Bộ đôi sản phẩm chè Thái vinh dự là quà tặng tại diễn đàn APEC (30/10/2017)

Thái Nguyên có 2 sản phẩm chè của HTX La Bằng (Đại Từ), Tuyết Hương (Đồng Hỷ) được lựa chọn làm quà tặng tại Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.

Người đã đưa chè từ Đồng Hỷ, Đại Từ đến được tận tay các nguyên thủ quốc gia, các chính khách và thương gia của nhiều nước trên thế giới là thủ lĩnh của 2 HTX, chị Nguyễn Thị Hải - Giám đốc HTX chè La Bằng và Trần Thị Tuyết - Giám đốc HTX chè Tuyết Hương.



Chị Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX Tuyết Hương cùng các xã viên hái chè theo tiêu chuẩn một tôm, một lá để làm ra sản phẩm Tuyết Hương trà

Những ngày này, về thăm vùng chè nguyên liệu của 2 HTX, ngắt thử búp chè tươi đưa lên miệng, vị chát ngọt nơi cuống họng dường như đượm hơn. Có lẽ là do mỗi búp chè đều đang cố căng mình hứng trọn những tia nắng cuối mùa thu và những giọt sương đầu đông nên mới có thể làm nên vị đậm đà như thế.

Có mặt trên đồi chè cùng bà con xã viên từ sáng sớm, chị Trần Thị Tuyết tay thoăn thoát hái những búp chè một tôm, một lá vừa chuyện trò, nhắc nhở xã viên chú ý hái theo đúng quy cách, tránh sai sót, bởi đây là nguyên liệu cho lô sản phẩm chuyển tới Hội nghị APEC.

Nói về sản phẩm được chọn lần này, chị Tuyết phấn khởi cho biết: Sản phẩm của HTX được lựa chọn làm quà tặng tại tuần lễ cấp cao APEC là “Tuyết Hương trà”. Đây là sản phẩm đã có mặt trên thị trường 4 năm được khách hàng ưa chuộng và đánh giá rất cao, đồng thời cũng mang về cho chúng tôi những phần thưởng danh giá như cúp bạc, cúp vàng tại Liên hoan trà quốc tế, nhiều chứng nhận sản phẩm công nghiêp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vục và cấp quốc gia. Sản phẩm của chúng tôi có mặt trải dài từ Bắc vào Nam.

Tuyết Huơng trà là sản phẩm từ vùng nguyên liệu ở Sông Cầu và Trại Cài. Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với thổ nhưỡng và khí hậu vô cùng phù hợp để cây chè phát triển.

"Nhưng nếu chỉ có thế thì chưa đủ để làm nên một thương hiệu tốt. Tôi luôn tâm niệm chất lượng sản phẩm làm nên thương hiệu. Bởi vậy tôi đã vận động xã viên của HTX cùng làm chè sạch. Đồng thời chúng tôi đầu tư thêm máy móc chế biến chè hiện đại. Quan trọng hơn cả là tôi đặt trọng tâm huyết của mình vào từng sản phẩm làm ra", chị Tuyết chia sẻ. Sau một thời gian nỗ lực, cố gắng, HTX Tuyết Hương đã đăng ký thương hiệu được bảo vệ độc quyền và cấp giấy chứng nhận VietGAP.


Sản phẩm Đinh tâm trà của HTX chè La Bằng đã sẵn sàng để gửi tới Hội nghị cấp cao APEC

Được chứng kiến cách chị Tuyết làm việc sẽ không ai nghi ngờ điều chị nói. Mặc dù đã trang bị lò tôn quay bằng inox để sao và lấy hương chè, thiết bị có thể chỉnh hẹn giờ tự động nhưng chưa mẻ chè nào chị Tuyết phó thác cho máy. Chốc chốc chị lại vốc nắm chè ra kiểm tra hương, kiểm tra nhiệt… Chị bảo: Máy có hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế cảm giác của người làm sành chè được.

Thương hiệu là điều bất cứ một cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp nào cũng muốn gây dựng. Chè La Bằng (Đại Từ) mấy năm trở lại đây đã có tiếng trên thị trường, nhưng ít ai biết được để có được thành quả hôm nay, đã có biết bao mồ hôi, công sức, cả những hy sinh thầm lặng của những người đi trước. Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng chè La Bằng, chị Nguyễn Thị Hải theo mẹ làm chè, bán chè từ lúc học vỡ lòng. Lớn lên chị cũng như bao người dân La Bằng khác chè làm xong mang ra chợ bán mà không ngẫm ngợi gì.

Cho đến khi có người hỏi chị La Bằng là ở đầu chị mới giật mình suy nghĩ, chị kể: Tôi theo bác đi bán chè tại chợ Rồng (Nam Định). Chè của mình mang về bán ai cũng thích. Nhưng khi họ hỏi chè ở đâu, tôi trả lời chè La Bằng thì không ai biết ở Thái Nguyên có chè La Bằng cả. Họ còn tưởng La Bằng là ở tỉnh Cao Bằng. Tôi nói thế nào họ cũng không tin. Vì vậy mà chè dù ngon nhưng bán vẫn không được giá.


Chè của HTX La Bằng được chăm sóc và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP

Tiếp đó, năm 2000 tôi có tham gia vào HTX chè Tiến Thành (xóm Tiến Thành, xã La Bằng). HTX lúc bây giờ cũng đi tham gia rất nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm. Pha uống thử khách nào cũng khen ngon, nhưng vẫn như những lần trước họ không hề biết đến La Bằng. Tôi lờ mờ nhận ra tầm quan trọng của việc phải chứng minh chè La Bằng là một vùng chè ngon ở Thái Nguyên. Nhưng cũng phải đợi đến khi tôi được tham gia vào các lớp tập huấn, tôi mới biết chắc rằng giá trị của sản phẩm chính là thương hiệu.

Ý tưởng xây dựng thương hiệu chè của chị may mắn được đồng chí chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ hưởng ứng và cùng đích thân đi vận động. Cuối cùng có được 13 người để xin thành lập HTX La Bằng. Năm 2007, chị nộp đơn về Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) xin cấp chứng nhận nhãn hiệu chè La Bằng nhưng được giải thích là HTX chỉ là một nhóm người nên không thể lấy tên địa danh của cả xã. Sau đó HTX phải đăng ký nhãn hiệu chè La Bang.

Đến tháng 10/2008, HTX được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận cho thương hiệu chè La Bang. Từ đó, thay mặt các xã viên Ban quản trị HTX mang sản phẩm đi giới thiệu ở hội chợ khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam. Nhiều năm sau này, nhãn hiệu chè La Bằng cũng chính thức được đăng ký sau khi HTX thuyết phục được người dân trong cả xã đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi cho xã viên.

Trung tuần tháng 11 này, Đinh tâm trà của HTX La Bằng cùng với Tuyết Huơng trà sẽ chính thức góp mặt trong bộ sản phẩm quà tặng đặc trưng của nước chủ nhà Việt Nam gửi đến đại diện các quốc gia dự Tuần lễ cấp cao APEC.


Vùng nguyên liệu dưới chân núi Tam Đảo làm nên những sản phẩm chè hảo hạng

Theo KIM NGÂN - MẠNH HÙNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 114
Tổng truy cập: 39349354