Thực ra thì rất hợp lý, vì mặc dù chỉ mới tham gia vào thị trường lúa gạo thế giới trong vài năm qua và có điểm xuất phát thua xa Việt Nam, nhưng Campuchia lại có những thành quả “vượt mặt” trong việc xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu.
Sang học hỏi họ là đúng, là phải lẽ.
Ảnh minh họa
Gạo Campuchia đã được xuất khẩu tới những nước khó tính nhất thế giới, có loại có giá 1.475 USD/tấn. Hiện tại, gạo thơm Campuchia được rất nhiều nước phát triển trên thế giới đặt mua, đặc biệt là châu Âu, Trung Quốc… Các doanh nghiệp Malaysia trước đây mua khá nhiều gạo thơm Việt Nam, nay cũng chuyển sang mua gạo thơm Campuchia. Gạo Campuchia hiện đã có mặt tại 53 thị trường trên toàn thế giới.
Là do họ sản xuất lúa gạo hữu cơ.
Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết những thông tin phiền muộn, tính đến hết tháng 10, lượng gạo tồn trong kho của doanh nghiệp Việt Nam gần 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4,2 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu gạo giảm gần 17% so với cùng kỳ, khi chỉ đạt 1,9 tỷ USD.
Một trong các nguyên nhân chính, là vì lúa gạo chúng ta sản xuất không phải là lúa gạo hữu cơ.
Xu hướng của thế giới cũng là nông nghiệp hữu cơ (NNHC), năm 2015 trên thế giới đã có 87 nước có quy định về NNHC. Số liệu năm 2014 cho thấy, đất dành cho NNHC là 43,7 triệu ha, sản phẩm NNHC đạt 80 tỉ USD.
NNHC có thể tăng năng suất gấp đôi cho 80% sản xuất tại các quốc gia đang phát triển, là một phương thức rẻ, thích hợp và hiệu quả với Việt Nam vì đa số nông dân canh tác theo quy mô nhỏ.
Hệ thống sản xuất lúa - tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long lại có những đặc điểm lợi ích tương hỗ, là điều kiện quan trọng hình thành vùng sản xuất lúa hữu cơ. Đến nay, diện tích lúa - tôm đã đạt 152,9 ngàn ha, tăng 2,5 lần so với năm 2000. Đối với tiêu, sản xuất theo hướng hữu cơ đã được nhiều tỉnh Đông Nam Bộ thực hiện có kết quả tốt, năng suất ổn định và ít sâu bệnh hại, một số nơi năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha. Về bưởi da xanh, nhiều doanh nghiệp phối hợp nông dân tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ hướng hữu cơ. Cây điều cũng là một đối tượng của NNHC tại Bình Phước, Bình Thuận.
Nội dung quan trọng trong sản xuất NNHC chủ yếu là ở việc tổ chức sản xuất, quản lý chuỗi sản phẩm và tiêu thụ với giá mà nông dân chấp nhận được. Muốn như vậy, phải có hệ thống cấp chứng chỉ, tiêu chuẩn đảm bảo; tăng cường sự quan tâm của cộng đồng; Nhà nước cần hoàn thiện chính sách thúc đẩy sản xuất NNHC như giao đất, tín dụng với lãi suất ưu đãi cho DN sản xuất hữu cơ…
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường hôm 21/11, cũng nói rõ, là tiến tới một nền nông nghiệp SX theo hướng “hữu cơ hóa”, sẽ đẩy mạnh các mô hình SX theo hướng hữu cơ, cả trong SX phân bón lẫn trong canh tác, hình thành một số nhóm ngành hàng được SX theo hướng hữu cơ hóa.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là một hướng đi tất yếu.