Hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà bao bọc bởi 4 con sông lớn là sông Hồng, sông Đào, sông Đáy và sông Châu Giang. Diện tích tự nhiên toàn hệ thống 100.261 ha, bao gồm 4 huyện thị của Nam Định (gồm TP Nam Định, các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên) và 4 huyện, thị của Hà Nam (gồm TP. Phủ Lý, các huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân).
Các công trình tưới của hệ thống đảm bảo tưới cho hơn 47.000 ha đất SX nông nghiệp trong vụ xuân, còn vụ mùa là 46.000 ha, vụ đông 13.000 - 15.000 ha. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà đang ở tình trạng rất đáng ngại.
Trước khi tưới cho cây trồng, nước từ sông Châu Giang được Cty An Phú Hưng xử lý bằng chế phẩm sinh học
Theo ông Nguyễn Đình Kính, GĐ Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Nam Hà, có rất nhiều nguồn xả thải gây ô nhiễm đổ vào hệ thống kênh mương trong hệ thống. Ví dụ, địa bàn tỉnh Nam Định có KCN Hòa Xá, KCN Bảo Minh (huyện Vụ Bản), CCN An Há, làng nghề đúc đồng, làng nghề đồ gỗ, tre nứa huyện Ý Yên, Vụ Bản...
Tỉnh Hà Nam có KCN Bình Mỹ, làng nghề dệt vải xã Hòa Hậu, làng chăn nuôi lợn Ngọc Lũ, trại lợn xã La Sơn, huyện Bình Lục và nhiều CCN nhỏ lẻ khác. Hiện hầu hết các làng nghề quy mô nhỏ lẻ mang tính chất kinh tế hộ gia đình, không có hệ thống xử lý nước thải.
Bà Nguyễn Thị Vang, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam từng chia sẻ, tỉnh đang thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, một trong những định hướng chiến lược là phát triển sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, với chất lượng nguồn nước ở mức đáng báo động như hiện nay, không thể không lo lắng.
Tháng 3/2016, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành các Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Liêm Tiết (TP Phủ Lý); khu Nhân Bình - Xuân Khê, khu Nhân Khang (huyện Lý Nhân) và khu Đồng Du - An Mỹ (huyện Bình Lục) với 500 ha.
Có một số khu nằm trong quy hoạch, việc tìm nguồn nước sạch trên các lưu vực sông không thuận lợi do nguồn nước không đảm bảo. Điển hình như khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nhân Khang (diện tích 118 ha), lấy nước từ sông Châu Giang.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã sử dụng ngân sách địa phương xây dựng trạm bơm nước từ sông Châu Giang và hồ xử lý nước trước khi tưới cho cây trồng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư.
Theo bà Nguyễn Thu Đang, Chủ tịch HĐQT Cty CP An Phú Hưng (doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nhân Khang), với mục tiêu tối thượng là sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, thì nước là yếu tố đầu vào quan trọng nhất.
Sau khi nước được bơm từ sông Châu Giang, sẽ được lắng lọc tại một hồ chứa 1.000m2, xử lý bằng chế phẩm chuyên dụng, sau đó mới được sử dụng để tưới cho cây trồng. Mỗi năm, Cty đều tiến hành lấy mẫu nước và gửi các phòng phân tích. Đồng thời, các đoàn kiểm tra cũng giám sát chất lượng nước. Từ đó đẩy chi phí SX lên cao...
Trong khi đó để chủ động giám sát chất lượng nguồn xả thải vào hệ thống, Cty TNHH MTV KTCTTL Bắc Hưng Hải đã chủ động đầu tư kinh phí lắp đặt camera theo dõi tại các điểm nóng về xả thải nguồn nước gây ô nhiễm, điển hình như kênh Cầu Bây qua cống Xuân Thụy.
Qua việc ghi lại bằng chứng, Cty có cơ sở kiến nghị lên TP Hà Nội có biện pháp xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường. Đồng thời, Cty cũng phối hợp với Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN- PTNT) chủ động và thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện giấy phép xả thải của các KCN của tỉnh Hải Dương.
Về phần mình, Bắc Hưng Hải cắt cử người đi kiểm tra, khi phát hiện vi phạm, trong vòng 24 giờ phải kết hợp với địa phương lập biên bản. Đồng thời có văn bản báo cáo UBND huyện. Trường hợp nghiêm trọng báo cáo trực tiếp qua điện thoại cho lãnh đạo Cty. Căn cứ hồ sơ vi phạm, Cty kiểm tra, làm việc trực tiếp với UBND huyện đề nghị xử lý, ngăn chặn vi phạm.