Gỡ 'nút thắt' cho cánh đồng lớn (19/08/2016)

Cây lúa được chọn SX trên cánh đồng lớn (CĐL) tại nhiều nơi. Nói là CĐL vì xưa nay chưa có ai làm nên chưa quen.

Nay phải làm mẫu để mọi người học tập, về sau cùng làm. CĐL ở các nước công nghiệp thì “xưa như trái đất”, nhưng ở nước ta lại là mới mẻ…

Vì lẽ ở nước ta đất hẹp, người đông, bình quân ruộng đất cho SX nông nghiệp chỉ có ít ỏi. Dù ĐBSCL là vựa lúa của cả nước thì bình quân đất lúa cũng chỉ có khoảng 0,5ha/hộ mà thôi.


Phân bón Đầu Trâu được bà con sử dụng nhất là những CĐL vì cho năng suất cao vượt trội

Đã thế, mỗi hộ SX theo một vẻ, không ai giống ai, nên để có sản phẩm đồng loại, có chất lượng tốt với số lượng hàng trăm, hàng ngàn tấn bán cho khách hàng thì thật là hiếm hoi và khó khăn.

Vì vậy, mục tiêu của CĐL là tổ chức bà con góp ruộng, góp sức lại với nhau để cùng SX theo một gói kỹ thuật tiến bộ có tên gọi là “GAP”, lúc đầu là VietGAP rồi tiến lên GlobalGAP. Công việc không quá phức tạp, nhưng cũng không thật đơn giản. Vì những năm trước bà con đã dị ứng với phong trào hợp tác xã (HTX) SX nông nghiệp, góp ruộng, góp trâu bò và công cụ để làm ăn chung... Mục tiêu thì tốt đẹp, nhưng quản lý thiếu kinh nghiệm, nên càng làm càng thua lỗ. Kết quả là phong trào HTX dần dần bị giải thể.

Nay nghe nói chung sức làm VietGAP, làm CĐL bà con còn bỡ ngỡ nên chưa mặn mà. Nhưng đến khi bà con nhận thức ra lợi ích của CĐL thì lại còn có nhân tố khác chưa giải quyết tốt nên phong trào vẫn còn phát triển chậm.

Nhân tố khác là gì vậy? Đó là đầu ra cho sản phẩm. Chúng ta thường nghe danh từ “liên kết 4 nhà” đã từ lâu. Đó là sự kết hợp giữa nhà SX, nhà nước, nhà khoa học với nhà kinh doanh thành một khối. Trong khối này mỗi thành viên có vai trò, nghĩa vụ và quyền lợi riêng. Khi nghĩa vụ và quyền lợi của từng thành viên trong khối được phân phối hài hòa thì khối sẽ trở nên bền vững. Ngược lại chỉ cần một thành viên nào đó xao lãng với phần việc của mình thì liên kết của khối bị lỏng lẻo, kém hiệu quả.

Kinh nghiệm nhiều nước đã chỉ ra rằng trong 4 thành viên này thì nhà SX và nhà doanh nghiệp thu mua sản phẩm là quan trọng nhất. Thông thường nhà thu mua sản phẩm nắm vững thị trường, thị hiếu của khách hàng từng loại sản phẩm rồi đặt hàng cho nhà khoa học hay tự tìm nguồn kỹ thuật để xây dựng hợp đồng với nhà SX nhằm tạo được vùng nguyên liệu đủ chất lượng, đủ khối lượng cho công đoạn phân phối… Vì uy tín của nhà phân phối là có nguồn nguyên liệu ổn định về chất và số lượng. Nếu ngược lại thì nhà phân phối sẽ mất khách hàng.

Còn nhà nước chủ yếu là có chính sách phù hợp và ổn định, cung cấp hạ tầng cơ sở và có chinh sách tín dụng phù hợp làm nền tảng cho nhà SX và nhà phân phối có điều kiện liên kết chặt chẽ... Duy chỉ có nhà khoa học ở điều kiện Việt Nam, nhất là đối với cây lúa thì dù công sức đóng góp khá nhiều, nhưng quyền lợi trong liên kết này lại bị lu mờ.

Dẫu vậy, điều đáng mừng là các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam vẫn cần mẫn để tạo ra tiến bộ kỹ thuật cho SX. Nhưng nhà phân phối thì tham gia rất lỏng lẻo. Đó là nguyên nhân chính làm chậm tiến trình phát triển của CĐL trên cây lúa ở Việt Nam.

Xin dẫn ra một vài bằng chứng để tham khảo. Tổng kết tình hình về thực hiện CĐL trên cây lúa ở ĐBSCL trong 2 vụ ĐX 2014-2015 và vụ ĐX 2015-2016 (2 vụ lúa có chất lượng tốt nhất trong năm) cho thấy: Vụ ĐX 2014-2015 thực hiện được 130.332ha CĐL, chiếm 8,36% diện tích vụ ĐX toàn vùng mà chỉ bao tiêu sản phẩm được 61.709ha, bằng 47% diện tích thực hiện CĐL, còn lại trên 53% nông dân phải bán theo giá trôi nổi trên thị trường.

Đến vụ ĐX 2015-2016 toàn vùng có 152.836ha CĐL, chiếm 9,6% diện tích lúa ĐX toàn vùng. Như vậy là so với năm 2014-2015 thì số diện tích tham gia CĐL tăng hơn được 22.504ha, và có 101.259ha được bao tiêu sản phẩm (chiếm 66% diện tích đươc CĐL đã thực hiện), vẫn còn 34% số diện tích nông dân phải bán sản phẩm của họ trên thị trường tự do.

Nếu tính từ năm 2008, từ khi phong trào CĐL trên cây lúa được thực nghiệm, sau 8 năm, toàn vùng cũng chỉ có 9,6% diện tích lúa ĐX được tham gia, trong đó chỉ mới 66% số diện tích tham gia được bao tiêu sản phẩm. Vậy là đã rõ. Mấu chốt là như vậy, muốn diện tích CĐL trong các vụ tới được tăng lên cần phải tìm cách gỡ thông mối thắt này mới được. Nhưng ai là người gỡ?

Theo GS MAI VĂN QUYỀN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 179
Tổng truy cập: 39349354