Tái cơ cấu, tăng nhanh giá trị cây trồng chủ lực (05/09/2016)

2016 là năm SXNN, nhất là trồng trọt, khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây bởi biến đổi khí hậu hiện hữu, thiên tai liên tục, kéo dài. Trong điều kiện đó, tái cơ cấu nông nghiệp cần thực hiện quyết liệt hơn, đáp ứng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tham quan vùng cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: Minh Phúc

Bước chuyển lớn

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, khi Bộ NN-PTNT có một đề án tái cơ cấu chung, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 3 năm qua ngành trồng trọt có bước chuyển trong nội ngành rất lớn.

Với cây lúa - là cây trồng chủ lực nhất, cả năng suất và chất lượng đều tăng.

Năng suất lúa trung bình của Việt Nam đã đạt gần 6 tấn/ha, cao nhất các nước Đông Nam Á, hơn cả Trung Quốc. Cơ cấu đang chuyển dần sang giống chất lượng. Năm nay giống lúa thơm chất lượng đã chiếm trên 30%.

Ngoài lúa gạo, các sản phẩm trồng trọt khác đều đóng góp rất lớn trong nội tiêu và xuất khẩu. Trong số 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp (đạt trên 1 tỷ USD/năm) thì trồng trọt chiếm 7 mặt hàng: Lúa gạo, cà phê, điều, hồ tiêu, cao su, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn.

Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng giá trị XK 7 mặt hàng trên đạt 7,32 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện nhiều mặt hàng tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh. Đến hết tháng 7, xuất khẩu cà phê tăng 18% giá trị kim ngạch so với cùng kỳ; hồ tiêu tăng 9,2%; điều 9%; đặc biệt nhóm rau quả tăng trên 35%.

Tôi nghĩ, việc xác định các đối tượng cây trồng chiến lược của Việt Nam đã rõ. Còn cách làm, trong điều kiện nguồn lực còn có hạn thì chúng tôi nghiên cứu cụ thể từng cây, từng nhóm hàng, đột phá những khâu quan trọng để đảm bảo hiệu quả nhất.

Một số giải pháp nâng cao giá trị gia tăng

Với cây lúa, dứt khoát phải tiếp tục chuyển sang lúa chất lượng, lúa đặc sản. Từ đó phân khúc ra. Các tỉnh phía Bắc và miền Trung chủ yếu phục vụ nội tiêu, một phần xuất khẩu.

Với ĐBSCL, vùng chiếm hơn 90% sản lượng xuất khẩu, cần gia tăng cơ cấu lúa chất lượng và lúa thơm. Muốn thế phải bắt đầu từ khoa học. Tiêu chí đặt hàng nghiên cứu của Bộ NN-PTNT rất rõ, lúa xuất khẩu phải đạt bình quân 600 USD/tấn, lúa đặc sản là trên 800 USD/tấn. Mấy năm trước chúng ta thường nói đến chuyện giá gạo của Việt Nam thấp hơn Thái Lan. Bây giờ đã là ngang ngửa, thậm chí có thời điểm giá XK cao hơn 20 USD/tấn.

Vấn đề mấu chốt nữa là phải giảm chi phí trong sản xuất lúa. Hiện nay chi phí SX còn cao. Ví dụ, riêng sử dụng hạt giống, khu vực Nam Trung bộ và ĐBSCL vẫn còn tập quán sạ quá dày, tới 150 - 200kg thóc giống/ha. Điều này không những lãng phí giống mà còn liên đới đến dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sử dụng nước, phân bón nhiều hơn, chất lượng sản phẩm lại thấp hơn.

Muốn thay đổi bắt buộc phải có gói kỹ thuật đồng bộ cho từng vùng, từ giống, phân bón, tưới tiêu, bảo vệ thực vật. Cùng với đó là sắp đặt lại cơ cấu giống lúa và Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo mỗi địa phương chỉ làm từ 3 - 4 giống chủ lực thôi.

Về phẩm cấp giống, miền Bắc cơ bản tốt, nhưng một số tỉnh miền Trung còn đáng lo, nhiều nơi trên đồng lúa lỗ chỗ cây cao cây thấp, giống không thuần, không đảm bảo. Kể cả vựa lúa ĐBSCL, tỷ lệ dùng giống xác nhận mới đạt 35%.

ĐBSCL, nếu giảm được lượng giống gieo sạ xuống khoảng 80 kg/ha, thì với diện tích toàn vùng gieo cấy trên 4 triệu ha/năm, riêng chi phí giống tiết kiệm được cỡ 4 - 5 ngàn tỷ đồng.

Cà phê, hiện nay cả nước có khoảng 600.000ha

Với cà phê, cần giải quyết mấy vấn đề. Đầu tiên là kiên trì thực hiện chương trình tái canh. Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tái canh 120.000ha cà phê già cỗi. Trong 3 năm qua, ban chỉ đạo tái canh cà phê của Bộ NN-PTNT cùng các địa phương đã có những chỉ đạo rất sát.

Cách đây hơn 2 năm, việc tái canh thực hiện khá lúng túng vì quy trình chưa rõ, tỉ lệ chết sau tái canh còn cao. Vì vậy Bộ NN-PTNT đặt hàng hẳn một chương trình tái canh cà phê, giao Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, kết quả đến nay đã có chuyển biến tích cực. Dự kiến, đến hết năm nay chúng ta sẽ tái canh được khoảng 80.000ha, như vậy, đến năm 2020 chỉ còn 40.000ha và tôi khẳng định là sẽ thành công.

Tiếp đến cần nhanh chóng thay đổi công nghệ tưới. Hiện nay nông dân cơ bản vẫn tưới tràn, rất lãng phí nước. Đó còn là điều nguy hiểm cho cả vùng Tây Nguyên vì mực nước ngầm đang tụt rất nhanh. Nếu chúng ta giúp được nông dân lựa chọn công nghệ tưới phù hợp, tiết kiệm nước, giá rẻ, thì thời gian tới tưới tiết kiệm cho cà phê nói riêng và cây trồng cạn nói chung sẽ được nhân rộng nhanh chóng.

Cây tiêu, đang nổi lên là cây có giá trị kinh tế lớn. Theo quy hoạch, diện tích trồng tiêu là 50.000ha. Nhưng thực tế các địa phương đã trồng lên tới trên 90.000 ha. Năm ngoái xuất khẩu tiêu được 1,29 tỷ USD. Năm nay, giá trị xuất khẩu chắc chắn tăng lên khoảng 1,5 đến 1,6 tỷ USD.

Hiếm có cây trồng nào có giá trị cao như thế. Tuy nhiên cây tiêu đang có hai vấn đề đáng bàn. Một là do giá cao nên bà con phá vỡ quy hoạch, trồng một cách tự phát vì vậy phải rà soát và có quy hoạch chi tiết để giám sát tốt hơn. Hai là phải đầu tư nghiên cứu khoa học tương xứng cho cây hồ tiêu.

“Hiện nay số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1%. Trong số đó, 60% là doanh nghiệp nhỏ (vốn dưới 5 tỷ). Tôi vẫn hi vọng, trong 5 năm tới, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp sẽ có sự đảo chiều, và trào lưu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng sẽ có bước đột phá”  - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh.

Hồ tiêu nếu canh tác không đúng kỹ thuật, dịch bệnh rất dễ bùng phát, đặc biệt là bệnh chết nhanh chết chậm khiến có thể xóa sổ cả một vùng tiêu. Chính vì thế Bộ NN-PTNT đã nhanh chóng thành lập Trung tâm nghiên cứu hồ tiêu, đặt tại Pleiku, Gia Lai (thuộc Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) để nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ phát triển hồ tiêu. Bộ cũng đã thành lập tổ thường trực để giải quyết nhanh bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu.

Cây điều, càng ngày cây này càng tỏ ra lợi thế, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hiện nay chúng ta đang ổn định 300.000ha điều. Nhưng có một số địa phương như Bình Phước đang xem xét để mở rộng diện tích.

Kinh nghiệm 3 năm qua, khi chương trình thâm canh điều được chú trọng, năng suất điều bình quân đã tăng thêm được khoảng 3 tạ/ha, nhưng hiện vẫn mới chỉ đạt 1,2 tấn/ha. Trong khi, có những vườn điều cải tạo, thâm canh tốt, cho năng suất 5 - 6 tấn/ha.

Ngành điều của ta có lợi thế lớn là công nghệ chế biến rất tốt. Chúng ta có trên 300.000ha điều, nhưng nguyên liệu mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%, còn một nửa vẫn phải nhập khẩu về chế biến. Đây chính là cơ hội đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất hơn nữa.

Cây ăn quả, đang là nhóm có dư địa phát triển vào diện tốt nhất ngành trồng trọt. Năm 2013, xuất khẩu rau quả Việt Nam mới được 900 triệu USD, năm 2014 vọt lên 1,47 tỷ USD, tăng gần gấp 1,5 lần, năm 2015 đạt 1,85 tỷ và năm nay hi vọng chúng ta sẽ cán đích 2,5 tỷ USD, vượt cả lúa gạo.


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ hai từ trái sang) chỉ đạo phát triển cây ăn trái ở Hậu Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Nhóm rau quả đang có cơ hội vô cùng lớn để mở rộng thị trường nhưng điều căn bản nhất phải đảm bảo ATTP, kiểm soát dịch bệnh. Ví dụ như bệnh đốm trắng đốm nâu trên cây thanh long, bệnh chổi rồng trên nhãn, đều rất khó phòng trừ. Bộ đã chỉ đạo quyết liệt, cho mở rộng ngay diện tích sản xuất giống có khả năng hạn chế bệnh chổi rồng, và dứt khoát, đối với cây ăn trái là phải mở rộng VietGAP. Ví dụ như Bắc Giang làm rất tốt đối với cây vải. Riêng vùng vải Lục Ngạn, 60% diện tích đang làm theo VietGAP.

Tăng hàm lượng khoa học, liên kết sản xuất lớn

Có lẽ tất cả người tiêu dùng đều thấy vải thiều Lục Ngạn không còn hiện tượng sâu đầu quả nữa. Trước đây thì bị rất nặng, khi ăn nhiều khi chúng ta thấy cả con sâu bên trong, còn vài năm nay tuyệt nhiên không bị. Đó là nhờ áp dụng khoa học bài bản.

Tôi đã đến những vườn vải như thế, rất đẹp, không khác gì vườn cây ăn quả bên Đài Loan, Hàn Quốc. Phải nói Bắc Giang tổ chức sản xuất vải thiều thật bài bản. Cả hệ thống chính trị đi làm thị trường, mở các diễn đàn khắp trong Nam, ngoài Bắc. Tỉnh có 30.000ha vải mà năm nay thu 5.000 tỷ, trong đó 3.000 tỷ là giá trị thực của vải, còn lại là dịch vụ đi kèm.

Với những vùng sản xuất nông sản tập trung, sự chỉ đạo bao giờ cũng dễ dàng hơn, từ quy trình sản xuất cho đến việc tìm kiếm thị trường. Nhưng để ra được những vùng SX hàng hóa lớn, chẳng hạn cây ăn trái, như vùng vải thiều Lục Ngạn vừa nói, rồi vải Thanh Hà (Hải Dương), nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong (Hòa Bình), cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang), gần đây nổi lên vùng nhãn mới cải tạo ở Sông Mã (Sơn La), thì cần có một tầm nhìn, thông thoáng trong chính sách, nghiêm túc trong quy hoạch để thu hút doanh nghiệp, cùng nông dân, nhà khoa học, kết nối sản xuất đáp ứng bất kể mặt hàng nông sản gì thị trường cần.

PGS.TS LÊ QUỐC DOANH

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT

Theo nongnghiep.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 170
Tổng truy cập: 39349354