Nghệ An nhân rộng mô hình khuyến nông (24/11/2017)

Kết thúc quý III năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả những mô hình khuyến nông đạt hiệu quả kinh tế cao, được nông dân áp dụng vào SX. Tham gia hội nghị, có 21 trạm khuyến nông thuộc 21 thành, thị và huyện trong tỉnh.

Tập đoàn TH sản xuất dưa lưới công nghệ cao tại Nghĩa Đàn (Ảnh: Văn Dũng)

Qua 9 tháng đầu năm, các trạm khuyến nông đã xây dựng được 32 mô hình tiến bộ, trong đó có mô hình chăn nuôi bò kết hợp trồng cỏ cao sản ở huyện Quỳnh Lưu; mô hình trồng lúa Japonica ở huyện miền núi cao Kỳ Sơn; canh tác ngô trên đất dốc ở Tương Dương; trồng rau sạch theo hướng VietGAP ở TX Thái Hòa; và nhiều mô hình chăn nuôi lợn, gà trên đệm lót sinh học…

Cùng với việc xây dựng mô hình trình diễn, các trạm khuyến nông còn tích cực tổ chức hội thảo đầu bờ, đầu chuồng và mở hàng trăm lớp tập huấn khuyến nông, khuyến cáo bà con nông dân nhân rộng các mô hình tiên tiến áp dụng vào SX.

Song hành cùng với việc xây dựng các mô hình, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Nghệ An còn phối hợp với các Trạm Khuyến nông chọn lựa, cây giống, vật nuôi đảm bảo tiêu chuẩn để cấp phát cho các hộ nghèo. Trong đó ở huyện Quỳ Châu nhiều hộ được cấp giống cây lùng, rễ hương. Ở Quế Phong được cấp giống vịt bầu, gà. Các huyện khác như Qùy Hợp, Tân Kỳ được cấp dê, bò, lợn…

Hiệu quả trong các mô hình mà các trạm khuyến nông thực hiện thực sự đã đem đến hiệu quả thiết thực cho nông dân. Từ các mô hình, đến nay nhiều huyện, nhiều xã đã nhân rộng. Điển hình như mô hình chăn nuôi dê ở Quỳ Hợp; gà ở Tân Kỳ, Quế Phong; cây rễ hương ở Quỳ Châu…

Bên cạnh những mô hình đã mang lại hiệu ích thiết thực thì công tác khuyến nông cũng bộc lộ một số hạn chế, như mô hình chưa phù hợp với vùng miền, chưa sát thực với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Tồn tại lớn nhất là các mô hình tuy có hiệu ích kinh tế cao, nhưng chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền chứ chưa được nhân ra trên diện rộng.

Với mục tiêu đưa tiến bộ khoa học công nghệ áp dụng vào SX, vừa qua huyện Quỳ Châu đã mở hội thảo bàn về vấn đề nhân rộng các mô hình. Đánh giá tính hiệu quả trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, trong những năm gần đây huyện đã triển khai thực hiện thành công 50 mô hình đạt hiệu ích kinh tế cao.

Trong đó có mô hình nhân rộng giống mía cao sản đã giúp nông dân đưa năng suất lên từ 80 - 120 tấn/ha (tăng thêm từ 15 - 20 triệu đồng/ha so với giống cũ). Mô hình khoanh nuôi bảo vệ rừng lùng có thu nhập cao hơn 2 lần so với các loại cây gỗ khác. Mô hình phát triển cây rễ hương thu lãi 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra còn có các mô hình khác như SX lúa chất lượng cao, chăn nuôi lợn nái sinh sản, phát triển đàn vịt bầu Quỳ.

Tính hiệu quả của các mô hình đã được xác thực, nhưng thực tế thì bà con nông dân chưa mạnh dạn áp dụng để nhân ra đại trà. Trước hết là do công tác tuyên truyền còn hạn chế. Một số xã khi khuyến cáo nông dân nhân rộng mô hình thì gặp phải thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh khiến bà con nhụt chí quay lại SX theo tập quán cũ. Nhiều nơi nông dân cũng muốn thực hiện theo mô hình tiến bộ, nhưng lại trông chờ vào nguồn kinh phí của Nhà nước. Hạn chế lớn khi nông dân thực hiện mô hình là cây, con giống không biết mua ở đâu cho đạt tiêu chuẩn. Và, sản phẩm hàng hóa khi làm ra có tiêu thụ hết hay không?

“Muốn nhân nhanh các mô hình khuyến nông ra diện rộng để phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, theo tôi thì nguồn kinh phí thuộc ngân sách huyện phải hỗ trợ 1/3, ngân sách xã trích ra 1/3 và người dân cũng phải bỏ ra 1/3. Như vậy là thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với dân, và người dân cũng thể hiện được tinh thần trách nhiệm của mình”, ông Phan

Thanh Tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng công tác xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến công phải phù hợp với tiềm năng thế mạnh của vùng, miền, phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương. Nhà nước hoặc cơ quan chuyên ngành nên tổ chức thành lập các tổ hợp, HTX SX cây, con giống để nông dân có niềm tin sử dụng, khi thực hiện theo các mô hình. Đặc biệt là đầu ra, khi nông dân đã có vùng nông sản hàng hóa tập trung, thì Nhà nước cũng cần có các giải pháp giúp nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ một cách ổn định với thị trường.

Trao đổi thêm với chúng tôi về các giải pháp nhân rộng các mô hình khuyến nông, ông Phan Thanh Tâm, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quỳ Hợp bảo: "Trạm tuy trực thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhưng phải thực hiện nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học tới bà con nông dân trong huyện. Bởi vậy, các mô hình đương nhiên là phải nằm trong chương trình phát triển kinh tế của huyện.

Về kinh phí thực hiện xây dựng mô hình và tập huấn khuyến nông, theo nguyên tắc thì các Trạm KN chỉ thực hiện theo kế hoạch của Trung tâm KN. Thế nhưng ở địa phương nào UBND huyện ưu tiên tới công tác chuyển giao tiến bộ khoa học tới nông dân bằng việc đầu tư thêm kinh phí, thì Trạm KN đó phải thực hiện thêm nhiều công việc để giúp dân nhân nhanh mô hình ra diện rộng.

Riêng ở huyện Quỳ Hợp, Trạm KN ngoài nhiệm vụ thực hiện kế hoạch của Trung tâm KN tỉnh giao, hàng năm ngân sách huyện còn đầu tư thêm từ 300 - 500 triệu đồng để Trạm xây dựng thêm mô hình và tập huấn tuyên truyền khuyến cáo nông dân nhân rộng các mô hình".

 

Hồ Thị Mơ, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: Xây dựng mô hình khuyến nông nhất thiết phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế của huyện, nhưng cũng cần phải gắn liền với sản phẩm đầu ra. Ví như ở huyện Nghĩa Đàn, mô hình trồng mía cao sản rồi đến mô hình SX ngô sinh khối đã được bà con áp dụng SX đại trà, vì sản phẩm khi thu hoạch đến đâu đều được Nhà máy Đường NaSu và trang trại bò sữa TH tiêu thụ hết ngay tại ruộng.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng SX và bao tiêu sản phẩm, nếu có những vướng mắc về giá cả hoặc chất lượng sản phẩm thì lãnh đạo huyện sẽ đứng ra giải quyết ngay với nhà máy, theo hướng đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người nông dân.

 

Theo HỒ QUANG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 114
Tổng truy cập: 39349354