Cam sành Hà Giang bước vào giai đoạn chín
Trong niên vụ cam 2017 - 2018, tổng diện diện tích cam sành của Hà Giang đạt khoảng 8.850ha, trong đó có trên 4.500ha cho thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt 48.000 tấn.
Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cam sành góp phần thúc đẩy tiềm năng đối với cây ăn quả đặc sản của địa phương; thu hút đầu tư từ các nguồn lực, tạo mối liên kết thị trường, góp phần tăng thu nhập và ổn định cho người SX, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng và 3 huyện trồng cam thực hiện các chương trình, dự án nhằm không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm.
Điển hình là chương trình “Cải tạo và phục hồi cây cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP”, chương trình “Mở rộng và nâng cao chất lượng của sản phẩm cam sành”… Cho tới thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 3.000ha cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, hàng năm vào đầu vụ thu hoạch, UBND tỉnh đều phối hợp với các huyện tổ chức Hội thi sản phẩm cam sành. Hiện sản phẩm cam sành Hà Giang đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Xác định cam sành là một trong những cây trồng chủ lực (gồm cam, chè và cây dược liệu), HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND về các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển cây trồng và vật nuôi chủ lực, trong đó có cây cam sành.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để thâm canh cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 50 triệu đồng/ha; riêng đối với vườn cam có xây dựng đường giao thông, hệ thống tưới, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 80 triệu đồng/ha, thời gian hỗ trợ 24 tháng.
Các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến cam sành sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng.