"Bà chúa" xứ trà (20/03/2018)

Gần 3 năm nay, cô gái trẻ Đào Thị Ngọc Linh rời nhà lên vùng Tân Cương nức tiếng để học kỹ thuật làm chè.

Từ một người không có chút kiến thức gì, đến nay Linh đã từng bước gây dựng và trở thành giám đốc một doanh nghiệp chè có tiếng. 

Ngã rẽ bất ngờ

Sinh năm 1990 nhưng Đào Thị Ngọc Linh trẻ hơn nhiều so với tuổi, chúng tôi còn ngỡ em là một học sinh cấp 3. Lần đầu nói chuyện, lại càng bất ngờ hơn khi biết Linh mới chỉ gắn bó với cây chè được thời gian ngắn.


Linh trao đổi về kỹ thuật làm chè sạch (ảnh: ĐVT)

Em sinh ra và lớn lên ở phường Hương Sơn (thành phố Thái Nguyên). Bố mẹ đều làm ở Cty CP Gang thép Thái Nguyên. Tốt nghiệp Khoa Môi trường, ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, Linh được tuyển dụng làm đúng chuyên môn cho một doanh nghiệp tư vấn môi trường tại Hà Nội. Duyên nghiệp run rủi thế nào nên em đã quyết định bỏ giữa chừng chỉ sau 2 năm.

Nói về thời điểm lên Tân Cương học kỹ thuật làm chè, Linh chia sẻ, gia đình phản đối khá nhiều vì mức thu nhập của em ở công ty khi đó thuộc diện cao. Vả lại, bản thân chưa bao giờ uống trà, cũng không biết một chút gì về quy trình trồng, chăm sóc và chế biến chè. Em chỉ nghĩ đơn giản là muốn tự mình làm ra những sản phẩm từ cây chè đảm bảo các tiêu chí an toàn và giá trị. Bởi vùng chè Tân Cương vốn nổi tiếng cả nước nhưng giá trị kinh tế thu được không cao, người dân trực tiếp sản xuất lại chịu thiệt thòi nhất. Với những kiến thức học về môi trường, em tự tin mình sẽ làm được.

Đầu năm 2015, Đào Thị Ngọc Linh chuyển hẳn lên nhà ông bà Lê Quý Nghìn và Phạm Thị Hạnh, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) để học cách làm chè. Chè Hạnh Nghìn vốn được coi là sản phẩm đặc biệt của nghệ nhân xứ trà Tân Cương. Gần 2 năm ăn ngủ với cây chè, Linh dần cảm nhận thế nào là một ấm chè ngon, đặc tính của cây chè để biết lúc nào phù hợp bón phân, tưới nước hay phun thuốc trừ sâu.

Cùng với đó là kỹ thuật thu hái, bảo quản và chế biến sao cho sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt nhất. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, Linh quyết định thành lập Cty CP Trà An Viên do mình làm giám đốc.

Xác định dù có học hỏi được một phần kiến thức làm chè nhưng vẫn chưa thấm vào đâu, Linh đã hợp tác với những người dân có kinh nghiệm lâu năm ở vùng Tân Cương. Cụ thể, Cty CP Trà An Viên đã thuê toàn bộ vườn chè của 3 gia đình (diện tích gần 20.000m2). Các chủ hộ sẽ phụ trách luôn việc chăm sóc và chế biến. Linh đứng ra tổ chức xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Đây là mô hình đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước tiên tiến nhưng Việt Nam thì còn hiếm gặp.

“Thực tế khi Cty CP Trà An Viên thành lập, ở Tân Cương đã có rất nhiều doanh nghiệp làm chè. Do vậy, em xác định phải có hướng đi riêng mới hy vọng tồn tại được”, Linh chia sẻ.

Tuy là doanh nghiệp mới nhưng Đào Thị Ngọc Linh lại dám đầu tư dây chuyền công nghệ SX rất bài bản. Đó là hệ thống đóng gói, hút chân không; máy nghiền bột chè xanh để làm sản phẩm matcha; phòng lạnh có thể bảo quản chè khô với số lượng lớn… Nhờ vậy, Cty tạo ra đươc sản phẩm chè đa dạng, phục vụ thị hiếu đa dạng của khách hàng.

Hướng đi đó bắt đầu bằng quy trình làm chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Mọi khâu từ chăm sóc, chế biến và bảo quản đều được kiểm soát chặt chẽ. Bộ chứng nhận chất lượng cũng được Linh kỳ công về tận Bộ Y tế hoàn thiện. Mẫu mã sản phẩm do tự tay cô chủ thiết kế hoặc đặt hàng riêng, đảm bảo không “đụng hàng” ý tưởng với những người đi trước. Việc đăng ký nhãn hiệu và tem truy xuất nguồn gốc cũng được thực hiện từ rất sớm. 

Ý tưởng kinh doanh độc đáo

Tham quan khu vực trưng bày sản phẩm của Cty CP Trà An Viên, chúng tôi thực sự thích thú khi chứng kiến nhiều sản phẩm được đóng gói với mẫu mã đẹp và ấn tượng. Từ loại có giá bình dân 400 - 500 nghìn đồng, đến chè búp nõn, chè đinh giá 2,5 - 3 triệu đồng/kg. Đặc biệt là 2 sản phẩm độc đáo matcha và hoa chè.

Thời điểm đầu năm 2017, Đào Thị Thùy Linh là người đầu tiên ở Tân Cương SX bột chè xanh matcha theo công nghệ Nhật Bản. Điều đặc biệt trong quy trình làm ra sản phẩm này là vùng nguyên liệu được che phủ một lớp lưới sẫm để giảm 90% ánh sáng mặt trời, giúp lá chè xanh và có vị đậm hơn so với bình thường.

Nguyên liệu làm matcha chỉ thu hái trong vòng 1 tuần khi búp chè đạt độ chuẩn nhất. Sau đó, chè được hong trong môi trường thoáng mát, trải qua các công đoạn hấp nóng, lạnh, diệt men trước khi đưa vào máy sấy. Từ thành phẩm này sẽ mang xay bằng cối đá thành bột cực mịn.


Đam mê đã giúp cô gái trẻ Đào Thị Ngọc Linh sớm thành công với các sản phẩm trà (ảnh: ĐVT)

Matcha có màu xanh và vị chát ngọt đặc trưng giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, tăng cường sinh lực và tỉnh táo nhưng lại không gây kích thích dẫn đến mất ngủ.

Linh thông tin, matcha được khách hàng rất ưa chuộng, dù có giá khoảng 1,6 triệu đồng/kg nhưng vẫn không đủ cung cấp. Ngoài ra, Cty hiện cũng là địa chỉ duy nhất ở Tân Cương cung cấp sản phẩm trà từ hoa và nụ cây chè trung du, có hương thơm đặc trưng và không gây mất ngủ.

Một hướng kinh doanh độc đáo và hiệu quả đang được Cty CP Trà An Viên thực hiện là kết hợp du lịch cộng đồng với kinh doanh chè. Thông qua bạn bè và mạng xã hội, Linh giới thiệu về vùng chè Tân Cương và những dịch vụ mình có thể cung cấp.

“Mỗi đoàn khách công ty tiếp đón khoảng 10 - 15 người. Giá trọn gói cho một người rất rẻ, chỉ khoảng 400 - 500 nghìn đồng/ngày, gồm cả dịch vụ ăn uống, nghỉ và tham quan.

Du khách đến đây sẽ được trực tiếp trải nghiệm việc hái, sao chè theo cách truyền thống, ăn những món ăn liên quan đến chè như: cá kho chè, cơm nấu bột chè, chả thịt lá chè… Đồng thời được đi tham quan vùng chè và khu du lịch hồ Núi Cốc.

Mục đích của chúng em không phải thu lãi từ du lịch mà để du khách trực tiếp thấy quy trình SX, thưởng thức hương vị chè Tân Cương nức tiếng, từ đó quảng bá cho bạn bè và mua sản phẩm", Linh tâm sự.

Nhờ chiến lược kinh doanh hợp lý, Cty CP Trà An Viên ngày càng được nhiều người biết tới. Hiện sản phẩm của Cty làm ra không đủ đáp ứng đơn hàng của khách.

Linh vui vẻ cho biết: "Cty đã mở một cửa hàng trưng bày sản phẩm ở nội thành Hà Nội. Em cũng đang ấp ủ ý tưởng cho ra đời một số sản phẩm mới như, chè đen, chè hòa tan và ép tinh dầu từ quả chè…".

Hy vọng những ý tưởng kinh doanh độc đáo của cô gái trẻ này sẽ sớm thành hiện thực và Cty CP Trà An Viên do em làm chủ sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa...

Theo ĐỒNG VĂN THƯỞNG - VIỆT BẮC (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 146
Tổng truy cập: 39349354