Ứng dụng công nghệ cao vào SXNN giúp tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt
Nâng cao hiệu quả kinh tế
Là huyện miền núi, đa số người dân làm nông nghiệp theo phương thức truyền thống nên hiệu quả kinh tế chưa cao, thu nhập vẫn còn thấp. Nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững, những năm gần đây huyện Bắc Hà đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là mô hình của Cty TNHH Anh Nguyên.
Với lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng cùng sự hỗ trợ của nhà nước, chủ doanh nghiệp này đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trang trại chăn nuôi với tổng vốn đầu tư hơn 35 tỷ đồng. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng nghìn con lợn ở đây được nuôi theo phương pháp tự nhiên và chuỗi khép kín. Trong đó, thức ăn được tự doanh nghiệp chế biến.
Bên cạnh mô hình chăn nuôi theo công nghệ cao, doanh nghiệp này còn mạnh dạn đầu tư hơn 1ha rau sạch trong nhà kính với hệ thống tưới thủy canh tự động và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Mô hình này không chỉ được đánh giá là hiện đại nhất tỉnh Lào Cai hiện nay mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Ông Vũ Kim Hải, GĐ Cty Anh Nguyên cho biết, đơn vị đã đầu tư hơn 35 tỷ đồng để xây dựng trang trại nuôi lợn sạch, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như chuồng trại được lắp tấm nhựa thông minh (mát về mùa hè, ấm về mùa đông), các máng ăn, nước uống đều được thiết kế tự động và sử dụng đệm lót sinh học. Ngoài ra thức ăn cho gia súc cũng được sản xuất tại chỗ với dây chuyền hiện đại tạo nguồn thức ăn sạch cho gia súc.
Mô hình nuôi lợn khép kín sử dụng đệm lót sinh học tại Bắc Hà
Bên cạnh đó, Cty còn đầu tư trồng rau trong nhà kính, nhà lưới trên diện tích trên 1ha, có hệ thống tưới nước thủy canh tự động và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau đã thu được kết quả khả quan, giúp Cty đạt sản lượng khoảng 45,5 tấn/ha, thu nhập khoảng 688 triệu đồng/ha/năm.
Với cách nghĩ ở Việt Nam không kinh doanh gì tốt hơn ngoài nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, GĐ Cty Việt Tú cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong ở Bắc Hà trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2014, Cty đã đầu tư 48 tỷ đồng trồng hoa cao cấp sử dụng công nghệ nhà kính trên phạm vi rộng khoảng 4ha kết hợp với phát triển điểm tham quan du lịch sinh thái tại chỗ.
Tại đây, có khoảng 100 loại hoa, trong đó chủ yếu là hoa địa lan với trên 100.000 gốc và đã có 30.000 gốc ra hoa. Điểm đặc biệt ở dự án trồng hoa này là ngoài áp dụng công nghệ tưới, nhà kính của Israel, còn áp dụng giống cấy mô và trồng trên giá thể. Việc trồng cây không sử dụng đất, mà trồng bằng xơ dừa và vỏ cây thông. Hàng năm, Cty xuất ra thị trường khoảng 30 - 50 nghìn chậu hoa địa lan, gồm 20 loại khác nhau, đủ sắc màu tím, vàng tươi… tổng doanh thu đạt khoảng 13 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Hồng, Phó phòng NN-PTNT huyện Bắc Hà cho biết, sau 2 năm ứng dụng công nghệ cao vào SXNN cho thấy, Bắc Hà đã dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung như cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới, rau an toàn...
Mô hình trồng địa lan trong nhà lưới
Đến nay, toàn huyện có trên 20ha diện tích SXNN ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 11ha rau; 8,5ha hoa trong nhà kính, nhà lưới, trên 4ha cây dược liệu; nuôi 300 con lợn, 6.000 con gà, trồng và phát triển trên 4ha các loại cây ăn quả ôn đới. Hiệu quả đạt được từ các mô hình đạt ở mức tương đối cao, ví dụ như sơ bộ đánh giá sản xuất rau tổng thu nhập hàng năm khoảng 700 triệu đồng/ha, chăn nuôi thu nhập gấp 5 - 7 lần so với chăn nuôi bình thường.
Tiếp tục phát huy thế mạnh
Để tạo kiều kiện khuyến khích nông dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Đặc biệt là nghị định 210 về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, huyện Bắc Hà cũng có nhiều chính sách riêng giúp nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Việc chú trọng áp dụng các TBKT vào sản xuất được xem là giải pháp quan trọng nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho Bắc Hà mở ra nhiều triển vọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất.
Định hướng, Bắc Hà sẽ mở rộng diện tích rau ứng dụng công nghệ cao lên thành 100ha
Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao vào SXNN cũng gặp không ít các khó khăn. Với địa hình đồi núi còn nhiều phức tạp, khí hậu quanh năm lạnh, dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông và thủy lợi còn hạn chế là rào cản lớn khi thực hiện ứng dụng công nghệ cao. Vốn đầu tư ban đầu cho sản xuất ứng dụng công nghệ cao khá lớn, một số nông dân có đất nhưng lại không có nguồn lực đầu tư. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp có nguồn lực về vốn nhưng lại không có đất nên việc đầu tư vào SXNN ứng dụng mô hình công nghệ cao gặp nhiều khó khăn.
Nói về giải pháp trong thời gian tới, ông Hồng cho biết, chính sách hỗ trợ nông nghiệp và nông dân đầu tư vào công nghệ cao SXNN bước đầu đang phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, để chính sách này đi vào cuộc sống các cấp ngành địa phương sẽ tạo điều kiện hơn nữa về quỹ đất, quan tâm đào tạo lao động chất lượng cao và sớm hoàn thiện các chính sách hỗ trợ. Đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất rau, hoa cao cấp, cây dược liệu, quả ôn đới, chăn nuôi gia súc, gia cầm bản địa theo hướng sạch, an toàn. Có như vậy mới tạo đà cho doanh nghiệp và nông dân ở các vùng quê mạnh dạn đầu tư vươn lên xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương.
Ngành nông nghiệp Bắc Hà định hướng, đến năm 2020, địa phương sẽ tập trung mở rộng diện tích rau ứng dụng công nghệ cao lên thành 100ha, cùng 80ha hoa và khoảng 50ha dược liệu.
|