Khu vườn cây ăn quả của một hộ gia đình tại Kim An
Đến nay, Thanh Oai mới có 10 xã đạt chuẩn NTM, còn lại 10 xã chưa đạt trong đó có 4 xã đạt 15 tiêu chí, 6 xã đạt từ 10-11 tiêu chí. Theo thống kê năm 2016 thu nhập bình quân đầu người trong huyện chỉ đạt 32,387 triệu đồng/năm và kể cả năm 2017 dự kiến đạt 36,2 triệu đồng thì vẫn còn khiêm tốn so với những tiềm năng mà Thanh Oai có sẵn trong tay.
Dân chán ruộng
Huyện tính đến nay vẫn còn có tổng số 2.064 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,68%, hộ cận nghèo là 1.539 hộ, chiếm tỷ lệ 2,7%. Giải quyết được vấn đề này cho đủ chuẩn NTM là rất khó (chuẩn phải dưới 2%) vì hộ nghèo thường là thiếu lao động, thiếu vốn và cái quan trọng là thiếu kỹ năng nghề nghiệp.
Nếu không có hướng dẫn, trừ số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội ra ngoài danh sách tính hộ nghèo thì sẽ nhiều địa phương khó mà đạt được chỉ tiêu này…
Để nâng cao giá trị cho nông sản không thể thiếu được việc xây dựng các chuỗi giá trị gắn liền sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Thanh Oai đã phối hợp với các ngành của Hà Nội thực hiện được 2 chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm là chuỗi thịt A-Z của HTX Hoàng Long và chuỗi sản xuất, tiêu thụ trứng vịt Liên Châu, bước đầu hoạt động có hiệu quả.
Tuy nhiên, có rất nhiều nông sản khác của huyện đang ở trong tình trạng được mùa mất giá, phải bán với giá rẻ mạt vì không nằm trong một chuỗi nào cả.
Khi phát triển sản xuất theo quy hoạch NTM, Thanh Oai mở rộng được diện tích lúa hàng hóa lên khoảng 2.000ha tập trung ở Tam Hưng, Mỹ Hưng, Bình Minh,Thanh Văn, Đỗ Động...Tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu cho gạo còn hạn chế nên nhiều nơi hạt thóc sạch đặc sản Bắc Thơm vẫn chỉ bán ngang với giá hàng chợ, khoảng 8.000đ/kg.
Chính bởi không hiệu quả kinh tế nên nhiều nông dân ở Thanh Oai đã không còn thiết tha với đồng ruộng, chuyển sang làm nghề khác. Nhiều nông dân thậm chí phải bỏ tiền ra thuê người khác cấy hộ hay cho mượn ruộng rồi đóng luôn hộ các khoản phí không phải là vì họ yêu đất mà chủ yếu là để giữ chờ sau này có dự án đến nhận đền bù.
Mô hình Kim An
Ngược lại với tư duy thụ động kiểu đó, từ một xã nghèo nhất, nhì huyện, Kim An đã bật lên đứng vào loại top về nông nghiệp. Gần như thoát ly hẳn khỏi cây lúa, sau khi dồn điền đổi thửa, xã đã quy hoạch mở rộng diện tích cây ăn quả của mình lên đến 130ha trong đó chủ yếu là cam Canh, ổi lê còn lại là 60ha rau màu.
Cây ăn quả của xã đang cho thu hoạch ổn định với giá trị ước đạt từ 500 -700 triệu đồng/ha, rau màu cho thu từ 300 - 350 triệu đồng/ha.
Nếu như trước đây, ruộng đồng manh mún, trồng lỗ chỗ nhiều loại cây khác nhau thì nay đã hình thành nên những vùng hàng hóa lớn. Cái cổng đầy tự tin “Khu làm vườn thôn Ngọc Liên” của hơn 10 hộ đẹp như mơ mà tôi đi thăm là một trong những minh chứng cho điều đó. Trong khu vườn đó, ông Lê Xuân Long có tới 4,5 mẫu.
Hơn 20 năm trước, khi ông Long ra nhận đất, nó vẫn chỉ là một cái bãi hoang, cỏ dại mọc đầy. Hiện tại, các vườn đều được thiết kế vuông vắn với đường ô tô ra tận nơi, đường điện mắc tận cột. Để đảm bảo chất lượng nguồn nước dẫn vào vườn, các hộ khác đều tự khoan giếng chứ không lấy nước từ các kênh, mương vào.
Trong khu vườn đó, hiện nay ông đang áp dụng trồng trọt theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) với quy trình từ bón phân, phun thuốc đều bảo đảm nghiêm ngặt. Thời gian qua, nhờ xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Cam đường Kim An - Thanh Oai" nên giá bán khá ổn định, mỗi năm ông Long có thể thu lãi từ 500-700 triệu đồng.
Từ thực tế hiệu quả của quả cam có thương hiệu, ông mong mỏi trong thời gian tới Kim An cũng xây dựng được thương hiệu cho quả ổi, bởi đây là cây trồng cũng chiếm diện tích rất lớn của xã.
Chị Nguyễn Thị Chung, cán bộ khuyến nông của Kim An thống kê, hiện xã có khoảng 500 hộ trồng cây ăn quả quy mô trung bình khoảng 7-8 sào/hộ trở lên, thu lãi từ 70-80 triệu đồng/năm tức gấp hơn 20-30 lần so với trồng lúa.
Từ sự giàu có của những người trồng cam, trồng ổi nhìn lại sự nghèo khó của những người trồng lúa mà thêm chạnh lòng, suy nghĩ. Bao giờ Thanh Oai có thể nhân rộng ra được nhiều mô hình như kiểu Kim An?
|