Sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân (09/07/2016)

NNVN có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang xung quanh vấn đề Sản xuất gắn với thị trường...

An Giang là tỉnh SX lúa có năng suất cao nhất cả nước, có diện tích nuôi cá tra đứng thứ 2 ở ĐBSCL, bên cạnh đó tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Mục tiêu TCCNN của tỉnh không chỉ riêng ngành nông nghiệp mà còn nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển, hàng hóa gắn với thị trường. NNVN có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Thư (ảnh), GĐ Sở NN-PTNT An Giang xung quanh vấn đề này.

Thưa ông An Giang đã triển khai đề án TCCNN ra sao?

Hiện nay tỉnh đang triển khai mạnh TCCNN sâu rộng đến từng địa phương và các DN trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước mắt tỉnh quy hoạch vùng SX lúa giống tập trung quy mô 22.000 ha phục vụ nhu cầu giống các tỉnh ĐBSCL, phạm vi cả nước và XK sang Campuchia.

Quy hoạch vùng SX lúa gạo phục vụ XK tập trung theo hướng nâng cao chất lượng (tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP…) dựa trên cơ sở lợi thế của từng huyện với quy mô 80.000 ha có liên kết DN tiêu thụ. Cụ thể: 20.000 ha lúa Jasmine cung cấp cho thị trường Trung Quốc, Mỹ và Châu Phú; 10.000 ha nếp Phú Tân quy hoạch đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu XK mục tiêu ở Trung Quốc, Indonesia và Malaysia; 50.000 ha có liên kết sẽ tập trung quy hoạch SX các giống lúa chất lượng cao theo yêu cầu của thị trường để cung cấp cho thị trường các nước Iran, Iraq, Hoa Kỳ, Tây Âu, Brazil, Peru…

Diện tích lúa của toàn tỉnh còn lại ước tính khoảng 148.000 ha sẽ tập trung SX lúa hạt dài để đáp ứng cho thị trường gạo các nước thuộc châu Phi và Nga, Indonesia, Trung Quốc…

Ngoài ra thực hiện vùng SX các giống lúa đặc sản của vùng Bảy Núi như lúa Nàng Nhen 600 ha ở Tri Tôn và Tịnh Biên, lúa mùa nổi tại Tri Tôn 400 ha và việc quy hoạch này phải có gắn kết chuỗi liên kết DN tiêu thụ.

Đặc biệt đối với vùng SX lúa mùa nổi, tiến hành xây dựng thành vùng SX sản phẩm sạch, giàu hữu cơ (có kết hợp phát triển du lịch lúa mùa nổi) cung cấp cho thị trường trong nước thông qua các hệ thống siêu thị Coopmart và Metro và phần còn lại tập trung một số thị trường cao cấp tiềm năng như Úc, Đan Mạch, Hà Lan... thông qua các chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu sản phẩm này.

Song song triển khai thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh rau màu của tỉnh với quy mô 26.000 ha. Thực hiện quy hoạch một số loại rau màu có ưu thế như đậu nành rau, bắp non... trong đó gắn kết với DN Antesco nhằm ổn định và quản lý tốt chất lượng sản phẩm phục vụ cho thị trường XK.

Một số loại cây màu như bắp lai ở An Phú, Tân Châu… sẽ gắn kết Cty Ecofarm, AFiex để tiến hành SX phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn trong chăn nuôi. Một số loại rau màu khác như ớt, cải, dưa leo… sẽ tập trung SX để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở các tỉnh khu vực ĐBSCL; và một phần phục vụ nhu cầu XK sang Campuchia. Cây mè quy hoạch với quy mô khoảng 1.500 ha phục vụ nhu cầu SX dầu ăn của các Cty từ TP.HCM và một phần nhỏ sử dụng làm nguyên liệu SX bánh, làm thực phẩm chức năng.

Ngoài lúa, hoa màu tỉnh còn thế mạnh gì?

Ngoài lúa An Giang có thế mạnh nhờ nằm cập sông Hậu và sông Tiền thuận lợi SX cá tra, basa để phát triển bền vững cần quy hoạch vùng SX lại và gắn với chế biến và nhu cầu thị trường tiêu thụ với quy mô khoảng 1.430 ha đến năm 2020.

Tập trung phát triển và giữ vững các thị trường truyền thống, các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản... và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ.


Thực hiện TCCNN nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển, hàng hóa gắn với thị trường

Xây dựng quy hoạch về cơ sở chế biến thức ăn trong chăn nuôi và kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực này trên cơ sở tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như tấm, cám, bột cá, mỡ cá... để chế biến thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra tỉnh triển khai TCCNN như thủy lợi, chăn nuôi bò, nấm rơm, nấm dược liệu…

Vậy phải làm gì để TCCNN triển khai thành công?

Thực hiện TCCNN là cốt lõi của quá trình tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.

TCCNN vừa phải theo cơ chế thị trường, phù hợp với các quy định về hiệp định thương mại, vừa phải đảm bảo các mục tiêu về nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn.

Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia hoạt động SX kinh doanh; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển thị trường và khuyến nông.

Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin, dịch vụ phục vụ SX và nâng cao đời sống nông dân. Tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng trong quá trình thực hiện TCC ngành. Khuyến khích nông dân và DN đầu tư đổi mới quy trình SX, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả SX kinh doanh. Theo tôi TCCNN là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm như vậy mới thành công được.

Là người đứng đầu ngành nông nghiệp của tỉnh, theo ông, thực hiện TCCNN giúp gì cho An Giang?

Duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và đẩy mạnh XK.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp là 3,35%/năm trong giai đoạn 2015-2020. Chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành thủy sản, phát triển chăn nuôi; giảm tỷ trọng kinh tế ngành trồng trọt, ổn định lâm nghiệp. Phát triển các ngành nghề dịch vụ nông thôn.

Nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho cư dân nông thôn nhằm góp phần đảm bảo mục tiêu ổn định hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và giảm nghèo.


Nông dân tham gia vào SX lớn giúp giảm chi phí tăng lợi nhuận

Đến năm 2016 thu nhập người dân nông thôn đạt 29 triệu đồng/người (tăng lên gần 2 lần so năm 2010) và đạt khoảng 49 triệu đồng/người vào năm 2020 (tăng 3,3 lần so 2010). Giá trị SX đất nông nghiệp bình quân đạt 122,6 triệu đồng/ha vào năm 2016 và đạt 192 triệu đồng/ha vào năm 2020. Tăng diện tích SX lúa có tham gia thực hiện mô hình liên kết lên đến 80.000 ha vào năm 2020 phù hợp với tình hình năng lực thu mua của các DN trong tổng số 250.000 ha lúa quy hoạch.

Quy hoạch 22.000 ha diện tích SX giống dựa trên các tổ đội nhân giống hiện có nhằm phấn đấu trở thành tỉnh cung ứng giống mạnh nhất vùng ĐBSCL và cả nước nói chung. Số diện tích lúa còn lại khoảng 148.000 ha sẽ tiếp tục SX lúa chất lượng cao có áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong SX lúa như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để nâng cao chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu thị trường XK truyền thống. Phấn đấu phát triển và ổn định diện tích nuôi cá tra vào năm 2020 là khoảng 1.430 ha có DN liên kết tiêu thụ.

Đa dạng hóa cây màu và hình thành các vùng chuyên canh SX rau màu, chú trọng xây dựng các mô hình liên kết với DN tiêu thụ cho các cây màu nhằm mang lại thu nhập nông dân. Tăng tỷ lệ đàn bò lai Sind lên để tăng năng suất và chất lượng đàn bò của tỉnh. Phấn đấu tăng tốc độ phát triển đàn bò lên từ 10%/năm theo hướng an toàn vệ sinh. Thực hiện xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm TCCNN gồm lúa - gạo, rau màu, cá tra, bò, nấm ăn - nấm dược liệu. Hình thành mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa và hợp lý giữa công nghiệp, dịch vụ và giữa đô thị và nông thôn.

Xin cám ơn ông!

Theo LÊ HOÀNG VŨ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 140
Tổng truy cập: 39349354