Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV: Đến lượt nhãn Bắc có cơ hội đi Úc (05/08/2016)

Ngay sau mùa vải kết thúc tại phía Bắc, vụ thu hoạch nhãn hiện đã bắt đầu. Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, không chỉ vải, mà nhãn tại phía Bắc cũng đang có triển vọng rất lớn để XK.


Ông Hoàng Trung

Nhãn tại phía Nam đã được XK thành công sang Mỹ. Phía Bắc cũng có diện tích nhãn rất lớn? Liệu có thể XK được không, thưa ông?

Ưu điểm của nhãn đó là thời gian bảo quản được rất dài. Các năm gần đây, các DN phía Nam cũng đã XK thành công nhãn với sản lượng hàng nghìn tấn/vụ sang thị trường Mỹ bằng đường biển.

Đúng là diện tích nhãn ở phía Bắc cũng rất lớn, hàng trăm nghìn hecta. Qua khảo sát tại các tỉnh có diện tích nhãn lớn như Hưng Yên, Sơn La… cho thấy chất lượng nhãn hoàn toàn đủ điều kiện XK. Tuy nhiên so với phía Nam, phía Bắc hiện chưa hình thành được hệ thống cơ sở sơ chế, chiếu xạ nên chưa thể thu hút được DN xuất khẩu.

Hiện Sơn La cũng đã có văn bản đề nghị Cục BVTV hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, và Cục đang xúc tiến giúp Sơn La hình thành các vùng trồng đủ tiêu chuẩn để cấp mã số trong thời gian tới. Đây sẽ là điều kiện để khi các DN có nhu cầu nguyên liệu XK thì chúng ta sẵn sàng cung cấp.

Nếu như các tỉnh phía Nam hiện đã có truyền thống XK nhãn đi Mỹ, thì phía Bắc sẽ có triển vọng lớn ở các thị trường gần như Úc. Hiện nhiều DN đã đặt vấn đề muốn XK nhãn sang Úc, và Cục BVTV cũng đang xúc tiến đàm phán tiếp để cho nhãn vào thị trường này.

Năm 2016, lượng vải thiều XK đi Úc vẫn còn hạn chế. Một số ý kiến lo ngại nông dân tại các vùng trồng vải đã được cấp mã số sẽ không duy trì theo quy trình trồng vải để XK nữa?

Năm 2016, Cục BVTV tiếp tục nỗ lực chỉ đạo các đơn vị của Cục phối hợp các Sở NN-PTNT các địa phương tại Hải Dương và Bắc Giang, cùng với các Chi cục BVTV và hệ thống khuyến nông các địa phương tiến hành hướng dẫn, kiểm tra giám sát đối với các vùng trồng đã được cấp mã số, cũng như xúc tiến cấp mã số cho một số vùng trồng mới, nâng tổng số mã số vùng trồng tại 2 tỉnh này lên 31 vùng (trung bình mỗi mã số khoảng 10ha, tương đương trên 300ha). Các vùng trồng đều đã đáp ứng đủ yêu cầu của các thị trường XK như Úc, Mỹ…


Ảnh: Lê Bền

Niên vụ 2016, lượng vải XK chưa nhiều, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Lí do một phần do phía Úc công nhận NM chiếu xạ tại Hà Nội bị chậm hơn so với dự kiến (khi vụ vải đã bắt đầu) nên việc vận hành NM chiếu xạ hoa quả đầu tiên tại phía Bắc chưa hoàn toàn suôn sẻ. Điều này khiến các DN xuất khẩu gặp khó khăn về vấn đề bao bì, đóng gói.

Cụ thể trong vụ vải vừa qua, có rất nhiều DN muốn XK, nhưng do khâu bao bì, đóng gói phải phụ thuộc vào 2 nhà SX nên phải hoãn. Vì vậy từ năm 2017 và các năm tiếp theo, chúng tôi khẳng định lượng vải XK sẽ tăng lên và lớn hơn rất nhiều năm 2016. Không chỉ có vải thiều mà còn nhiều loại hoa quả khác cũng sẽ được XK, cụ tới đây có thể là nhãn, thậm chí xoài ở phía Bắc.

Vì vậy, Cục BVTV khuyến cáo: Năm 2016 chỉ là năm thứ hai vải được XK, và mới chỉ ở giai đoạn khơi thông thị trường và là năm bản lề là chính.

Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để dân nắm được tình hình, duy trì bằng được các vùng trồng đã được cấp mã số và tiếp tục mở rộng thêm các mã số vùng trồng mới. Bộ NN-PTNT cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có Cục BVTV tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu.

Các DN xuất khẩu vải cho biết do bảo quản khó khăn nên vụ XK chỉ kéo dài được 20 ngày, quá ngắn. Có giải pháp bảo quản nào để kéo dài thêm thời gian XK không?

Vải nếu không có can thiệp gì về kỹ thuật bảo quản thì chỉ tối đa 15h sau khi hái sẽ bắt đầu đổi màu quả.

Nhiều năm qua, Cục BVTV và các viện nghiên cứu của Bộ NN-PTNT đã có nhiều nghiên cứu để tăng thời gian bảo quản lên tối đa. Một số công nghệ như CAS, công nghệ Israel đã được thử nghiệm và cho phép bảo quản quả vải kéo dài nhiều tháng liền.

Tuy nhiên, những công nghệ này quá đắt đỏ, chỉ có thể phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn là chính, chứ không thực tế trong thương mại.

Vì vậy thời gian tới, Cục BVTV sẽ phối hợp với Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT) để rà soát, xem xét lại các công nghệ bảo quản mà Viện đang triển khai để lựa chọn công nghệ thích hợp.

Đồng thời, Cục cũng đang đẩy nhanh việc ứng dụng bảo quản vải bằng công nghệ mới với hóa chất 1-MCP của Hàn Quốc, khuyến khích các DN đăng ký đưa vào sử dụng. Với công nghệ này, có thể cho phép giữ mẫu mã, chất lượng vải trong vòng 1 tháng, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu XK bằng đường biển sang các nước trong khu vực.

Các công nghệ sơ chế, bảo quản này là những cơ sở để Cục BVTV đưa vào tại các chương trình đàm phán nhằm góp thêm thuận lợi cho việc mở cửa các thị trường XK.

Xin cảm ơn ông!

Vụ XK vải vừa qua, đáng mừng nhất là không có lô hàng nào bị các thị trường cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV.

Để quản lý chặt hơn nữa việc kiểm soát thuốc BVTV trên quả vải, nhất là tại các vùng trồng đã được cấp mã số, tới đây, Cục BVTV rà soát, tuyển chọn ra một bộ thuốc dành riêng cho cây vải theo hướng chỉ sử dụng cho các loại sâu hại chuyên biệt, có hiệu quả diệt trừ cao (nhất là đối với sâu đục cuống rất nguy hiểm trên vải), và không được phép sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất mà các thị trường XK đã cấm sử dụng.

(Ông Hoàng Trung)

Theo LÊ BỀN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 168
Tổng truy cập: 39349354