Bắt tay sản xuất trái cây có chứng nhận (10/04/2017)

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đang đẩy mạnh thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để liên kết với doanh nghiệp thúc đẩy việc liên kết sản xuất và XK rau quả.

Nông dân - doanh nghiệp bắt tay

Ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Long, bước đầu đã có một số mô hình thực hiện được sự liên kết sản xuất - tiêu thụ bằng hợp đồng, hình thành kênh tiêu thụ riêng, đã và đang mang lại hiệu quả cho nhà vườn và tạo nguồn nguyên liệu trái cây đủ tiêu chuẩn XK.


Liên kết tốt sẽ giúp ngành hàng trái cây ngày một vươn xa

Cụ thể như việc xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ đầu ra cho chôm chôm và sầu riêng tỉnh Vĩnh Long, do Viện CĂQ Miền Nam (SOFRI) triển khai hỗ trợ. Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc (SOFRI), sau 2 năm thực hiện triển khai hỗ trợ hướng dẫn, đến nay 34 xã viên HTX chôm chôm Bình Hòa Phước và 42 tổ viên của THT sầu riêng Thanh Bình đã hoàn thành các tiêu chí đủ điều kiện để được cấp chứng nhận.

Thực hiện đề án này ngoài việc tập huấn cho bà con nông dân vùng chôm chôm Bình Hòa Phước lấy tái chứng nhận GlobalGAP, canh tác bền vững, xây dựng thương hiệu, còn giúp bà con nông dân xã Thanh Bình bắt đầu làm quen với tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng các sản phẩm vi sinh vật vào sản xuất giúp bộ rễ cây trồng khỏe mạnh, tuổi thọ cây trồng được kéo dài và canh tác bền vững.

Bên cạnh đó, mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ bưởi Năm Roi ở Mỹ Hòa, Bình Minh cũng được triển khai hiệu quả. Cty TNHH Thương mại MTV Hương Bưởi Mỹ Hòa sau khi tham gia thực hiện chương trình GlobalGAP của dự án với vai trò là chủ thể đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động tổ viên 2 THT sản xuất bưởi Năm Roi ấp Mỹ An và ấp Mỹ Thới của xã tham gia chương trình với hợp đồng liên kết hỗ trợ sản xuất - thu mua sản phẩm trong mô hình (39ha) theo giá thị trường, đồng thời hỗ trợ 1 triệu đồng/tấn cho bưởi loại 1 xuất khẩu.

Trong năm qua, công ty này cũng đã thu mua hàng trăm tấn bưởi các loại cho nhà vườn ở Mỹ Hòa, trong đó sản lượng đạt GAP xuất khẩu. Năm 2016, thông qua mô hình liên kết, gần 20 tấn bưởi Năm Roi đạt tiêu chuẩn GAP đã được xuất khẩu sang châu Âu. Đồng thời, mô hình liên kết sản xuất - thu mua xoài Xiêm núm ở xã Quới An, huyện Vũng Liêm trên diện tích 48ha, với sự tham gia của DNTN Bình Long cũng thu được kết quả khả quan khi thông qua một công ty Hàn Quốc, Bình Long đã hỗ trợ túi bao trái để nhà vườn ứng dụng.

Chính quyền xã cũng hỗ trợ THT ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho DN và ký hợp đồng với giá bán loại 1 đạt tiêu chuẩn chất lượng là 32.000 đồng/kg, loại 2 là 22.000 đồng/kg. Theo các nhà vườn, có thời điểm bán trái theo liên kết giá cao hơn gấp 3 lần so với giá bán trên thị trường khiến bà con rất hào hứng phấn khởi đầu tư vào canh tác theo quy trình.

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Kia (Ba Kia), ấp Lăng, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm hào hứng chia sẻ: “Gia đình tôi đã trồng sầu riêng gần 20 năm nay, trước kia khi chưa đăng ký tham gia tổ hợp tác thì chủ yếu phải tự tìm mối tiêu thụ hàng trái nên bị thương lái ép giá và giá cả rất bấp bênh. Tuy nhiên, từ khi vào tổ hợp tác và canh tác theo quy trình được doanh nghiệp bao tiêu thu mua thì đầu ra ổn định, thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt đến nay đã dần thay đổi được tập quán canh tác cũ, khiến bà con rất phấn khởi mạnh dạn đầu tư thâm canh…”.

Theo ông Ba Kia, vườn của gia đình ông có diện tích 5.000 m2 trồng được 90 gốc sầu riêng Ri6. Ông bắt đầu tham gia THT và trồng theo quy trình VietGAP từ năm 2015, đến nay gia đình ông cũng như các nhà vườn khác trong THT sầu riêng Thanh Bình vừa được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đồng thời đã được các DN ký hợp đồng bao tiêu thu mua sầu riêng với giá ổn định và cao hơn thị trường.

Ông Phẩm Văn Tiếu, Tổ trưởng THT sầu riêng Thanh Bình cũng xác nhận, khó khăn nhất với bà con nhà vườn khi chưa tham gia vào THT là thường xuyên bị ép giá, sầu riêng không có thương hiệu. “Thực tế đã có tình trạng thương lái đến tận vườn đặt cọc thu mua sầu riêng của bà con cả trăm triệu đồng nhưng khi thu hoạch xong lại rất chậm trả tiền. Thậm chí, lúc đặt cọc thương lái hứa sẽ mua giá cao, nhưng khi giá thị trường lên thì họ lại… bẻ kèo nhà vườn!”, ông Tiếu nói.

Theo các nhà vườn ở đây, tình trạng này trước kia vẫn xảy ra thường xuyên nhưng không có giải pháp nào giúp bà con tránh được rủi ro. Tuy nhiên, đến nay khi thành lập được các THT, đi vào sản xuất theo quy trình bài bản, được các công ty liên kết bao tiêu thu mua thì bà con nhà vườn rất yên tâm và hào hứng đăng ký tham gia, đầu tư thâm canh mở rộng diện tích. 

Hình thành vùng chuyên canh

Theo SOFRI, nhiều địa phương khu vực ĐBSCL đang quy hoạch hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung; đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình VietGAP, GlobalGAP; nhất là xây dựng thương hiệu cho một số loại trái cây đặc sản thế mạnh của địa phương.


Nhiều địa phương khu vực ĐBSCL đang quy hoạch hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung (Ảnh minh họa)

Vĩnh Long hiện có các cơ sở được cấp chứng nhận GlobalGAP như HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa; HTX bưởi Năm Roi Đông Thành và vùng trồng bưởi Năm Roi xã Mỹ Hòa. Bên cạnh đó, một số HTX cũng được cấp chứng nhận VietGAP gồm HTX chôm chôm Java Tân Khánh (xã Tích Thiện); HTX chôm chôm Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ) và vùng chuyên canh cam sành ở huyện Tam Bình...

Ông Nguyễn Trọng Danh, Phó GĐ Sở KH-CN Vĩnh Long cho biết: Để nhân rộng và phát triển mô hình trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn GAP, tỉnh đang tập trung xây dựng liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn GAP với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, hình thành kênh tiêu thụ riêng để đảm bảo giá bán ổn định và phân biệt với các sản phẩm thông thường khác.

Còn với tỉnh Tiền Giang hiện có 72.850ha cây ăn trái, sản lượng thu hoạch 1,3 triệu tấn quả/năm. Trên địa bàn tỉnh này cũng hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn trái như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm (dứa) Tân Phước, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, bưởi long Cổ Cò, nhãn Nhị Quí, chôm chôm Tân Phong, sơ ri Gò Công…

Đến thời điểm này, Tiền Giang đã thành lập được 13 HTX, 33 THT sản xuất và tiêu thụ trái cây. Các HTX và THT bước đầu đã gắn kết nhà vườn với DN tổ chức sản xuất và tiêu thụ một số cây ăn trái hiệu quả như xoài, sầu riêng, thanh long, khóm, vú sữa, bưởi, sa pô (hồng xiêm)... Hàng năm, các HTX và THT đều ký hợp đồng với các DN tiêu thụ trái cây các loại, như Cty TNHH Thịnh Phát, Tập đoàn Metro Cash & Carry, Cty TNHH Phương Anh (Hà Nội) với sản lượng tiêu thụ hàng trăm tấn/năm.

Tương tự, các mô hình HTX, THT sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP trên địa bàn các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An… hiện đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu trái cây của địa phương. Ngành nông nghiệp các tỉnh cũng đang tập trung hỗ trợ các DN, tập thể, hộ nông dân sản xuất xây dựng mối quan hệ liên kết sản xuất - tiêu thụ, ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực như bưởi, cam, nhãn, chôm chôm, xoài… Tuy nhiên, kết quả từ các liên kết này vẫn còn ở diện hẹp, chưa có nhiều mô hình liên kết đúng nghĩa có tính pháp lý (hợp đồng kinh tế) và sự liên kết chưa thật sự bền vững.

Trao đổi với NNVN, TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc, cho biết, tuy các hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây ở khu vực ĐBSCL trong thời gian qua đã gặt hái được một số kết quả khả quan, nhưng thực tế cũng bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập, như: liên kết còn ở quy mô nhỏ, sự liên kết giữa DN, nông dân, HTX, thương lái còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau khi gặp biến động thị trường. Việc thanh toán trễ của DN cũng đang là một thực trạng ảnh hưởng đến mối liên kết. Vì hợp đồng liên kết chủ yếu là sự thỏa thuận miệng nên tính pháp lý thấp.

“Để đẩy mạnh mối liên kết sản xuất - tiêu thụ trái cây giữa nông dân và doanh nghiệp, cần tổ chức lại sản xuất, xây dựng, củng cố các hình thức sản xuất tập thể. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất và kỹ năng tiếp cận nhà thu mua, kỹ năng giao dịch mua bán của ban quản lý THT, HTX cho phù hợp với trình độ lao động và yêu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường công tác chuyển giao và ứng dụng TBKT, quy trình sản xuất GAP cho nhà vườn ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung tạo vùng nguyên liệu cung cấp ổn định sản lượng trái cây cho doanh nghiệp xuất khẩu”, TS Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Theo MINH SÁNG – THANH SƠN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 280
Tổng truy cập: 39389042