Hàng trăm ha ngô bị vàng lùn, dân khốn đốn (08/12/2017)

Gần 200 ha ngô vụ đông từ 3 - 8 lá bị vàng lùn khiến nông dân Nghệ An khốn đốn. Dù đã sử dụng nhiều loại thuốc phun trừ nhưng diện tích nhiễm bệnh vẫn không ngừng tăng lên.

Bệnh vàng lùn khiến cây ngô đổ về một bên, không phát triển được

Năm nay bệnh xuất hiện muộn nhưng ngành chức năng dự đoán diện tích nhiễm bệnh sẽ cao hơn vụ đông 2016.

Vụ đông năm nay, bà Trịnh Thị Liên ở xóm Đông Thượng, xã Đồng Văn (Thanh Chương) gieo trồng 1.100 m2 ngô L14 trên đất bãi. Tuy nhiên, khi ngô phát triển đến thời kỳ 3-8 lá thì bắt đầu xuất hiện hiệng tượng vàng lùn cây. Dù đã 2 lần phun thuốc kích thích và trừ nấm phổ rộng nhưng diện tích ngô nhiễm bệnh vẫn đang tiếp tục tăng. Điều đáng nói, diện tích này vụ đông 2016 cũng từng xuất hiện bệnh vàng lùn.

“Vụ đông 2016, ngô cũng nhiễm bệnh nhưng nhẹ hơn, diện tích ít hơn. Tôi đã phun 2 lần rồi nhưng bệnh vẫn tiếp tục tăng trên diện tích ngô đông. Ngô cả làng này đều bị chứ không riêng gì gia đình tôi. Nếu không có thuốc trừ bệnh hữu hiệu thì năm nay vụ ngô đông coi như trắng tay”, bà Liên xót xa.

Theo quan sát của chúng tôi, cánh đồng bãi bồi của xã Đồng Văn, thửa bị nhiễm bệnh thửa không. Có thửa bị hầu như toàn bộ diện tích. Đặc điểm của cây ngô nhiễm bệnh là lá phát triển hướng về một phía, lùn rụt không phát triển chiều cao, thân ngô vẫn to, rễ không bị thâm thúi, một số cây bị vàng lá.

Nông dân rải vôi bột nhưng không hiệu quả

Theo thống kê của UBND xã Đồng Văn, toàn xã có 10/140 ha ngô vụ đông bị nhiễm bệnh. Ông Trịnh Văn Thậm, Trưởng ban Nông nghiệp xã Đồng Văn cho biết, bệnh vàng lùn chủ yếu xảy ra trên diện tích bị nhiễm vụ đông năm 2016, tập trung vào doi đất cao chạy ngang bãi; diện tích đất cát đỡ bị nhiễm hơn. Nhiều hộ dân nóng ruột phải nhổ về cho gia súc ăn; một số hộ tích cực phun trừ, rải vôi nhưng không hiệu quả.

“Vụ đông năm trước ngô bị vàng lùn xảy ra sớm hơn. Thực tế cho thấy, hộ nào bón phân chuồng và vôi thì tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn. Hầu như tất cả các giống ngô đều bị bệnh, chủ yếu trên các trà ngô từ 3-5 lá. Có thửa gần như 100% diện tích bị nhiễm bệnh. Ngành BVTV đã về lấy mẫu xét nghiệm nhưng chưa có kết quả. Nông dân chỉ dựa vào cây lúa, cây ngô nếu cứ thế này thì không biết làm thế nào?”, ông Thậm phân vân.

Thanh Chương hiện có trên 100/3.200 ha ngô vụ đông bị vàng lùn, tập trung tại các xã Đồng Văn, Thanh Lương, Thanh Lĩnh... Trước tình hình này, bà con nông dân sử dụng một số loại thuốc như Ridomi 68WG, Riccde 72,5 WG, Amistatop 325 SC để phun trừ. Nhưng trên thực tế, sau khi phun trừ, diện tích ngô nhiễm bệnh vẫn không ngừng tăng lên. Một số hộ rải vôi nhưng cũng không hiệu quả.

Chưa có thuốc đặc trị

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An, năm nay bệnh vàng lùn xuất hiện muộn hơn, diện tích ít hơn vụ đông 2016 nhưng có dấu hiệu tăng nhanh. Toàn tỉnh có gần 200 ha nhiễm bệnh vàng lùn, tập trung ở Thanh Chương (trên 100 ha), Đô Lương 50 ha và rải rác ở một số huyện.

Điều đáng lo ngại là ngoài diện tích đất từng xuất hiện bệnh những năm trước thì năm nay bệnh vàng lùn xuất hiện trên một số diện tích đất mới. Tại Đô Lương, một số diện tích còn xuất hiện hiện tượng vàng lùn xoắn lá.

Đại diện Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An cho biết, hiện nay ngành chức năng trong và ngoài nước vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nên không khuyến cáo nông dân nên sử dụng loại thuốc phòng trừ nào. Ngành chức năng chỉ khuyến cáo nông dân loại bỏ một số cây bị bệnh; diện tích bị nặng thì cày trồng trỉa cây thay thế.

Đành nhổ về cho gia súc ăn

Những năm gần đây, trên các cánh đồng tại Nghệ An liên tục xuất hiện bệnh vàng lùn xoắn lá ngô. Hầu hết các giống ngô, các chân ruộng đều có thể nhiễm bệnh. Ngành chức năng hiện chưa tìm ra biện pháp phòng trừ. Riêng tại huyện Thanh Chương, vụ xuân 2017, hiện tượng vàng lùn xoắn cũng xuất hiện trên cây ngô với diện tích 50ha. Bà con nông dân hiện đang rất lo lắng, mong muốn ngành chức năng tìm ra nguyên nhân và cách phòng trừ.

Theo VĂN DŨNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 108
Tổng truy cập: 39349354