Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp (27/12/2016)

Sơn La xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã chỉ thành công và bền vững khi thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp...

Sơn La xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã chỉ thành công và bền vững khi thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với mục tiêu cốt lõi là sản xuất và thu nhập của người dân được nâng cao; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ.

Trong giai đoạn 2011 - 2013 việc triển khai lập Đồ án quy hoạch xây dựng NTM tới cấp xã của Sơn La còn một số lúng túng, nhất là việc quy hoạch hợp phần phát triển sản xuất, nội dung vẫn thiếu cụ thể.

Tuy nhiên, nhờ chủ trương đúng đắn, cùng với cơ chế, chính sách phù hợp, từ năm 2013 đến nay, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh Sơn La triển khai đến cơ sở và các thành phần kinh tế đã phần nào chỉ rõ được mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp thực hiện.


Xã viên HTX rau an toàn Tự Nhiên chăm bón vườn rau theo quy trình VietGAP

Từ đó giúp địa phương có căn cứ chỉ đạo cụ thể về phát triển sản xuất nông nghiệp trong xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM.

Đầu tư chiều sâu các loại cây chủ lực

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, lĩnh vực nông nghiệp đã được tỉnh Sơn La chỉ đạo phát triển theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, thời vụ, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh, tăng cường thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất.

Từ đó, các loại cây công nghiệp chủ lực như mía, cà phê, sắn... được đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng suất, bảo đảm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến.

Lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc phát triển cả về quy mô và chất lượng, phát huy lợi thế, chú trọng cải tạo giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng các mô hình doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính.

Tích cực thực hiện chủ trương của tỉnh về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, quy hoạch phát triển các cây trồng chủ lực, tăng diện tích, sản lượng nông sản hàng hóa có giá trị cao như cây cà phê, cao su, chè, mía đường, sắn, hoa, rau an toàn,...


Anh Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc HTX Hưng Thịnh kiểm tra mắt ghép trên cây táo

Hình thành các vùng sản xuất tập trung ổn định và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Giá trị thu nhập bình quân 1 ha đất canh tác đạt 34 triệu đồng, tăng 9 triệu đồng so với năm 2010.

Đẩy mạnh xây dựng HTX kiểu mới

Các địa phương đã tích cực tuyên truyền và thành lập thêm nhiều HTX kiểu mới. Đến nay toàn tỉnh Sơn La có 172 HTX nông nghiệp, trong đó 2 HTX thành lập mới theo Luật HTX 2012, 40 HTX đã chuyển đổi.

Đa số các HTX đã quan tâm việc đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nông sản đạt chất lượng, từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng, tích cực mở rộng liên kết trong sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 4.000 thành viên và hơn 2.000 lao động.

Các HTX nông nghiệp sản xuất rau, quả sạch theo quy trình VietGAP để cung ứng sản phẩm cho các siêu thị tại Hà Nội và xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn, hình thành hệ thống cửa hàng nông sản an toàn có xác nhận.


Mô hình trồng quýt của người dân bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp)

Năm 2015, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt toàn tỉnh Sơn La đạt 6.637 tỷ đồng, chăn nuôi đạt 2.660 tỷ đồng, lâm nghiệp 781 tỷ đồng, thủy sản 211 tỷ đồng, giá trị bình quân 1ha sản xuất đạt 24,6 triệu đồng.

Thu hút doanh nghiệp công nghệ cao

Bên cạnh đó, tỉnh đã đã thực hiện tốt việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến, hình thành một số cụm công nghiệp chế biến nông sản tại các huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Phù Yên; khôi phục và phát triển tiểu thủ công nghiệp và một số nghề thủ công truyền thống.

Hiện nay, ngoài một số nhà máy chế biến quy mô lớn, như Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi (Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu), Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, Nhà máy đường Sơn La thì tỉnh đã có 19 doanh nghiệp chế biến chè, 3 nhà máy chế biến cà phê của Doanh nghiệp cà phê Minh Tiến và hàng trăm cơ sở chế biến nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...

Xây dựng được một số mô hình sản xuất có triển vọng, phát triển đại trà như khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mộc Châu cho giá trị thu nhập 1 ha đất canh tác trên 2 tỷ đồng, 3 mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho cây cà phê bước đầu đã tăng năng suất, sản lượng cây trồng.

Đến nay, Sơn La đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm an toàn, sạch cung cấp cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Theo PHẠM KHÁNH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 124
Tổng truy cập: 39349354