Bà Nguyễn Thị Thuấn, thôn Mễ Hạ trên cánh đồng rau VietGAP. Ảnh: TS
Từ lâu, xã Yên Phú được biết đến là vùng SX hoa màu lớn của huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên với hệ số sử dụng đất đạt gần 1.000ha/năm.
Vài năm trở lại đây, mô hình trồng rau sạch tại Yên Phú phát triển nhanh chóng, thương hiệu dần đứng vững trên thị trường. Điều ngạc nhiên, dù cho SX bao nhiêu, vùng rau này chưa bao giờ phải lo “ế” hàng.
Ông Hoàng Hữu Hùng, Chủ tịch UBND xã Yên Phú chia sẻ, dù là xã thuần nông, nhưng cả xã không còn một cây lúa. Lần cuối cùng, những cây lúa xuất hiện trên cánh đồng Yên Phú là vụ mùa năm 2015. Bắt đầu từ năm 2016, hơn 500ha đất SXNN được chuyển đổi hoàn toàn sang các loại cây ăn quả và rau màu.
Theo ông Hùng, riêng với rau màu, mỗi năm người dân Yên Phú làm được 3 vụ, hệ số sử dụng đất 1 năm lên tới gần 1.000ha. Từ cà chua, cải bắp, súp lơ, hành tỏi… cho tới các loại củ quả, người tiêu dùng cần loại gì, trên cánh đồng Yên Phú có loại ấy.
Năm 2012, Sở NN-PTNT Hưng Yên phối hợp tổ chức JICA làm mô hình SX rau sạch theo hướng VietGAP tại đây, diện tích 3ha. Trên nền tảng cơ bản, người dân được tập huấn mọi kỹ thuật từ việc làm đất, phun thuốc, bón phân cho tới sơ chế, vận chuyển. Đây chính là xuất phát điểm của thương hiệu rau sạch VietGAP Yên Phú.
Anh Nguyễn Hữu Hưng, GĐ HTX DVNN Yên Phú cho biết, đến tháng 6/2013, khi mô hình kết thúc, 41 hộ dân vẫn mong mỏi được tiếp tục duy trì vùng rau sạch. Bàn tính lại, HTX cùng lãnh đạo xã quyết định quy hoạch, mở rộng diện tích trồng rau VietGAP. Đến đầu năm 2014, diện tích rau VietGAP toàn xã đạt 8,5ha. Cho tới nay, diện tích này là 15,5ha với 193 hộ tham gia, thuộc 2 thôn là Mễ Thượng và Mễ Hạ.
Từ khi tham gia mô hình, đều đặn hằng năm, tất cả các hộ dân phải tham gia lớp tập huấn kỹ thuật do Chi cục Quản lý chất lượng NLTS Hưng Yên tổ chức. Bà Nguyễn Thị Thuấn, thôn Mễ Hạ cho biết, thực chất việc SX rau sạch là không khó, chỉ có điều từng khâu, từng bước phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Mà cái này được tập huấn rồi, khó chỗ nào lại hỏi cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo HTX. Năm ngoái rau được giá suốt cả vụ, cao điểm mỗi sào cải bắp cho thu nhập tới 7 – 8 triệu đồng.
Địa điểm thu mua, giới thiệu sản phẩm của HTX Yên Phú. Ảnh: TS
Bà Nguyễn Thị Đinh, cùng thôn Mễ Hạ thì khẳng định, từ khi biết làm rau VietGAP, thuốc trừ sâu còn không dám dùng chứ đừng nói là các loại thuốc kích thích tăng trưởng. Dù rằng, mẫu mã sẽ không đẹp bằng rau thông thường, nhưng về độ “sạch” đương nhiên là ăn đứt.
Theo anh Hưng, để quản lý, giám sát chất lượng tại vùng rau, các hộ dân được chia làm 8 tổ. Mỗi tổ sẽ bầu ra một tổ trưởng SX, tổ trưởng kỹ thuật. Trong mỗi tổ sẽ “cài cắm” 1 người của HTX, các tổ chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm với HTX, đồng thời tự giám sát lẫn nhau.
Hiện tại, vùng rau Yên Phú đa phần SX theo mùa vụ, chỉ có khoảng 30 hộ thử làm các loại rau ăn lá, gia vị trái vụ. Tổng sản lượng khu vực trồng rau sạch toàn xã đạt 150 tấn/tháng. Để giải quyết đầu ra, HTX đứng lên làm đầu mối, ký kết với hơn 10 đơn vị thu mua. Tuy nhiên, số này mới chỉ giải quyết được 30 – 40% sản lượng rau. Phần còn lại, các Cty, đại lý tự thỏa thuận ký hợp đồng thu mua với người dân. Gần như, chưa vụ nào người trồng rau ở Yên Phú phải mang rau ra chợ bán kiểu ê hề.
Sản phẩm của HTX Yên Phú tham gia Hội chợ triển lãm nông nghiệp năm 2015. Ảnh: TS
Dù rất tự hào về điều này, anh Hưng cũng chia sẻ, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, việc SX ngày một khó khăn. Điển hình như trận bão số 1 và số 3 vừa qua, mưa lớn khiến toàn bộ diện tích rau mới gieo của người dân mất trắng. Nhiều khi các đầu mối gọi đến cháy cả điện thoại nhưng cũng không có rau để xuất. Mặt khác, đầu ra cho sản phẩm đã ổn định nhưng vẫn chưa cao, trung bình chỉ 15 nghìn đồng/kg rau. Anh Hưng khẳng định, sắp tới sẽ làm việc lại với các đơn vị thu mua, nâng giá bán cho người dân thành 18 nghìn đồng/kg.
+ Theo ông Hoàng Hữu Hùng, Chủ tịch UBND xã Yên Phú, diện tích trồng rau sạch toàn xã mới chỉ đạt 15/300ha, một con số quá nhỏ. Về định hướng quy hoạch, xã luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện để người dân chuyển đổi sang trồng rau sạch.
+ “Chúng tôi làm rau sạch là phải làm thực sự, vì đâu chỉ xuất bán, cả gia đình ngày nào chẳng ăn rau. Còn bán ra, giá có đắt hơn một chút nhưng chưa bao giờ bị ế hàng. Trong xã có tới hơn 30 xe tải của các đại lý, làm tới đâu họ tới thu mua tới đó, mình cứ đảm bảo chất lượng rau là được”, bà Nguyễn Thị Thuấn, thôn Mễ Hạ tâm sự.
|