Phong trào tích tụ đất đai đang hình thành rõ rệt ở Vĩnh Phúc
Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, các tổ chức, cá nhân tích tụ đất đai cho rằng: Bắt buộc phải có bàn tay Nhà nước, cần phải có những chính sách thể hiện vai trò tổ chức, hỗ trợ, chỉ đạo sản xuất và "làm trọng tài" trong các hợp đồng tích tụ đất đai để tạo ra cơ sở vững chắc và các bước đột phá hướng đến sản xuất lớn.
Thực tế vấn đề này đang diễn ra ở tỉnh Vĩnh Phúc có thể xem là một điển hình.
Cuộc cách mạng về chính sách
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 86.920ha đất nông nghiệp; trên 34.300ha đất phi nông nghiệp và gần 2.200ha đất chưa sử dụng. Giống như nhiều địa phương khác ở khu vực ĐBSH, báo cáo thực trạng tích tụ, tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp của Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương cuối tháng 8 vừa qua chỉ rõ những khó khăn mà tỉnh này gặp phải trong quá trình dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai hướng đến sản xuất lớn. Theo thống kê, có khoảng 96% hộ sử dụng đất SXNN ở Vĩnh Phúc có diện tích nhỏ hơn 0,5ha. Mỗi hộ có trung bình 5,7 thửa, mỗi thửa ruộng trồng cây hàng năm khoảng 362m2…
Lý giải nguyên nhân diện tích đất ở Vĩnh Phúc được tập trung, tích tụ chưa đạt 5% so với diện tích đất SXNN, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, đó là do nguồn kinh phí thực hiện các hạng mục quy hoạch, cải tạo lại hệ thống đồng ruộng còn thiếu; nhiều hộ dân đòi giá thuê đất cao hơn so với quy định của Nhà nước, nhận thức của người dân về tập trung, tích tụ ruộng đất chưa đầy đủ, còn tâm lý sợ mất đất nên không cho thuê mặc dù không có nhu cầu sử dụng…
Tuy là thực trạng chung, nhưng với một địa phương có truyền thống đổi mới nông nghiệp như Vĩnh Phúc, họ đã xác định: Cần phải có những bước đột phá, cần phải có những chính sách hỗ trợ ngay.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc nói rằng: Từ nhiều năm trước, Vĩnh Phúc đã có hẳn cả một chùm nghị quyết, quyết định hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, từ năm 2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2311 thí điểm về việc hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân gom ruộng sản xuất vụ đông. Đó có thể xem là bước đột phá thứ nhất nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư tích tụ đất đai.
Vụ đông năm ấy, tổng cộng đã có hơn 3,1 tỷ đồng được hỗ trợ trực tiếp đến người tích tụ đất đai sản xuất các loại cây trồng ngô, đậu tương, lạc, rau... Đặc biệt, với các mô hình tích tụ có diện tích từ 1ha trở lên được hỗ trợ mức tối đa 2 triệu đồng, đã có 727,8ha hoa màu, rau ăn lá các loại được hỗ trợ.
Đến năm 2015, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp ban hành hai Nghị quyết 201 và 202 chỉ trong một ngày (22/12/2015) về chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020.
Trong một mục của Nghị quyết chỉ rõ: Hỗ trợ tổ chức, cá nhân (không phải DN) thuê quyền sử dụng đất quy mô từ 2ha trở lên đối với miền núi, 3ha trở lên đối với vùng còn lại để sản xuất trồng trọt quy mô lớn, thời hạn thuê tối thiểu 10 năm liên tục trở lên và liền vùng liền khoảnh. Mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha/năm trong 5 năm đầu.
Tiếp tục, năm 2016, khi phong trào tích tụ đất đai đang hình thành khá rõ rệt, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND về việc ban hành qui định thực hiện một số cơ chế, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thuê đất 50 năm trồng thanh long ở huyện Lập Thạch
Trong đó có những vấn đề trọng tâm được đặt ra như hỗ trợ rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ làm thí điểm dồn thửa, đổi ruộng. Triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2018. Hỗ trợ thuê quyền sử dụng đất. Hỗ trợ không quá 35% chi phí sản xuất trực tiếp và 100% kinh phí triển khai cho hộ để sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP.
Mới đây nhất, ngày 22/9/2016, Quyết định của UBND tỉnh ban hành về việc phê duyệt dự toán, cấp kinh phí hỗ trợ sản xuất cây vụ đông năm 2016. Theo quyết định này, có tới 13.100ha được hỗ trợ sản xuất, tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân hơn 18,3 tỷ đồng.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Bằng những hợp đồng cụ thể với thời hạn thuê từ 5 - 20 năm, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích tụ, tập trung ruộng đất đang giải quyết cho 2.750 lao động thường xuyên có mức thu nhập ổn định. Cụ thể nhất, các mô hình sản xuất nông nghiệp bằng hình thức tích tụ đất đai được hưởng lợi từ các chính sách đã đạt nhiều thành tựu khả quan.
Đó là ông Nguyễn Văn Đề, Giám đốc Cty TNHH Thương mại Tân Nông (xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường) thuê 7,2ha đất thời hạn 5 năm, mức giá 23 triệu/ha/năm.Cty sản xuất giống cà chua ghép trong nhà kính diện tích 500m2 tại xã Đại Đồng và mở rộng quy mô với trên 2ha chuyên sản xuất ươm cây giống tại huyện Tam Đảo. Hiện Tân Nông đang sản xuất, nhân giống hàng vạn cây giống các loại như cà chua ghép; dưa hấu ghép; mướp ghép… tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 40 lao động địa phương.
Sản xuất rau an toàn ở VinEco Tam Đảo
Hay như chị Nguyễn Thị Duyên (thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường). Năm 2006, tốt nghiệp đại học Nông nghiệp Hà Nội, hai bàn tay trắng, chị Duyên quyết định vay mượn 500 triệu đồng đứng ra thuê đất, mua giống và các vật dụng cần thiết để trồng hoa.
Từ 3,5 mẫu đất đi thuê những ngày đầu khởi nghiệp, bây giờ, trong tay "người đàn bà liều lĩnh" này đang có 12ha đất ruộng được thuê lại bằng việc hợp đồng với các hộ nông dân. Hình thức thuê được thực hiện 7 năm một lần với mức giá 30 triệu/ha/năm. Mỗi năm, hàng vạn cành hoa được xuất bán, nhiều người dân địa phương có việc làm trên cánh đồng này.
Không chỉ riêng vùng trồng trọt hoa màu trù phú Vĩnh Tường, Yên Lạc mà đến các vùng núi huyện Lập Thạch, Sông Lô, các tổ chức, hộ nông dân cũng đã hình thành các vùng tích tụ rất rõ rệt...
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, Vĩnh Phúc đã đề ra 8 giải pháp cần thực hiện ngay. Trong đó nhấn mạnh, cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tiếp tục thực hiện thí điểm ở các địa phương, giúp đỡ, hỗ trợ nông dân chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, góp vốn, cho mượn quyền sử dụng đất theo các quy định hiện hành.
Tích tụ qua những con số Thống kê mới nhất cho thấy, cả tỉnh này hiện đã có 663 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mua, thuê gom ruộng đất để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó có 28 tổ chức, cá nhân mua, thuê gom ruộng đất đầu tư trồng trọt, mức thuê dao động từ 10 - 30 triệu đồng/ha/năm. 485 trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sử dụng diện tích đất khoảng 2.200ha. 47 trang trại tổng hợp sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, gom, thuê đất từ 0,5ha trở lên với diện tích 200ha.
|
Song song với các chính sách hỗ trợ trực tiếp các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân tích tụ đất đai, Vĩnh Phúc cũng khá mạnh tay trong việc thu hồi đất các dự án kém hiệu quả để lấy mặt bằng sạch giao cho các tổ chức, cá nhân có khả năng đầu tư sản xuất tốt hơn.
Hiện tại có 2 DN được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất “sạch” sau khi thu hồi để phát triển sản xuất nông nghiệp là Cty TNHH hai thành viên Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp VinEco Tam Đảo (479ha) và Cty Nông nghiệp công nghệ cao (10ha).
Cty VinEco Tam Đảo đã đầu tư xây dựng 1.400m2 nhà kính để sản xuất theo công nghệ thủy canh và triển khai trồng 40ha rau an toàn cung cấp trong hệ thống siêu thị Vinmart. Cty NN công nghệ cao cũng đã sản xuất 10ha rau quả an toàn cung cấp cho thị trường.
|