký kết các thỏa thuận ban đầu, tạo cơ hội cho các DN tiến hành hợp tác, đầu tư, thông tin thị trường… trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đây là bước đột phá mới của ngành nông nghiệp Hà Nội và Yên Bái…
Cuộc hội thoại mà Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội và Sở Nông nghiệp-PTNT Yên Bái đã kết nối với nhiều DN chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của hai địa phương. Về phía Hà Nội có: Cty CP Nhất Nam, Cty TNHH Ba Huân miền Bắc, Cty CPTM An Việt, Cty CP Thực phẩm Tây Bắc, Cty CP đầu tư VietRap, Chuỗi cửa hàng Cleverfood, Cty CPTM Lan Vinh… Về phía tỉnh Yên Bái có: Cty CP Nông lâm thực phẩm Yên Bái, Cty CP chế biến kinh doanh Lâm sản XK Yên Bái, Cty CP Yên Thành, TCty Hòa Bình Minh, Cty TNHH Đức Thiện, HTX miến đao Giới Phiên, HTX quế Viễn Sơn…
Ông Mai Mộng Tuân - PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái giới thiệu những thế mạnh nông sản của tỉnh Yên Bái với nguồn sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản vô cùng phong phú.
Nói về lúa gạo của Yên Bái, từ lâu đã có câu ca “Muốn ăn gạo trắng nước trong/ Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”. Với diện tích gần 3.000ha, cánh đồng Mường Lò rộng thứ hai vùng Tây Bắc, đó là vùng đất dốc tụ nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi cao được tưới mát bởi dòng suối Thia trong vắt chảy từ trên các cánh rừng đại ngàn xuống, nơi đây do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm nên hạt gạo Mường Lò đã tích lũy được năng lượng của trời đất.
Ông Mai Mộng Tuân - PGĐ Sở NN-PTNT Yên Bái giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu với các DN Hà Nội
Bởi thế cơm gạo Mường Lò thơm ngon nổi tiếng với các giống lúa: Hương Chiêm, Séng Cù, ĐS1, Japonica… Người ta không ngần ngại ví hạt gạo Mường Lò là hạt ngọc của trời ban cho người dân nơi đây.
Nói tới Yên Bái không thể không nói tới gạo nếp Tú Lệ, đây là loại gạo đặc sản thơm ngon bậc nhất vùng Tây Bắc, có thể sánh với bất cứ loại gạo nếp ngon nào của Việt Nam.
Đây là giống lúa quý mà người dân gọi là giống lúa trời cho, được họ giữ gìn hàng trăm năm nay với phương pháp canh tác truyền thống. Gạo nếp Tú Lệ đã có mặt trong nhiều siêu thị trên cả nước, với mùi thơm đặc trưng mà không giống lúa nào có được.
Yên Bái hiện có 11.450ha chè, một vùng chè lớn của Tây Bắc, hàng năm SX trên 90.000 tấn chè búp tươi, 19.000 tấn chè khô các loại. Chè đen của Yên Bái xuất khẩu sang các thị trường Đông Âu, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Đài Loan…
Đặc biệt vùng chè cổ thụ Suối Giàng được phát hiện vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX đã làm chấn động những nhà khoa học trên thế giới.
Bà Vũ Thị Hậu (trái) - Phó TGĐ Cty Nhất Nam trao đổi với đại diện HTX miến đao Giới Phiên về mặt hàng đã được cấp nhãn hiệu độc quyền
Viện sĩ thông tấn K.M Djenmukhatze, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ) năm 1976 đã tới Suối Giàng nghiên cứu cây chè, ông đã phải kinh ngạc thốt lên: Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa ở đâu có cây chè cổ thụ như cây chè Suối Giàng.
Chè ở đây vô cùng độc đáo, bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới... Với những chứng cứ khoa học, Viện sĩ K.M Djenmukhatze kết luận: "Việt Nam là cái nôi đầu tiên của cây trà thế giới”. Đặc biệt, vùng Suối Giàng được mệnh danh là "Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam”.
Mọc trên độ cao từ 800 - 1.500m cây chè Suối Giàng đã hấp thụ được những tinh túy của trời đất. Hiện Suối Giàng có trên 300ha chè Shan cổ thụ mọc tự nhiên, đây là quần thể chè Shan cổ thụ lớn nhất Việt Nam, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 400 - 500 tấn chè sản phẩm các loại.
Ngày 1/11/2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp Chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm chè Suối Giàng. Ngày 4/2/2016, Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao quyết định công nhận quần thể 400 cây chè cổ thụ Suối Giàng là “Cây di sản Việt Nam”.
Các DN Hà Nội hội thoại với các DN Yên Bái
Cây quế Yên Bái hiện có 55.000ha trồng ở các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên. Đây là vùng quế lớn nhất cả nước, đồng thời chất lượng cũng tốt nhất. Hàng năm SX và chế biến xuất khẩu trên 11.000 tấn quế vỏ khô, 600 tấn tinh dầu. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ đã cấp Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vùng quế Văn Yên.
Cam sành Lục Yên ngon nổi tiếng khắp vùng núi phía Bắc, quả màu vàng nâu, vỏ sần và dày như mảnh sành nên gọi là cam sành. Múi cam róc vỏ, không dính bết vào nhau, tôm vàng rộm và rất mọng nước.
Vị ngọt của cam Lục Yên đậm, không có vị chua như một số cam ở các nơi. Đó là do nguồn nước và những vi lượng hiếm có trong lòng đất đá đỏ Lục Yên đã tạo nên chất lượng cam thơm ngon không giống nơi nào.
Cam Lục Yên được dùng tiếp khách nước ngoài và trong các kỳ họp Quốc hội vào dịp cuối năm. Do vỏ dày nếu bảo quản tốt có thể để được từ 4 - 5 tháng mà vẫn ngon. Lục Yên hiện có 500ha cam sành, kế hoạch tới năm 2020 phát triển thêm 500ha theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các DN của hai địa phương giới thiệu những sản phẩm và những mặt hàng đang kinh doanh. Bà Vũ Thị Hậu - Phó TGĐ Cty Nhất Nam có chuỗi cửa hàng ở Hà Nội mong muốn được mang những mặt hàng nông sản chất lượng cao của Yên Bái để giới thiệu với người tiêu dùng Hà Nội.
Ký thỏa thuận hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Hà Nội - Yên Bái
Tuy nhiên cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn ngặt nghèo khi vào các siêu thị của Nhất Nam: Có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được xác nhận của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, giá cả cạnh tranh.
Bà Vũ Thị Vân Phượng - TGĐ Cty CP VietRap đầu tư thương mại: Các loại sản phẩm mà Cty chúng tôi quan tâm là quế Văn Yên, cam sành Lục Yên, hồng không hạt Lục Yên và quả Sơn tra (táo mèo). Đó là những sản phẩm rất quý mà Cty chúng tôi đã để mắt tới. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn ở dạng chế biến thô và ăn tươi. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cho người lên Yên Bái tìm hiểu một cách đầy đủ để lập cơ sở thu mua chế biến, hoặc hợp tác đầu tư máy móc để chế biến sâu cho xuất khẩu…
Sau cuộc hội thoại ông Nguyễn Văn Chí - GĐ Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội và ông Hoàng Việt Hóa thay mặt lãnh đạo Phòng KH-TC Sở Nông nghiệp-PTNT Yên Bái ký thỏa thuận hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa hai địa phương.