Dù thị trường có lúc thăng trầm nhưng cây rau vẫn được nông dân lựa chọn và gắn bó phát triển theo hướng an toàn, bền vững…
Nông dân Tiền Giang chăm sóc rau trên cánh đồng chuyên canh (Ảnh: MS - TS)
Đến vùng chuyên canh rau huyện Châu Thành, chúng tôi tận mắt chứng kiến cánh đồng trải dài xanh ngút ngàn. Nông dân đang hối hả chăm sóc tưới bón cho kịp lứa rau cung ứng cho thị trường cuối năm.
Ông Trần Văn Cam ở ấp Tân Phú 1, xã Tân Lý Đông là nông dân chuyên gắn bó với rau màu. Sau các vụ dưa leo, khổ qua, mướp ông lại xuống giống rau cải (cải muối dưa). Ông Cam chia sẻ: “Để rau đạt năng suất cao thì trước tiên phải chọn được giống tốt, trồng theo đúng quy trình và tưới đầy đủ thì cây sẽ sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh cho sản phẩm chất lượng cao. Ước tính mỗi công rau cải (1.000m2) cho năng suất từ 2,5 - 3 tấn/vụ, vào những tháng cuối năm thương lái đến tận ruộng thu mua".
Nông dân Nguyễn Văn Long ở ấp Cửu Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa cũng mới xuống giống trồng 2.000m2 cải xanh và cải trắng khoảng 40 ngày thì cho thu hoạch. Ông Long tâm sự: “Mặc dù rau của gia đình tôi đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhưng thị trường đầu ra khá bấp bênh và giá cũng không cao hơn so với rau thường. Tuy nhiên, tôi vẫn duy trì canh tác theo quy trình vì mình tự ý thức việc trồng rau an toàn”.
Dẫn chúng tôi đến thăm những mô hình trồng rau, anh Nguyễn Thanh Hùng, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành phấn khởi nói: “Đến nay nhiều xã trong huyện đã xây dựng được vùng trồng rau chuyên canh và thành lập hợp tác xã trồng rau an toàn để cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Nhờ trồng rau, người dân địa phương thoát khỏi nghèo khó, vươn lên làm giàu”.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đến nay huyện Chợ Gạo cũng đang mở rộng diện tích rau màu lên gần 12.000ha, mỗi năm đạt sản lượng trên 200.000 tấn rau màu các loại cung ứng thị trường.
Ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo cho biết, địa phương coi rau màu là cây trồng quan trọng, đã đưa vào cơ cấu cây trồng luân vụ hoặc chuyên canh trên chân ruộng giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Vừa qua, các loại màu chủ lực của huyện như ớt, hành, hẹ, ngô… đều có giá cao, nông dân lãi gấp 3 - 4 lần so với độc canh cây lúa truyền thống. Thậm chí có thời điểm cho nông dân thu nhập gần trăm triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp - nông thôn và đời sống người dân cũng được cải thiện nhiều.
Cánh đồng chuyên canh rau huyện Châu Thành được trồng theo quy trình VietGAP (Ảnh: MS - TS)
Theo Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang, hiện diện tích rau màu của toàn tỉnh khoảng 54.573ha, cho sản lượng 828.685 tấn/năm; trong đó huyện Châu Thành có vùng chuyên canh lớn nhất tỉnh với 14.551ha rau màu các loại, mỗi năm sản lượng đạt trên 304.000 tấn.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, hiện đầu ra của cây rau đang gặp không ít khó khăn do giá cả còn khá bấp bênh, việc xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau cũng đang còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do vùng chuyên canh rau có sản lượng lớn, nhưng hầu hết đầu ra của sản phẩm phụ thuộc vào thương lái; năng lực hoạt động của HTX trên địa bàn còn yếu...
Bà Võ Thị Anh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang cho biết, năm 2017 huyện Châu Thành triển khai mô hình trồng rau VietGAP khoảng 20ha. Trên địa bàn huyện đã thành lập HTX Rau an toàn Thân Cửu Nghĩa. Tuy nhiên giá bán sản phẩm còn khá bấp bênh...
“Trong định hướng phát triển cây rau màu của tỉnh đến năm 2020, sẽ tập trung vào các vùng kinh tế phía Tây và phía Đông gồm các huyện Châu Thành, Mỹ Tho, Chợ Gạo, Gò Công Đông, TX Gò Công với diện tích khoảng 40.000ha rau màu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, từ trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP đến sơ chế, chế biến và xây dựng chuỗi giá trị...”, ông Cao Văn Hóa, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang.
|