Vừa qua, tại hội chợ "Hàng Việt Nam thành phố Hà Nội năm 2016”, Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với UBND huyện Thuận Châu (Sơn La) tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu một số nông sản đặc sản của huyện Thuận Châu như táo mèo, khoai sọ… thu hút nhiều khách hàng đến thăm quan.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của huyện Thuận Châu
Th.S Nguyễn Thị Hồng, Viện Nghiên cứu rau quả cho biết giống khoai sọ Thuận Châu hay gọi là khoai sọ Cù Cang, thích hợp trồng tại một số vùng núi Tây Bắc nhưng ngon nhất vẫn là trồng tại huyện Thuận Châu, Sơn La. Khoai sọ Thuận Châu củ to như khoai môn, hình dáng không khác nhau nhưng khi nấu canh xương thì rất ngọt, dẻo, thơm. Khoai sọ thường được chế biến thành những món ăn cho các bữa ăn chính trong gia đình. Nhưng ngày nay, khoai sọ của người Dao đã trở thành đặc sản, giá cả trở nên đắt đỏ nhưng ai cũng chấp nhận và sẵn sàng chi tiền để thưởng thức.
Tại hội chợ, hoạt động thử nếm được thể hiện thành nhiều món ăn được chế biến từ khoai sọ Thuận Châu rất hấp dẫn như khoai sọ nấu canh với thịt sườn heo non; khoai luộc chấm muối vừng, chè khoai; bánh khoai… rất hấp dẫn.
Theo TS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, chủ nhiệm dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ một số loại rau, hoa, quả tại Thuận Châu, Sơn La”, bên cạnh sản phẩm khoai sọ Cù Cang, dự án cũng đã giúp người nông dân quy trình công nghệ bảo quản táo mèo Thuận Châu (dùng để ăn tươi hoặc chế biến ở dạng sấy dẻo, sản xuất rượu). Ngoài giá trị dinh dưỡng, táo mèo còn được coi như một loại dược liệu chống hình thành mỡ máu, giảm cholestorol trong máu. Thời gian thu hoạch táo mèo từ tháng 8 đến giữa tháng 9 dương lịch.
Dự án đã áp dụng công nghệ bảo quản lạnh để bảo quản táo mèo có thể kéo dài 2 đến 3 tháng từ khi thu hoạch, đảm bảo chất lượng sau bảo quản phục vụ ăn tươi và chế biến. Thành công bước đầu sẽ góp phần nâng cao giá trị cho người trồng chủ động được nguyên liệu chế biến trong thời gian dài và giá bán cho ăn tươi tăng 1,5 - 2 lần so với chính vụ.