Đường giao thông nội đồng huyện Đại Lộc được bê tông hóa
Trong đó phải kể đến hạ tầng giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng bài bản. Đại Lộc phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện NTM.
Đột phá mạnh mẽ
Ông Phan Xuân Quang, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc cho biết: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/HU của Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH ở nhiều xã đã được đầu tư phát triển mạnh.
Đến nay, tất cả các xã công bố quy hoạch ra dân, thực hiện cắm mốc quy hoạch. Nhìn chung, quy hoạch xây dựng NTM trên địa bàn huyện cơ bản phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, Đại Lộc xác định giao thông nông thôn phải là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu bức xúc của người dân nên được chú trọng đầu tư. Toàn huyện có trên 223/241km đường trục xã được bê tông hóa, đạt tỷ lệ 92,6%; 229,8/321,9 km đường trục thôn được bê tông hóa, đạt tỷ lệ 71,4% và hơn 58/192 km đường giao thông nội đồng đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 30,5%.
“Công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện và mang lại kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 19,4% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2015, bình quân giảm 2,7%/năm. Đại Lộc có 11 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, chiếm 64,7%. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách với người có công, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội - Ông Phan Xuân Quang, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc.
|
Song với đó, thủy lợi đã xây dựng mới 10 trạm bơm điện phục vụ SX; sửa chữa, nâng cấp 5 công trình hồ chứa nước; xây dựng 17 công trình điện thủy lợi hóa đất màu với chiều dài 21,6km để tưới cho 1.200ha đất màu; kiên cố hóa 26,7km kênh mương thủy lợi phục vụ SX. Toàn huyện có 145,5km kênh mương loại 3 đã được kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 53,39%.
Hạ tầng điện nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp và mở rộng. Hệ thống lưới điện trung, hạ thế và trạm biến áp được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn, phục vụ tốt cho nhu cầu SX và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, đã đầu tư xây dựng 121 phòng học, 32 phòng chức năng, 27 phòng làm việc, 5 phòng bộ môn, 34 công trình tường rào, 28 công trình nhà để xe, 103 công trình vệ sinh, 11 công trình nhà ăn, 9 nhà đa năng…
Vẫn còn hạn chế
Theo ông Quang, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy, nhiệm vụ xây dựng NTM của huyện đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Như một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa tích cực trong công tác xây dựng NTM, còn lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện, chưa chủ động trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết.
Một số chỉ tiêu thực hiện chưa đạt theo Nghị quyết đề ra, nhiều đề án nặng về tính toán đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức tới phát triển SX và bảo vệ môi trường. Đặc biệt thiếu giải pháp thực hiện, việc tính toán huy động nguồn lực còn thiếu tính khả thi. Thực hiện việc cắm mốc, quản lý quy hoạch chung chưa đảm bảo ở một số địa phương.
Cánh đồng lúa hàng hóa xã Đại Minh
“Huyện chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, mặt trận, đoàn thể ở mỗi địa phương. Đồng thời thực hiện tốt quy hoạch, đề án và kế hoạch về xây dựng NTM. Các xã tập trung rà soát lại đồ án quy hoạch, đề án xây dựng NTM trình UBND huyện điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế”, ông Phan Xuân Quang cho hay.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế
Tính đến cuối năm 2015, Đại Lộc thực hiện được trên 3.000ha đất có giá trị SX đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 2.118ha đạt từ 80 đến 150 triệu/ha và 882 ha đạt trên 150 triệu đồng/ha.
Xây dựng cánh đồng SX rau xanh theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 23,5ha tại xã Đại An gắn với thương hiệu rau Bàu Tròn, hiện đã nhân rộng mô hình thành nhiều vùng chuyên SX rau ở các xã Đại Nghĩa, Đại Minh, Đại Phong, Đại Thắng... với diện tích quy hoạch 120ha mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân xã Đại Nghĩa trồng ớt lai xuất khẩu
Toàn huyện có 12 trang trại chăn nuôi gia cầm, 2 trang trại chăn nuôi lợn thịt có giá trị SX hàng hóa từ 2 tỷ đồng/năm trở lên.
Về gia trại, hiện có 15 gia trại chăn nuôi bò lai lấy thịt quy mô từ 25 - 30 con/trại, 11 gia trại chuyên SX lợn giống và lợn thịt quy mô từ 200 - 300 con xuất chuồng/năm, 50 gia trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, 6 gia trại nuôi cá lồng bè đều cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Các hoạt động SX, kinh doanh chính của HTX là thực hiện các dịch vụ vật tư nông nghiệp phục vụ SX, dịch vụ thủy lợi nội đồng, dịch vụ điện sinh hoạt và thủy lợi hóa đất màu, dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt, dịch vụ thu gom rác thải, liên kết với các doanh nghiệp SX giống, nông sản hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm cho người nông dân...
“Hàng năm, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện liên kết tổ chức SX trên 1.200ha lúa giống các loại, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tăng từ 1,2 - 1,5 so với SX lúa thông thường.
Bên cạnh đó còn liên kết SX, bao tiêu nông sản cho nông dân như trồng thuốc lá, đậu xanh giống, ớt lai xuất khẩu... tạo đầu ra ổn định giúp nông dân yên tâm canh tác”, ông Quang chia sẻ.
Mục tiêu đến năm 2020
Để sớm đưa huyện Đại Lộc trở thành huyện NTM, huyện phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM nâng tổng số xã đạt chuẩn lên thành 13 xã, chiếm tỷ lệ 76,47%. Cụ thể năm 2016 xã Đại Hòa đạt chuẩn NTM. Năm 2017 thêm các xã Đại Thắng, Đại Nghĩa, Đại Quang. Năm 2018 xã Đại Đồng. Năm 2019 xã Đại Lãnh. Năm 2020 xã Đại Hưng.
4 xã còn lại đạt từ 14 tiêu chí trở lên, trong đó có 2 tiêu chí là hộ nghèo và thu nhập phải đạt chuẩn, các tiêu chí còn lại phải đạt từ 70% trở lên so với quy định. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%.
|