Hình thành vùng thanh long công nghệ cao, Long An kỳ vọng mở ra nhiều thị trường bền vững (28/02/2017)

Thanh long là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân huyện Châu Thành (Long An). Tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất thanh long theo cách truyền thống ảnh hưởng đến giá trị đầu ra và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Do vậy, việc triển khai hàng ngàn ha thanh long ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đang mở ra một hướng đi mới để phát triển bền vững…

Hào hứng sản xuất công nghệ cao

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, quy hoạch vùng sản xuất thanh long ƯDCNC sẽ triển khai tại 4 xã, gồm: Dương Xuân Hội, Long Trì, An Lục Long, Hiệp Thạnh với diện tích 2.000ha. Tuy nhiên, để thực hiện thành công đề án, thanh long phải đảm bảo được các tiêu chí từ khâu chọn giống, quy trình canh tác, chăm sóc, phân bón, chống dịch bệnh; đến bảo quản sau thu hoạch, quy trình quản lý, xây dựng thương hiệu…


Hình thành vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao ở Châu Thành (Long An)

Châu Thành hiện có 5 HTX thanh long với diện tích sản xuất gần 7.000ha, sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân còn thu lãi từ 300-500 triệu/ha. Đặc biệt trong những ngày đầu năm mới, bên cạnh niềm vui giá thanh long đang tăng dần, thì các thành viên HTX thanh long Long Trì lại đang có thêm một niềm vui mới khi 30ha thanh long của HTX vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cầm trên tay những trái thanh long sạch đầu tiên được công nhận sau cả một quá trình dài chăm sóc tuân thủ đúng quy trình nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, bón phân, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thanh long Long Trì hào hứng chia sẻ: “HTX chúng tôi đã thuê đơn vị độc lập hướng dẫn, thẩm định cho quá trình công nhận thanh long VietGAP. Chúng tôi sẽ giữ vững kết quả này và quyết tâm cùng chính quyền xã phấn đấu hoàn thành 300ha thanh long ứng dụng công nghệ cao”.

Theo ông Vĩnh, đầu ra ổn định chính là yếu tố quyết định giúp người dân tin tưởng và theo đuổi việc sản xuất thanh long theo hướng VietGAP cũng như ƯDCNC hiệu quả. Do vậy, HTX đang cố gắng mang lại lợi nhuận cho các thành viên thông qua việc cung ứng vật tư nông nghiệp, giải quyết đầu ra và hiện đại dây chuyền bảo quản trái thanh long sau thu hoạch. Bên cạnh 2 kho lạnh được đầu tư, sắp tới, HTX tiếp tục đưa vào sử dụng máy rửa thanh long do Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ một phần vốn.


Hình thành vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao ở Châu Thành (Long An)

Nhằm giảm bớt một phần khó khăn đầu ra, HTX Thanh long Long Trì đã tiến hành ký hợp đồng với một số đối tác cung cấp thanh long VietGAP ra thị trường miền Bắc trong thời gian tới. Đồng thời, tìm hướng xúc tiến đầu tư, tham gia hội chợ nhằm tìm kiếm cơ hội với nhiều đối tác kinh doanh mới.

Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC mang lại hiệu quả và tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân, HTX thanh long Tầm Vu huyện Châu Thành hiện cũng đang tập trung triển khai sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, tìm kiếm thị trường nước ngoài bằng cách đăng ký thành công nhãn hiệu hàng hóa độc quyền của HTX thanh long Tầm Vu đi Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Trung Quốc.

Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu Trương Quang An tâm sự: “Để có được thành quả như ngày hôm nay là một quá trình phấn đấu bền bỉ và biết nắm bắt cơ hội. Đặc biệt, chúng tôi đã thành công trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào trồng và chăm sóc cây thanh long. Nhờ vậy, thương hiệu thanh long Tầm Vu đã bay cao, bay xa ra thị trường quốc tế”.


Người dân Long An hào hứng SX thanh long ứng dụng công nghệ cao

“Theo Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, Long An, UBND huyện đang tăng cường chỉ đạo các xã đẩy mạnh liên kết sản xuất, hình thành tổ hợp tác và HTX, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào cây thanh long, nhất là thanh long xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Mỹ và châu Âu, nâng cao giá trị trái thanh long Việt Nam. Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất thanh long, hình thành các cơ sở bảo quản, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thanh long”.

 

Theo ông An, năm 2016, HTX đã xuất khẩu được cả chục ngàn tấn thanh long với giá cao. Năm nay, HTX thanh long Tầm Vu đang tiếp tục tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với chất lượng bảo đảm đồng đều, thương hiệu ngày càng được nâng cao giúp đầu ra càng thuận lợi.

Tập trung đầu tư cho công nghệ cao

Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn huyện Châu Thành sẽ có 2.000ha thanh long ƯDCNC, 16 kho lạnh với tổng sức chứa 8.000 tấn và 50 hầm xử lý bao bì phân bón, thuốc BVTV. Đồng thời, sẽ tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả, bền vững.

Sở NN-PTNT tỉnh Long An hiện đang tập trung chỉ đạo ngành triển khai tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của người nông dân để phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo hướng VietGAP, hữu cơ…

Ông Nguyễn Văn Hôn, cán bộ UBND thị trấn Tầm Vu (Châu Thành) cho hay, năm 2017, công nghệ tưới nước tiết kiệm trên thanh long sẽ được triển khai ứng dụng trên nhiều địa bàn xã trong huyện Châu Thành.


Xông đèn cho cây thanh long

Khi triển khai ứng dụng các TBKT vào sản xuất thanh long, sẽ ưu tiên thí điểm tại các HTX, tổ hợp tác và sau đó cho nhân rộng. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Minh, thành viên HTX thanh long Long Trì vừa được hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt cho 5.000m2 thanh long. Hệ thống này góp phần tiết kiệm chi phí và công sức khi tưới nước, phân bón cho cây thanh long.

“Lắp đặt hệ thống tưới này, gia đình tôi chỉ tốn 30% chi phí đầu tư, phần còn lại được chính quyền và công ty hỗ trợ. Từ khi tham gia vào HTX bà con được hưởng quyền lợi nhiều và nay có cơ hội ứng dụng hệ thống này cho vườn thanh long nhà mình”, ông Minh bộc bạch.

Theo ghi nhận, đến nay huyện Châu Thành đã chỉ đạo đến các xã, thị trấn trong vùng quy hoạch sớm hoàn thành xây dựng 2.000ha thanh long ƯDCNC vào năm 2020. Với diện tích được quy hoạch sẽ ƯDCNC vào các khâu như giống, canh tác, sau thu hoạch… Đồng thời, triển khai sản xuất theo quy trình VietGAP, hướng tới GlobalGAP, ứng dụng KHKT vào sản xuất, gồm: Hệ thống tưới tiết kiệm, các loại máy móc hỗ trợ nông dân trong việc xác định lượng nước, lượng phân bón cần dùng vào từng thời điểm, giúp trái thanh long Châu Thành có cơ hội chinh phục những thị trường khó tính trong tương lai.

Ông Võ Thanh Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành: Chúng tôi xác định rõ, việc xây dựng mô hình sản xuất thanh long ƯDCNC theo hướng sản xuất hàng hóa sẽ nâng cao sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, cũng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Chính quyền huyện đang nỗ lực tìm kiếm và xúc tiến đầu tư cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước chế biến các sản phẩm từ thanh long.

Để hoàn thành kế hoạch xây dựng 2.000ha thanh long ƯDCNC, năm 2017, huyện sẽ tăng gấp đôi kinh phí cho ngành nông nghiệp để ứng dụng TBKT vào sản xuất thanh long.

Theo MINH SÁNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 138
Tổng truy cập: 39349354