Trồng dưa Kim hoàng hậu trong nhà lưới hiệu quả
Tuổi đời còn trẻ song Nguyễn Tuấn Anh (SN 1985) ở thôn Yên Cẩm, xã Đông Yên được xem là một tấm gương điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ít ai biết, để có được thành công như ngày hôm nay, chàng cựu sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội ngày nào đã trải qua những tháng ngày khốn khó.
Ra trường, Tuấn Anh quyết định về quê lập gia đình. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ lúc này vô cùng khó khăn, áp lực kinh tế đè nặng buộc hai người phải kiếm tìm cơ hội đổi đời ở nước Nga xa xôi. Thế nhưng 3 năm ròng rã ở xứ người không mang lại kết quả như mong muốn, Tuấn Anh và vợ lại trở về với số tiền tích cóp ít ỏi.
“Mặc dù theo học ngành quản trị kinh doanh nhưng tôi có niềm say mê đặc biệt với nông nghiệp, khi biết huyện ban hành chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, tôi cảm nhận cơ hội đang đến với mình”, Tuấn Anh hồ hởi.
Nhận được sự ủng hộ của gia đình, 2 vợ chồng nhanh chóng làm thủ tục vay vốn ngân hàng, đồng thời huy động bạn bè giúp sức để tiến hành đầu tư, mua sắm trang thiết bị (máy cấy, máy gặt, mạ khay, máy cày…) phục vụ sân chơi lớn.
Chân ướt chân ráo vào nghề, bản thân lại chưa có nhiều kinh nghiệm trên thương trường nhưng mô hình cơ giới hóa đồng bộ của chàng trai trẻ nhanh chóng tạo dựng được chỗ đứng, chỉ sau một thời gian ngắn đã được nhiều nông dân tin tưởng. Anh quyết định xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới trên diện tích 1.260m2, trồng luân canh các loại cây ăn quả. Giữa năm 2016 anh triển khai trồng thí điểm dưa Kim hoàng hậu. Nhờ nắm vững quy trình kỹ thuật, chịu khó đầu tư làm đất nên dưa phát triển nhanh, chỉ sau 2 tháng đã cho thu hoạch. Trừ chi phí giống má, làm đất, công cán lao động, anh thu lãi 70 triệu đồng.
Thành công nối tiếp thành công, mặc dù gặp phải một số bất lợi do điều kiện thời tiết chuyển biến thất thường nhưng lứa dưa tiếp theo vẫn duy trì năng suất, chất lượng ổn định, được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Dự kiến trong vài ngày tới, gia đình anh sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích để tập trung cải tạo đất, triển khai trồng 1.000 cây dưa chuột và 2.500 cây cà chua phục vụ cho thị trường tết.
Theo Tuấn Anh, chi phí đầu tư ban đầu khi triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao khá tốn kém, khoảng 500 triệu đồng/1.000m2 nhưng sử dụng tới trên chục năm, kinh phí duy tu không đáng kể. Đặc biệt, với hệ thống nhà màng, nhà lưới được xây dựng đúng quy chuẩn thì nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh cũng như tác động từ môi trường được hạn chế thấp nhất.
Nhận thấy hướng đi mới đầy tiềm năng từ mô hình trên, năm tới Tuấn Anh đang ấp ủ dự định mở rộng diện tích thêm 1.000m2.
Tương tự, mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang được HTX Dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (đóng tại xã Đông Tiến) áp dụng khá hiệu quả trong thời gian qua.
Hiện HTX đã tiến hành nâng cấp, hoàn thiện được 2.200m2, trong đó 1.000m2 trồng hoa cao cấp (lan hồ điệp, ly lùn, tulip) đáp ứng cho thị trường tết, diện tích còn lại trồng luân canh 3 lứa dưa Kim hoàng hậu (8 tháng), hoa ly (3 tháng) và rau ăn lá (1 tháng).
“Mô hình mới giúp chúng tôi chủ động sản xuất trong mọi hoàn cảnh thời tiết. Áp dụng theo quy trình VietGAP nên chất lượng hàng hóa đảm bảo, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng ưa chuộng”, GĐ HTX Nguyễn Xuân Thiên khẳng định.
“Triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao là nội dung trọng tâm trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Các cá nhân, đơn vị cam kết thực hiện trên 1.000m2 sẽ được huyện hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng. Trong năm 2016, huyện đã triển khai thành công 2 mô hình trên, được UBND tỉnh và các Sở, ngành đánh giá cao. Dự kiến năm 2017 sẽ nhân rộng thêm 6 mô hình nữa”, ông Lê Văn Hùng, Phó phòng Nông nghiệp huyện Đông Sơn.
|