Rau không chỉ phục vụ các nhà hàng, khách sạn và hộ gia đình ở Hội An mà còn “bay” ra Đà Nẵng.
Đuổi sâu bằng thảo dược
Tháng 3/2014, Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) - một tổ chức phi Chính phủ đã hỗ trợ xã Cẩm Thanh (TP Hội An, Quảng Nam) triển khai vườn rau hữu cơ thôn Thanh Đông với diện tích 6.300m2. Có 27 hộ dân tham gia quy trình SX. Ngoài ra, ACCD còn giúp đỡ khâu bán hàng cho bà con.
Vườn rau hữu cơ Thanh Đông với diện tích 10.000 m2
Ông Phạm Mẹo, Trưởng nhóm rau hữu cơ Thanh Đông kể, ngày triển khai ai cũng bảo sẽ khó thành công, bởi quá trình SX rất khắt khe, thị trường chưa biết đến. Thậm chí, cái tên rau hữu cơ còn quá xa lạ với người nông dân.
“Trồng rau chi mà tốn công, tốn sức ghê lắm, đất cũng phải đảm bảo, sản xuất phải đúng quy trình. Các hộ tham gia đều tuân thủ theo quy định và chịu sự quản lý rất nghiêm ngặt. Sau hơn 2 năm, diện tích vườn rau Thanh Đông tăng gần gấp đôi, hơn 10.000m2, canh tác luân phiên khoảng 30 loại rau củ quả. Mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 1 tạ rau. Vườn rau được cấp chứng nhận PGS vào tháng 11/2014”, ông Mẹo cho biết.
Theo ông Mẹo, do SX rau hữu cơ không dùng thuốc BVTV nên sản phẩm hoàn toàn sạch, đã thôi thúc cả nhóm mở rộng diện tích trồng. Riêng gia đình ông trồng 600m2, bình quân mỗi tháng trừ chi phí SX còn lãi 2,8 triệu đồng.
Cổng vào vườn rau hữu cơ Thanh Đông
Cạnh đám rau của ông Mẹo có một tủ chứa thuốc thảo dược, gồm gừng, tỏi, ớt được ngâm với rượu. Mỗi khi sâu cắn phá rau, ông lấy ra pha chế xịt đuổi chúng. “Quy trình làm rau hữu cơ phải tuân thủ quy tắc không được diệt sâu cắn phá. Luống nào bị thì pha chế rồi xịt lên, sâu tự khắc bỏ đi, không bị chết”, ông Mẹo bày tỏ.
Quanh vườn rau hữu cơ, hoa được trồng rất nhiều để xua đuổi sâu bọ
Ông Phạm Mẹo dùng thảo dược đuổi sâu
Chưa hết ngạc nhiên, quan sát quanh các luống rau, nhiều loại hoa trồng rất nhiều. Tôi tò mò hỏi sao lại trồng xen vào vậy? Ông Mẹo tiết lộ: “Có loài hoa xua đuổi một số loài sâu bệnh có hại cho rau, có loại dụ sâu đến tránh cắn phá rau”.
Người dân đăng ký gieo trồng và thu hoạch sản phẩm mỗi ngày
Bà Đinh Thị Mài (64 tuổi) đang chăm sóc 400m2 rau cho rằng, ở tuổi già bà vẫn tham gia trồng rau hữu cơ cho nguồn thu nhập ổn định 1,5 triệu đồng/tháng và gia đình luôn có rau sạch để ăn. Sáng ra hái rau bán, chiều tối ra cuốc đất, làm cỏ, xịt thảo dược đuổi sâu đi nên chẳng mấy nặng nhọc.
“Trước đây trồng rau thông thường tôi phun thuốc hóa học, rau khoảng 15 ngày cho thu hoạch, lợi nhuận nhanh. Nhưng từ ngày trồng rau hữu cơ, tôi không đụng đến thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Dùng phân chuồng, rơm rạ, thảo dược nên cây rau chậm phát triển nhưng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng và gia đình”, bà Mài nói.
Bà Đinh Thị Mài thu hoạch đậu
Ông Nguyễn Văn Chức, một người trồng rau khác tiếp lời, không hà cớ chi mà một cặp vợ chồng người nước ngoài cùng con cái đến khu vực này thuê nhà ở. Bởi họ nhận ra rằng, ở khu vực này không có một loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nào được sử dụng. Họ cũng trồng rau hữu cơ như bà con để sử dụng”, ông Chức chia sẻ.
Cung không đủ cầu
Giá bán rau hữu cơ ở Thanh Đông được niêm yết rất cụ thể, như rau ăn lá, củ quả 18.000 đồng/kg; rau gia vị 50.000 đồng/kg. Mức giá này so với thị trường có nhiều thời điểm thấp hơn rất nhiều. Đặc biệt tình trạng cháy hàng đang xảy ra nhưng bà con không nâng giá.
Ông Mẹo lý giải, việc giá cả được niêm yết công khai, quy định rất cụ thể. Mức giá này được hiệp thương giữa các bên gồm Phòng Kinh tế hạ tầng Hội An, ACCD, doanh nghiệp và người nông dân. Nếu muốn thay đổi giá các bên phải hiệp thương lại. Do đó không có chuyện tự nâng giá khi khan hiếm sản phẩm.
Một luống dưa leo vừa được gieo trồng
Theo ông Mẹo, nguồn rau hữu cơ Thanh Đông chủ yếu được cung cấp cho các nhà hàng phục vụ khách du lịch. “Họ chọn rau chúng tôi SX, bởi đây là nguồn rau sạch, một khi xảy ra sự việc sẽ truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đến đặt hàng số lượng lớn nhưng chúng tôi lắc đầu từ chối, bởi sản phẩm làm ra không đáp ứng đủ”, ông Mẹo tâm sự.
Ngoài việc trồng rau, vườn rau hữu cơ Thanh Đông có nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan. Mỗi lượt như vậy vé bán 50.000 đồng/người. “Chẳng ai khác ngoài những người nông dân đứng ra làm hướng dẫn viên du lịch. Du khách có nhu cầu học cách trồng rau hữu cơ chúng tôi sẽ chỉ dạy tại ruộng, nhiều người rất thích. Sắp tới, có một số Cty du lịch đưa khách đến tham quan nhiều hơn”, ông Mẹo cho biết.
Rau hữu cơ Thanh Đông dán tem nguồn gốc xuất xứ trước khi ra thị trường
Bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Hội An cho biết, tổng diện tích trồng rau hữu cơ tại Hội An trên 1,5ha với gần 40 loại rau củ. Ngoài vùng rau Thanh Đông đến nay trên địa bàn thành phố triển khai thêm nhiều nhóm SX rau hữu cơ khác, như cơ sở Hiền Đông, xã Cẩm Châu; nhóm Cánh Én, xã Cẩm Thanh…
“Sự lan tỏa rau hữu cơ rất nhanh chóng song chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chúng tôi đang tiếp tục nhân rộng hướng tới SX nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, nông nghiệp gắn với trách nhiệm cộng đồng và nông nghiệp hướng đến du lịch. Đặc biệt mang đến nguồn thực phẩm an toàn bảo đảm sức khỏe cho du khách đến Hội An”, bà Vân bộc bạch.
Để quản lý, giám sát chất lượng cho sản phẩm hữu cơ, TP Hội An đã thành lập Ban Điều phối lâm thời PGS Hội An gồm 15 thành viên. Trong đó có đại diện cho các tổ chức nhà nước, các cơ quan kỹ thuật, tổ chức chính trị - xã hội, phi chính phủ, doanh nghiệp, hộ nông dân và người tiêu dùng.
Đến nay, Ban Điều phối PGS đã xây dựng các quy chế hoạt động, quy trình thanh tra cấp chứng nhận cũng như xây dựng nhãn hiệu “Hoi An Organic” cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Hội An nói chung và chứng nhận PGS Hội An để cấp chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ ở đây.
|