Một gian hàng tham gia bên lề hội thảo
Tham gia hội thảo có mặt hầu hết các doanh nghiệp lớn của TP.HCM và Long An như: Coop Mart, Cty CP, Tập đoàn Quế Lâm, Cty TNHH Thương mại Nông Phát, Cty CP Đầu tư Hợp Trí, Cty Ba Huân, Cty Tập đoàn quốc tế Năm Sao, Cty CP Thương mại & Đầu tư Chanh Việt...; các HTX trên địa bàn tỉnh Long An như HTX Thanh long Thanh Trì, HTX TM DV Phước Hậu (Gà VietGAP), HTX rau an toàn Phước Hòa…
Nhấn mạnh tiềm năng cũng như lợi thế của Long An, bà Trần Thúy Liên, GĐ Cty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền (TP.HCM), cho biết: Riêng ngành thịt các lò mổ ở Long An đưa vào mỗi đêm gần 200 tấn giá trị 10 tỷ đồng, thịt nguyên con gần 1,5 tấn mỗi đêm; thủy sản: tôm sú sống mỗi đêm tiêu thụ 6 tấn (giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng), ếch khoảng 6 tấn (trị giá 300 triệu), cá tôm 3 tấn, rau củ 8 tấn, xà lách 2,5 tấn, cải bẹ xanh 3 tấn, dưa hấu 25 tấn, thanh long 10 tấn/đêm…
Dù tiềm lực lớn như vậy, nhưng không nên có suy nghĩ hàng vào chợ là chất lượng nào cũng tiêu thụ được. Chợ Bình Điền đã tổ chức kết hợp các chi cục kiểm định chất lượng test nhanh thường xuyên và kiểm tra đột xuất; có chế độ xử phạt nếu vi phạm.
Bà Liên cho biết thêm: Chợ Bình Điền có hơn 1.200 thương nhân với 1.500 vựa, tỉnh Long An nên tổ chức cho các HTX, tổ hợp SX giao lưu với các thương nhân của chợ để nắm bắt thông tin, kết nối giao thương. Ngoài ra nếu Long An tổ chức được đơn vị kinh tế phù hợp tham gia chợ Bình Điền, BQL chợ Bình Điền sẽ cam kết tạo điều kiện cho các đơn vị Long An khu vực riêng kinh doanh, xây dựng thương hiệu. Ngoài ra một số doanh nghiệp Long An có thể phối hợp Cty chợ Bình Điền trong việc sơ chế, đóng gói bao bì nhãn mác liên kết giữa 2 đơn vị, tăng giá trị hàng hóa có thế mạnh địa phương như rau củ, trái cây ra thị trường.
Bà Ba Huân, người đã gắn bó với SX thịt gia cầm và trứng gà tại Long An trong nhiều năm qua chia sẻ: “Tạo thương hiệu đã khó mà giữ thương hiệu còn khó hơn. Cho nên tôi mong bà con nên gắn kết lại SX đảm bảo quy trình ATVSTP, nếu không chính chúng tôi cũng bị người tiêu dùng tẩy chay”.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, PGĐ Sở Công thương TP.HCM chia sẻ: Nhu cầu tiêu thụ và sử dụng hàng hóa sản phẩm của người dân TP.HCM đã thay đổi rất nhiều. Ý thức tiêu dùng đối với các sản phẩm sạch từ giống, nguồn vật tư nguyên liệu… Người tiêu dùng hiện nay lựa chọn rất kỹ từ nhà cung cấp có uy tín, sản phẩm có nguồn gốc và được nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HCCP… Các đơn vị SX như HTX, tổ hợp tác hay hộ nông dân cũng phải đáp ứng các yêu cầu đó mới tiêu thụ sản phẩm được, nếu không thì khó đòi hỏi sự tiêu thụ ổn định.
Theo bà Huỳnh Trang, để đạt được điều này, các tỉnh phải có cuộc vận động hết sức lớn tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nông dân thay đổi ý thức sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng và duy trì chất lượng thường xuyên; cần có chính sách hỗ trợ các HTX sản xuất nuôi trồng theo hướng an toàn bằng kiến thức, kỹ thuật, vốn và các giải pháp đồng bộ để nông dân và HTX nuôi trồng theo tiêu chuẩn. TP.HCM đang thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo và sắp tới tiếp tục thực hiện ở các loại các con vật nuôi khác, tiến tới tất cả các sản phẩm nông nghiệp vào thị trường TP.HCM đều phải truy xuất được nguồn gốc.