Đồng Tháp tổ chức lại SX nông nghiệp dựa trên định hướng hợp tác - liên kết - thị trường
Thông qua công tác tuyên truyền, tỉnh đã phổ biến sâu rộng nội dung tái cơ cấu nông nghiệp, tạo sự đồng thuận và sự thông suốt trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các DN nông nghiệp, HTX.
Đến nay, tỉnh đã triển khai xây dựng được 86.630ha diện tích cánh đồng liên kết, chiếm 16,5% tổng diện tích SX cả năm. Nông dân nhờ liên kết đã giảm giá thành SX lúa từ 650 - 700 đồng/kg, lợi nhuận từ 22 - 23 triệu đồng/ha/vụ (cao hơn từ 4 - 5 triệu đồng/ha/vụ so với SX nhỏ lẻ).
Nhiều doanh nghiệp, HTX và nông dân đã nhận thức rõ về sự cần thiết, mục tiêu của chủ trương tái cơ cấu dựa trên phương châm “Hợp tác, liên kết và thị trường”. Từ đó, có nhiều mô hình hợp tác để tích tụ diện tích SX lớn (cho HTX thuê, nhường đất lại cho người trong gia tộc sản xuất…).
HTX chủ động liên kết với các DN cung ứng vật tư đầu vào để giúp nông dân giảm chi phí SX. Các DN đầu tư tổ hợp như kho bãi, nhà máy, chủ động tìm đến cùng bàn bạc giá cả tiêu thụ trong từng mùa vụ, hỗ trợ kinh phí để nông dân SX.
Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, xác định DN là yếu tố dẫn dắt, đưa chuỗi giá trị SX nông nghiệp đi đến thành công, tỉnh đã vận dụng linh hoạt các chính sách theo hướng có lợi cho DN làm ăn liên kết đảm bảo đầu ra cho dân. Từ đó, đã tạo được sự đồng thuận của DN và nhà đầu tư.
Cũng theo ông Công, hiện tại tỉnh đã có nhiều chương trình hợp tác, ký kết đang được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực như nghiên cứu, ứng dụng SX hoa kiểng công nghệ cao với các doanh nghiệp Hà Lan, hợp tác XK xoài sang Nhật Bản hay hợp tác với Hàn Quốc… Thành công của tái cơ cấu nông nghiệp đã rõ nhưng vẫn còn vướng các chính sách trong quá trình thực hiện.
Sản xuất lúa trong cánh đồng liên kết ở huyện Tam Nông
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ thêm: “Với quy mô SX hộ riêng lẻ, người nông dân không sẵn lòng để thay đổi, không có động lực để thay đổi – từ cải thiện quy trình canh tác, thay đổi giống, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Chỉ với quy mô HTX mới khắc phục được những tồn tại này. HTX sẽ là nhân tố giúp cho SX nông nghiệp bền vững hơn, thích nghi với yêu cầu thị trường. HTX sẽ có điều kiện chăm lo phúc lợi cho người nông dân, làm cho cuộc sống cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Vấn đề là phải xây dựng lòng tin của người SX và DN để liên kết”.
Ông Hoan khẳng định, quan điểm tái cơ cấu của Đồng Tháp là tổ chức lại SX nông nghiệp dựa trên 3 định hướng hợp tác - liên kết - thị trường và 3 yêu cầu giảm chi phí SX – nâng cao chất lượng sản phẩm – đa dạng hóa các loại nông sản chế biến.
Trong quá trình này, tỉnh xác định sẽ định hướng cho người nông dân chuyển chuyển tư duy chạy theo giá bán nông sản thành tư duy lấy lợi nhuận của người SX làm thước đo cho hiệu quả của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.
"Để từng bước tháo gỡ khó khăn, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giúp HTX từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Trong đó, có việc đưa cán bộ trình độ cao về công tác tại HTX, tổ chức lại bộ máy ngành nông nghiệp địa phương…", ông Hoan khẳng định.