Hiệu quả dự án khuyến nông trồng trọt và lâm nghiệp (16/03/2018)

Năm 2017, các dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt và lâm nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai đã hoàn thành tốt các nội dung theo mục tiêu của Bộ NN-PTNT đề ra, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Dự án Sản xuất hạt giống lúa lai F1:

Triển khai tại 6 tỉnh gồm Lào Cai, Hải Phòng, Đăk Lăk, Quảng Nam, Hậu Giang và Cần Thơ với tổng diện tích 340ha; trong đó tổ hợp lúa lai F1 hai dòng là 200ha, tổ hợp lúa lai F1 ba dòng là 140ha.


SX lúa lai F1 đạt năng suất cao

Mặc dù thời tiết diễn biến thất thường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra nhưng năng suất của mô hình vẫn đạt khá cao. Năng suất hạt lai F1 của tổ hợp lúa lai 2 dòng đạt 26,88 tạ/ha; Năng suất hạt lai F1 của tổ hợp lúa lai 3 dòng đạt 26,78 tạ/ha. Dự án đã cung cấp ra thị trường 912,6 tấn hạt giống lúa lai F1 phục vụ thị trường nội tiêu và xuất khẩu.

Dự án Duy trì và sản xuất hạt giống bố mẹ:

Quy mô 43ha, bao gồm 5ha dòng bố (R4, R5, R20, R16, R838, R182, R6812) và 38ha dòng mẹ, trong đó 12ha dòng mẹ 2 dòng gồm các dòng T1s96 (4ha), 103S (8ha) và 26ha dòng mẹ 3 dòng gồm các dòng 137A (2ha), Nhị 32A (20ha) và MN11A (4ha). Dự án triển khai tại 8 tỉnh Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Lâm Đồng và Cần Thơ.

Năng suất các dòng mẹ 3 dòng đạt 16,35 tạ/ha; Năng suất các dòng mẹ 2 dòng đạt 22,97 tạ/ha. Tổng sản lượng các dòng mẹ đạt 70,07 tấn. Năng suất dòng bố đạt 41,7 tạ/ha. Tổng sản lượng các dòng bố đạt 20,86 tấn. Giá thành hạt giống bố mẹ sản xuất trong nước thấp hơn so với nhập khẩu từ 15 - 20%. Dự án đã sản xuất ra 90,9 tấn hạt giống lúa bố mẹ để chủ động cung cấp cho sản xuất hạt lai F1 trong nước.

Dự án Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung:

Triển khai 420ha, trồng mới 3 loài cây là keo lai (230 ha), bạch đàn lai (114ha) và mỡ (76ha); Diện tích chăm sóc năm thứ 2 quy mô 250ha với 140 hộ tham gia. Địa điểm thực hiện tại 10 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình. Dự án sử dụng các giống mới là keo lai BV10, BV16, BV32; bạch đàn lai UP 35, UP 54, UP 99 và mỡ tuyển chọn. Các giống này cho năng suất cao hơn  1,3 - 1,5 lần so với giống thông thường.

Sau trồng 1 năm, chiều cao cây keo lai đạt trung bình từ 0,8 - 1,2m, đường kính gốc đạt từ 0,8 - 1cm; Cây bạch đàn lai đạt chiều cao 1,3-1,5m, đường kính gốc đạt 1,2-1,5cm; cây mỡ đạt chiều cao 1,3 - 1,5m, đường kính gốc đạt 1,2 - 1,5cm. Tỷ lệ cây sống bình quân đạt 93%, tốc độ sinh trưởng vượt so với đại trà 25%.

Mô hình trồng rừng keo lai sau 24 tháng tuổi tại Thanh Hóa đạt 12,2m3/ha (5,87m3/ha/năm) cao hơn 21,3% so với rừng trồng gỗ nhỏ. Mô hình keo lai tại Hòa Bình sau 14 tháng tuổi đạt 25,63m3/ha (19,02m3/ha/năm) cao hơn 13,4% so với rừng trồng gỗ nhỏ.

Dự án Xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất hạt giống xác nhận 1 (XN1) của một số giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao tại các tỉnh miền Trung:

Quy mô 275ha, triển khai tại 5 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Dự án sản xuất hạt giống XN1 của 10 giống lúa: HT1, BT7, OM6976, ĐV108, ML48, ĐH815-6, ĐH99-81, J02, BC15, TBR225, đạt 100% kế hoạch năm. Lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt từ 5,6 - 7,5 tấn/ha, vượt từ 12 - 50% so với yêu cầu của dự án.

Tổng sản lượng hạt giống đã sản xuất ra đạt tiêu chuẩn cấp XN1 là 1.793 tấn. Các đơn vị đã thu mua sản phẩm hạt giống để chế biến và tiêu thụ đạt 1.434 tấn, hoàn thành 105% kế hoạch so với yêu cầu của dự án.

Dự án Xây dựng 11 mô hình liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất từ 8 - 15 triệu đồng/ha.

Dự án Xây dựng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây hồ tiêu:

Triển khai với quy mô 24ha, có 48 hộ tham gia; địa điểm thực hiện tại 4 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước. Hệ thống tưới ở các điểm mô hình đã đi vào sử dụng, tiết kiệm được 30 - 40% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống, điện năng tiêu thụ tiết kiệm khoảng 17%. Đặc biệt, năng suất, chất lượng hồ tiêu cao hơn ngoài mô hình không áp dụng tưới. Diện tích hồ tiêu có tưới cũng giảm hiện tượng tuyến trùng gây hại.

Theo TH.S HOÀNG VĂN HỒN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 144
Tổng truy cập: 39349354