Cánh đồng chè một giống - hướng đi mới và hiệu quả tại Thái Nguyên
Tự hào là thủ phủ, tinh hoa của trà Việt nhưng từ lâu Thái Nguyên lại chưa có được một nương chè, cánh đồng chè nào rộng dài ngút mắt. Đến nay mong muốn đó đã trở thành hiện thực...
Người dân bản Cúc Lùng ở xã Phú Đô, huyện Phú Lương đã triển khai cánh đồng chè một giống, rộng hơn chục ha. Người tham quan khắp nơi đổ về, bày tỏ sự thán phục nương chè chục tỷ.
Cánh đồng chè một giống
Bản Cúc Lùng bám sông Cầu hơn 2km. Đây là điều kiện thuận lợi về nước và chất đất để bà con phát triển nông nghiệp. Trước đây, toàn bộ diện tích đất ven sông Cầu đều được dân bản trồng cây màu (ngô, đỗ tương, lạc…), một số ít hộ dân trồng chè. Lúc đầu, bà con trồng giống chè hạt, dần dần chuyển đổi sang trồng chè cành với một số loại giống như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, LDP1, TRI777…
Tuy nhiên, theo thời gian, so với các giống chè cành khác, giống TRI777 phát triển trội hơn hẳn, chất lượng ngon hơn nên người dân đã dần chuyển đổi sang trồng giống này. Đến nay, gần 13ha đất ven sông Cầu đã được phủ một mầu xanh non của cánh đồng chè với duy nhất một giống chè cành TRI777.
Nói đến lí do mà người dân ở bản chỉ trồng duy nhất một giống chè cành TRI777 trên bãi soi ven sông Cầu, ông Hoàng Văn Bình, Trưởng bản Cúc Lùng cho biết, búp chè to, mềm, đều, tỷ lệ búp trên cây chè nhiều là ưu điểm nổi bật của giống chè TRI777 khi trồng trên đất ven sông. Nếu so với nhiều giống chè cành khác trồng trên đất này thì TRI777 có nhiều ưu điểm vượt trội hơn cả về năng suất lẫn chất lượng.
Chính vì vậy, gần 70 hộ dân (cả xóm có 107 hộ dân) có đất ven sông trong xóm đã chuyển sang trồng duy nhất giống chè này. Hộ ít có đôi ba sào, hộ nhiều trên dưới một mẫu. Cả thảy, gần 70 hộ dân đã tạo ra cánh đồng chè một rộng rộng gần 13ha. Lâu dài, cánh đồng còn được nới rộng hơn nữa bởi một số diện tích đất hoang cũng đang được các hộ dân phát dọn để tận dụng, tiếp tục trồng chè.
Ông Trần Văn Hiền, chủ một hộ dân trong bản cho biết, trước đây, toàn bộ hơn 1.000m2 đất ven sông của gia đình tôi đều trồng giống chè LDP1. Tuy nhiên, khi thấy nhiều hộ dân chuyển trồng giống TRI777 cho năng suất, chất lượng cao hơn nên gia đình bắt đầu chuyển đổi sang trồng giống TRI777. Nay, toàn bộ diện tích đất ven sông gia đình ông đều trồng giống chè cành này.
"Để so sánh năng suất của giống TRI777 với LDP1, gia đình tôi đã thử tính toán trên 400m2 trồng giống chè LDP1 thì thu được khoảng 20 kg chè búp khô, còn khi trồng giống chè TRI777 thì đã cho thu khoảng 25 - 27 kg. Về giá bán, tư thương thường tìm đến đặt mua trước với giá bán từ 200 - 300 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 20 - 30 nghìn đồng/kg so với giống chè LDP1", ông Hiền nói.
Ảnh: Đồng Thưởng
Bà Lê Thị Thúy Nguyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Lương cho biết, Phú Lương là vựa chè của Thái Nguyên nhưng giá trị sản phẩm trong những năm trước chưa tương xứng với chất lượng cũng như tiềm năng của cây chè trên địa bàn. Từ hiệu quả của mô hình SX của cánh đồng chè một giống, Phòng NN-PTNT huyện xác định đó chính là điểm SX tập trung cần bảo đảm sự ổn định, bền vững. Từ đó, cơ quan phòng sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ cho mô hình. Cụ thể, sẽ hướng dẫn để bà con áp dụng quy trình SX chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm từng bước nâng cao giá trị sản phẩm.
|
Gia đình chị Vũ Thị Thảo có 5.000 m2 chè ở ven sông Cầu, trong đó có hơn 4.000 m2 là trồng chè TRI777, diện tích còn lại là giống chè LDP1 cũng đang được gia đình chuẩn bị chuyển trồng giống TRI777.
Nói đến lợi ích khi tất cả các hộ dân cùng trồng một giống chè trên cánh đồng, chị Thảo cho biết, cả cánh đồng có một giống chè thì việc phòng trừ sâu bệnh sẽ dễ dàng hơn. Bởi lẽ, chè cùng một loại giống thì các loại sâu bệnh xuất hiện như nhau và theo khung thời gian nhất định.
Ví dụ, vào thời điểm tháng 5, 6,7 hằng năm, trên cây chè TRI777 thường xuất hiện các loại sâu bệnh như rệp, bọ trĩ, nhện đỏ, rầy xanh. Để phòng trừ hiệu quả các loại sâu bệnh trên, bà con chỉ cần đồng loạt tiến hành phun thuốc, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao hơn rất nhiều.
Hỗ trợ phát triển
Ông Phạm Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết, đánh giá giống chè tốt căn cứ vào các tiêu chuẩn về sinh trưởng, chất lượng và tính chống chịu sâu bệnh của giống chè đó. Đất đai khu vực ven sông Cầu có nhiều phù sa là điều kiện tốt để cây chè phát triển mạnh dù là giống chè nào. Tuy nhiên, khả năng phân cành, mật độ búp trên tán và trọng lượng búp chè của giống TRI777 khi trồng trên đất này lại trội hơn so với các giống chè khác. Khi chuyển sang trồng một giống chè, bà con ở đây lại tiết kiệm được công lao động trong việc chăm sóc cây chè, nhất là việc phòng trừ sâu bệnh.
Mặt khác, khi cùng trồng một giống chè thì bà con có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau nhằm nâng cao chất lượng, năng suất của cây chè, từ đó góp phần nâng cao đời sống cho chính họ. Để tiếp tục phát huy lợi thế từ cây chè, hiện nay, địa phương đang có kế hoạch xây dựng, quy hoạch cánh đồng chè một giống (về đường đi, kênh tưới, lán trại…) của bản Cúc Lùng nhằm tạo ra một khu du lịch sinh thái, thu hút khách thập phương tới tham quan.
Ông Ma Tiến Kốp, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Phú Lương đánh giá, cánh đồng chè một giống là mô hình làm chè rất mới không chỉ ở huyện Phú Lương mà trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay cũng chưa có. Lợi thế của người dân nơi đây là có địa hình bằng phẳng nên có thể đưa vào trồng cùng một giống chè trên một cánh đồng. Mô hình này có nhiều ưu điểm giống như cánh đồng lúa một giống từ việc chăm sóc đến thu hái, có thể đưa máy móc vào SX như sử dụng máy hái chè, tưới chè bằng hệ thống van xoay…