Giàu lên từ cam Canh, cam Vinh và bưởi Diễn (18/07/2016)

Sau hàng chục năm vận lộn tìm kế sinh nhai, quá nửa đời người, ông Hoàng Văn Việt (SN 1960) ở xóm Làng Mới, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên mới tìm được công việc mang lại thu nhập đảm bảo cho gia đình.


Ông Hoàng Văn Việt (áo đen) giới thiệu vềkỹ thuật chăm sóc cây ăn quả

Lận đận mưu sinh

Rời quân ngũ, lúc còn trẻ, ông Việt cũng vật vã bờ bãi, mất sức, uống công, vàng chẳng thấy chỉ thấy vàng mắt, vàng da. Tuổi tứ thập, ông quay về địa phương phát triển chăn nuôi. Người ta bảo muốn giàu nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt, ông Việt nuôi cả cá, ngựa, chó, dê, gà mà vẫn chẳng thấy tiền, thậm chí đận chăn nuôi thất bại còn khiến gia đình ông trắng tay.

Mỗi lần như vậy, ông Việt lại xách ba lô lên và đi phụ vữa. Sau một thời gian tích lũy được chút ít tiền, ông lại quay về địa phương tìm cách làm kinh tế. Chăn nuôi thất bại nhưng trồng trọt, trồng cam và bưởi Diễn đã mang lại những thành quả ngọt ngào cho người đàn ông dân tộc Nùng ở xã vùng cao Tân Long.

Ông Việt kể, nguồn cơn để ông tìm đến cây cam, cây bưởi là do trong quá trình đi phụ vữa xây dựng, bôn ba khắp nơi, ông thấy cây cam, bưởi Diễn mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông học cách làm theo. Khốn nỗi, gia đình ông chỉ có vỏn vẹn 5 sào đất lúa của các cụ chia cho, đó chính là nguồn lương thực hàng ngày mà vợ ông phải tần tảo thay chồng nuôi con.

Sở dĩ, cứ kiếm được ít tiền nào là ông lại đổ vào làm ăn lớn mà chưa thấy lần nào thành công. Ngay khi bàn với vợ kế hoạch trồng cây, vợ ông giãy nảy lo lắng. Trồng cam, trồng bưởi mà lại thất bại thì lấy gì mà ăn. Dù vậy, bà vẫn chiều lòng chồng.

Năm 2010, ông Việt sử dụng hơn ba chục triệu gồm cả tiền công phụ vữa cả năm và tiền tích lũy của gia định trước đó để san đất màu xuống ruộng, mua giống cam canh và bưởi Diễn về trồng. Theo tính toán, gia đình ông sẽ trồng 1.000 cây cam Canh, cam Vinh và 1.000 cây bưởi Diễn. Tuy nhiên, tư liệu sản xuất không có nên ông mắt trắng hơn 500 gốc cam và gần 900 gốc bưởi giống.

Lý do là người anh họ đã hứa cho ông Việt thuê đất để trồng cây bất ngờ đổ bệnh qua đời nên ông không thuê được đất để trồng cây. Vợ ông rầu ruột kêu than, ông lo lắng giờ không còn đường quay về trồng lúa được nữa. Số cây còn lại trong diện tích gia đình chỉ còn 450 cây cam và hơn 100 gốc bưởi Diễn.

Đến thời thái lai

Dáng nhỏ thó nhưng đanh sắt, ông Việt mang đặc trưng, cốt cách của người quen lam lũ, một nắng hai sương. Đưa chúng tôi vào vườn cam sai trĩu quả phải dùng cột chống, ông Việt khoe, năm nay được mùa, cả hơn 500 gốc cam, bưởi trong vườn đều sai quả. Với kinh nghiệm trồng cam, bưởi 5 năm nay, gia đình ông hiện không cần mang ra chợ bán, người buôn và người tiêu dùng thường đến tận nhà để mua.

Vào vụ thu hoạch đầu tiên do ở địa phương chưa có ai trồng loại cây này nên khó tiêu thụ. Thời điểm đó, hai vợ chồng ông phải đưa sản phẩm đi khắp các chợ vừa chào hàng, vừa bán lẻ. Sau này, khi biết được chất lượng sản phẩm cam Canh, cam Vinh và bưởi Diễn của gia đình ông, nhiều thương lái đã tìm đến tận vườn đặt mua. Thế là từ lứa quả thứ 2, gia đình ông đã đỡ vất vả hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, từ 50 cây bưởi Diễn, trung bình mỗi năm gia đình ông Việt thu hoạch được trên 3.000 quả, với giá bán bình quân 35.000 đồng/quả, trừ chi phí cho thu lãi trên 80 triệu đồng; 450 cây cam Canh, cam Vinh mỗi năm thu hoạch trung bình 13 tấn quả, với giá bán trung bình 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, cho thu lãi gần 500 triệu đồng.

Như vậy, từ vườn cây cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, gia đình ông Việt thu về gần 600 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, bằng kinh nghiệm của mình, ông Việt đã ươm, ghép cây cam, bưởi để bán cây giống cho bà con quanh vùng.

Theo ông Việt, cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn đều là những loại cây rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh, đòi hỏi người trồng phải cần cù, chịu khó và phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Để cam, bưởi ngọt, quả tròn, căng đẹp, bán được giá, ngoài việc tìm về những địa phương đang có thế mạnh về cây này để học hỏi kinh nghiệm, vợ chồng tôi thường xuyên tìm hiểu qua sách, báo, mạng Internet và tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội nông dân, Khuyến nông tổ chức để tích lũy thêm kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây.


Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng và an toàn cho các loại quả trong vườn, gia đình ông Việt chỉ dùng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, bón phân hữu cơ do gia đình tự ủ. Đây là bí quyết để các loại cây cam, bưởi của gia đình ông Việt được thị trường chấp nhận, bán được giá cao. Gia đình ông từ hộ nghèo đã nhanh chóng xóa được nghèo và trở thành hộ có thu nhập cao trên địa bàn xã Tân Long.

Lan tỏa

Từ thành công của ông Việt, một số hộ dân đã đề nghị ông trợ giúp để phát triển vườn cam, bưởi Diễn. Ông Hoàng Văn Pần ở xóm làng Mới, xã Tân Long vừa mới trồng 100 gốc cam Vinh cho biết, với người dân trong xã, ông Việt không chỉ là tấm gương sáng về phát triển kinh tế mà còn là kho kinh nghiệm trồng cây ăn quả để người dân trong xã tìm hiểu, làm theo.

Đặc biệt, đánh giá về việc cây cam Canh, cam Vinh và bưởi Diễn phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu tại địa phương, Trạm Khuyến nông huyện Đồng Hỷ đã xây dựng mô hình cây ăn quả tại đây với sự tham gia của gần 20 hộ dân. Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết, Phòng sẽ tham mưu với UBND huyện trong việc hỗ trợ bà con kỹ thuật canh tác cũng như xây dựng cơ chế chính sách đối với đồng bào vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn; xác lập quy hoạch cây ăn quả trên địa bàn để đảm bảo quản lý sự phát triển ổn định, bền vững, không tự phát.

Theo ĐỒNG VĂN THƯỞNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 159
Tổng truy cập: 39349354