Thúc đẩy nông hộ tham gia chuỗi phát triển chè (03/03/2017)

Được sự đồng ý của Bộ NN-PTNT, Ban Chỉ đạo Phát triển chè bền vững, ngày 28/2 tại Hà Nội, Hiệp hội Chè Việt Nam phối hợp với Cục Trồng trọt tổ chức hội nghị "Phát triển chè bền vững lần thứ 5".

Hội nghị lần này tập trung vào mục đích hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững đối với cây chè, đồng thời cập nhật các thông tin mới nhất liên quan đến thuốc BVTV, tình hình rào cản kỹ thuật tại các thị trường nhập khẩu chè lớn và đặc biệt là tiến độ thực hiện chủ trương thúc đẩy nông hộ tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng chè bền vững.


Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Chè Việt Nam đang thực hiện cuộc cách mạng trong sản xuất chế biến chè bền vững

Để thực hiện thành công việc đưa số lượng lớn nông hộ tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng chè bền vững, Hiệp hội chè Việt Nam đang triển khai hai dự án: "Thúc đẩy các nông hộ chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng - giai đoạn 2" (VUI) do IDH Hà Lan, Tập đoàn Unilever và Bộ NN-PTNT tài trợ;  “Chất lượng và bền vững của ngành chè Việt” (IDH) do IDH Hà Lan tài trợ 40% kinh phí, 60% kinh phí còn lại do các doanh nghiệp tham gia đóng góp.

Thông qua 2 dự án này, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Chè Việt Nam đặt mục tiêu tăng cường pháp luật về kiểm soát hóa chất nông nghiệp, phát triển bộ tài liệu quốc gia về sản phẩm chè bền vững (NSC); xây dựng và đào tạo năng lực cho nông dân trồng chè đối với chứng nhận Rainforest Alliance (SAN) và sử dụng đúng hóa chất nông nghiệp; Cung cấp các hỗ trợ cho các nhà máy loại A thông qua việc cải thiện các hệ thống đánh giá nhà máy tại Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, dự án sẽ đào tạo tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho 15 nhà máy cùng 16.500 nông hộ trồng chè về nông nghiệp bền vững và chứng nhận Rainforest Alliance (RA) hướng đến đạt chứng chỉ Rainforest Alliance. Sản lượng đạt khoảng 25.000 tấn chè được sản xuất có trách nhiệm, trong đó khoảng 15.000 tấn được chứng nhận RA, tiếp cận thị trường thế giới và cung ứng cho Tập đoàn Unilever với giá bán cao hơn bình quân thị trường 1 - 2 USD/kg.

Bên cạnh đó, dự án tiến hành xây dựng và áp dụng mô hình Agri-team (đội BVTV tập trung) giúp doanh nghiệp kiểm soát việc sử dụng thuốc tại vùng trồng chè, tư vấn cho doanh nghiệp về loại thuốc thay thế đúng, thường xuyên cập nhật tình hình (dư lượng thuốc BVTV - MRL) tại các thị trường lớn và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp mua đồ bảo hộ bình phun đúng, kiểm tra dư lượng tại các phòng thí nghiệm quốc tế trước và sau khi phun thử thuốc thử nghiệm, hỗ trợ mua thuốc đúng.


Ảnh: Nguyên Huân

Lợi ích đem lại khi triển khai chương trình, về phía nhà máy, đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu, hiệu quả xuất sản xuất cao hơn, sản phẩm an toàn, tác động xã hội tích cực, tiếp cận thị trường quốc tế và Tập đoàn Unilever.

Với nông hộ và bà con nông dân, khi tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng chè bền vững một mặt giúp cải thiện năng suất, tăng thu nhập, đảm bảo phát triển cây chè bền vững, mặt khác bà con biết cách sử dụng hóa chất an toàn. Qua đó, không chỉ giúp đảm bảo ATVSTP với người tiêu dùng mà còn phải đảm bảo an toàn cho cả nông dân, công nhân và những người thường xuyên tiếp xúc với cây chè.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phát triển chè bền vững Lê Văn Đức ghi nhận những đóng góp, kết quả rõ nét mà ngành chè đã đạt được kể từ khi ban chỉ đạo được thành lập và đi vào hoạt động (năm 2014 đến nay).

Ông Đức đề nghị đơn vị chủ trì dự án, các đơn vị tham gia chương trình tiếp tục nghiên cứu, góp ý, bổ sung để sớm ban hành quy trình chuẩn về sản xuất, chế biến chè bền vững. Trước mắt, cần tập huấn và đẩy mạnh mô hình tổ phun thuốc BVTV tập trung. Phân vùng quy hoạch và quản lí quy hoạch vùng thật tốt, để từ đó hình thành các mối liên kết hiệu quả, có lợi giữa người sản xuất và các nhà máy chè...

+ Danh sách các đơn vị tham gia dự án chè VUI gồm: TCty Chè Việt Nam (Vinatea); Cty Chè Mộc Châu; Cty Chè Phú Đa; Cty Trà Thăng Long; Cty Phương Nam; Cty Trà Than Uyên; Cty Chè Quang Bình; Cty Chè Phù Hiên.

+ Danh sách các đơn vị tham gia dự án chè IDH gồm: Cty Phát triển Công nghệ và Thương mại Tôn Vinh; Cty Chè Tam Đường; Cty Chè Mỹ Lâm ; Cty Chè Vinatea Mộc Châu; HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận; Cty Chè Hoàng Long; Cty Chế biến Chè Hữu Hảo; Cty Chè Hùng Cường; Cty Chè Quang Bình; Cty Chè Phú Đa; Cty Chè Nghệ An; Cty Chè Hà Tĩnh; Cty Chè Hà Thái.

Theo NGUYÊN HUÂN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 123
Tổng truy cập: 39349354