Gạo sạch từ cánh đồng lớn (16/12/2016)

Cánh đồng lớn (CĐL) trong “chuỗi giá trị hạt gạo sạch” đem lại lợi nhuận cao cho nhà nông, giá trị kinh tế tăng thêm trên một đơn vị diện tích đất trồng lúa từ 4 - 5 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Nguyễn Văn Ngưu, xã viên HTX nông nghiệp Gò Gòn (ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, Long An) canh tác 12ha lúa cho biết, 4 năm tham gia CĐL ông được hưởng lợi từ các khâu kỹ thuật, làm đất, thu hoạch và sau thu hoạch do HTX làm dịch vụ.


HTX Gò Gòn đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất

Giống, vật tư nông nghiệp đầu vào được HTX ký kết với doanh nghiệp cung ứng đến cuối vụ cân lúa khấu trừ không tính lãi. Đầu ra hạt lúa được HTX và doanh nghiệp bao tiêu và thu mua cao hơn giá thị trường 100 đồng/kg. Sau 8 vụ sản xuất lúa trong CĐL đã giúp đời sông của xã viên khá lên...

Ông Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Gò Gòn cho biết, năm 2013 HTX Gò Gòn thực hiện mô hình CĐL. Doanh nghiệp đến ký kết với HTX cung ứng giống, vật tư nông nghiệp trả chậm đến cuối vụ, bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường. Từ đó bà con không còn tập quán tự sản tự tiêu mà chuyển sang làm an tập thể. Tham gia sản xuất trong CĐL được Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí giống và vật tư nông nghiệp.

Ngày mới thực hiện chỉ hơn 20 hộ tham gia CĐL đến nay đã có 149 hộ dân ấp Gò Gòn và ấp Hưng Thuận tham gia sản xuất trên 1.164ha. Nông dân trồng lúa trong CĐL do HTX tổ chức không phải làm thủ công như trước. Các khâu đều được cơ giới hóa và dịch vụ lao động lo trọn gói. Giống, vật tư nông nghiệp được doanh nghiệp liên kết với HTX đầu tư đến cuối vụ mới thu hồi vốn.

Đầu ra của hạt lúa được HTX ký hợp đồng trực tiếp với các Cty xuất khẩu gạo thu mua toàn bộ sản phẩm với cao hơn thị trường 100 đồng/kg. Lợi nhuận tăng thêm cho các xã viên trồng lúa trong CĐL từ 4 - 5 triệu đồng/ha/vụ. Hiệu quả sản xuất trong CĐL rất rõ và đang cuốn hút nhiều hộ nông dân các ấp lân cận xin vào làm xã viên.


Cán bộ và xã viên HTX Gò Gòn thăm đồng

149 hộ dân tham gia sản xuất trong CĐL là thành viên HTX đóng góp vốn điều lệ 1 triệu đồng/cổ phần (bình quân mỗi hộ góp 5 triệu đồng) được hưởng 3 quyền lợi: Mua giống, vật tư nông nghiệp, phí làm đất thấp hơn dịch vụ ngoài thị trường. Được hưởng lợi nhuận 30% sau khi quyết toán tài chính năm. Được hương chính sách hỗ trợ bán lúa cao hơn thị trường 100 đồng/kg lúa và được hưởng 30% chi phí sản xuất trong chính sách chuỗi giá trị liên kết của nhà nước.

Chính sách và quyền lợi rất cụ thể nên khi xã viên HTX bẻ kèo thì Ban quản trị sẽ bình xét cho ra khỏi HTX. Xã viên muốn gia nhập trở lại thì phải đợi 3 năm sau và phải làm đơn xin vào lại HTX.

Để nâng cao giá trị hạt gạo, thời gian qua HTX Gò Gòn rất chú trọng đến việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. HTX đã tổ chức sản xuất 82ha lúa theo quy trình VietGAP và được cấp chứng nhận. Trong năm 2017, HTX tiếp tục mở rộng diện tích lúa sản xuất theo quy trình VietGAP lên 300ha. Chuỗi giá trị hạt gạo của HTX ngày càng được nhiều doanh nghiệp đến liên kết hợp tác.

Hiện bà con đang xuống giống vụ ĐX 2016 - 2017. Tại xã Hưng Thạnh có khoảng 5 doanh nghệp đến phối hợp với địa phương liên kết sản xuất lúa theo mô hình CĐL.

Ông Trí cho biết thêm, vụ này HTX tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Mô hình điểm trồng lúa ứng dụng công nghệ cao với 17 thành viên tham gia sản xuất 52ha. HTX đã dùng máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laze được 28ha để sản xuất giống chất lượng cao cung cấp cho CĐL. Quy trình "1 phải 6 giảm" được HTX phổ biến cho xã viên và 52ha sẽ sử dụng phân hữu cơ sinh học vào canh tác. Điều HTX hướng đến là đưa thương hiệu lúa đặc sản Hưng Thạnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết, sau 4 năm triển khai CĐL, đến nay toàn tỉnh đã phát triển được 115 CĐL với diện tích 29.998ha, được 17 doanh nghiệp liên kết và 11.000 lượt hộ tham gia sản xuất. Giá lúa trong CĐL cao hơn bên ngoài 100 - 150 đ/kg, lợi nhuận 14 - 17 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn ngoài cánh đồng 1,5 - 2,2 triệu đồng/ha/vụ.

Để tạo chuỗi giá trị hạt gạo, Long An đã quy hoạch CĐL có diện tích 40.000ha/233.000ha đất trồng lúa. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 20.000ha CĐL lúa cao sản ở các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười được ứng dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp có thể xây dựng được vùng nguyên liệu quản lý theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ...

Theo NGUYỄN DUY (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 172
Tổng truy cập: 39349354