Hơn nữa, công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ được áp dụng triệt để, thông qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường
Hiệp định CPTPP, một hiệp định thương mại được coi là có trình độ hội nhập cao nhất, chưa từng có; và là hiệp định được đánh giá là “mở bung cửa” cho hàng hóa tự do lưu thông ở tất cả các nước thành viên.
Nhiều DN lớn đang đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, CPTPP, có hiệu lực thi hành dự kiến vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019, sẽ bao phủ 13,5% GDP toàn cầu với tổng 12.400 tỷ USD và 500 triệu dân.
Đối với người nông dân, trước nay ta ngóng chờ thị trường khổng lồ là Trung Quốc với dân số 1,5 tỷ người, gấp 3 dân số khối CPTPP; nhưng xét về GDP thì Trung Quốc còn thấp hơn khối CPTPP (khối CPTPP có dân số ít hơn nhưng giàu hơn). Điều này có ý nghĩa gì?
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, bên cạnh thị trường truyền thống Trung Quốc, sắp tới, các mặt hàng nông sản của Việt Nam có thời cơ “chu du” xa hơn, vào thị trường khổng lồ và giàu có là các nước thành viên khối CPTPP; khi mà cánh cửa thuế NK là rào cản thuế quan các mặt hàng trái cây của Việt Nam xưa nay rất ít len lỏi vào cánh cửa hẹp của một thị trường này của khối CPTPP, sẽ mở bung rộng rãi.
“Điều này đồng nghĩa với việc từ nay trở đi, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có thêm nhiều thị trường mới, không còn cảnh thương lái Trung Quốc một mình một chợ để thẳng tay ép giá”, ông Thiên phân tích.
Dĩ nhiên, theo ông Thiên, để vào thị trường khối CPTPP cũng có cái khó là nông sản Việt Nam phải chuyển mình, trở thành “đẹp đẽ hơn, sạch sẽ hơn”, ít ra phải đạt chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.
Phân tích thêm về tác động của CPTPP đến DN nông nghiệp Việt Nam, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, hiệp định này sẽ mở ra khoảng 4 cơ hội cho họ.
Thứ nhất, cơ hội để DN Việt Nam mở rộng thị trường XK. Bởi hiện nay các nước CPTPP đang chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% kim ngạch XK của Việt Nam và chiếm khoảng 16% kim ngạch NK của Việt Nam (số liệu cuối năm 2017), nên sẽ tạo ra thị trường lớn về thương mại cho Việt Nam.
Thứ hai, về đầu tư, 10 nước trong CPTPP đang đầu tư vào Việt Nam khoảng 112 tỷ USD, tương đương 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Thứ ba, tạo điều kiện cho DN Việt Nam có điều kiện trao đổi về kinh nghiệm quản trị điều hành, chuyển giao công nghệ.
Thứ tư, giúp DN Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị nông sản ở khu vực và trong khối. Qua đó, cũng giúp Việt Nam sẽ hạn chế được sự phụ thuộc vào một khu vực hay một thị trường như trước đây.
Kỳ vọng nền nông nghiệp công nghệ cao
Chuyên gia kinh tế độc lập Phạm Chi Lan cho rằng, riêng về nông nghiệp, hy vọng lớn nhất cho ta trong CPTPP là Nhật Bản. Với TPP, Nhật đã ước tính nông sản NK sẽ đáp ứng tới 86% nhu cầu nông sản trong nước. Trong mấy năm gần đây, Nhật đã mở rộng hợp tác kinh tế với ta trong SXNN. Bước đầu chúng ta đã tạo được sự tin cậy từ phía họ, họ đã mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản của ta hơn.
“Việt Nam có thể trở thành cứ điểm mạnh cung cấp một số loại nông sản cho hơn 120 triệu dân Nhật. Đây là cơ hội rất lớn để nông nghiệp Việt Nam tạo bước đột phá. Tận dụng tốt cơ hội trong CPTPP và EVFTA, hợp tác thêm với một số nước có công nghệ cao về nông nghiệp như Israel, đồng thời cải cách mạnh để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa chắc chắn sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam cất cánh”, bà Lan cho hay.
Theo bà Lan, Việt Nam có quá nửa dân số là nông dân. Xưa nay có quan niệm không quốc gia nào làm giàu được từ nông nghiệp, nhưng với công nghệ, phương thức sản xuất và kinh doanh nông nghiệp tiên tiến thì chúng ta vẫn có thể giàu, mạnh từ nông nghiệp.
“Theo Báo cáo Việt Nam 2035, ước tính nông nghiệp thuần túy của nước ta vào năm đó chỉ còn chiếm 10 - 15% GDP. Nhưng nếu tính nông nghiệp gắn với các ngành công nghiệp và dịch vụ phục vụ cho đầu vào, đầu ra của nông nghiệp và chế biến nông sản thì có thể chiếm tới 35% GDP và chúng ta sẽ có một nền nông nghiệp với các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường. Cuộc sống của nông dân và những người lao động gắn với nông nghiệp sẽ tốt đẹp hơn”, bà Lan phân tích.
Tuy nhiên, theo bà Lan, song song với cơ hội là những thách thức được đặt ra với nền nông nghiệp Việt Nam khi gia nhập CPTPP. Đó là năng lực cạnh tranh, quản trị điều hành, liên quan đến minh bạch, công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ và nguồn nhân lực.
Bà Lan cho rằng, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề nguồn nhân lực, ở khía cạnh chảy máu chất xám: “Nếu chúng ta không biết cách thu hút, quản lý, khai thác nhân tài, thì những nguồn nhân lực tốt có thể sẽ làm việc trong khối nhiều hơn. CPTPP là cuộc chơi yêu cầu phải bình đẳng hơn, minh bạch hơn. Nếu như chậm cải cách, chậm đổi mới, không quyết tâm vươn lên thì không thể tận dụng được lợi thế mà ngược lại còn trở thành thách thức”.
“Bên cạnh các dự án nông nghiệp nhỏ và vừa, các dự án khởi nghiệp được quan tâm cao, Chính phủ cũng rất chú trọng khuyến khích các DN tư nhân lớn như Trường Hải, VinGroup, TH Milk hay Hòa Phát đầu tư vào nông nghiệp để tạo thế cạnh tranh bình đẳng trong khối CPTPP. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng trước nay đều rất ủng hộ, trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, đến thăm nhiều cơ sở để động viên, cổ vũ các doanh nghiệp này”, bà Phạm Chi Lan.
|