Những bước dài của quả vải (19/04/2018)

Chỉ trong vòng hơn 10 năm, năng suất bình quân vải thiều của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi. Những kỹ thuật thâm canh cây vải của nông dân đã ở mức “thượng thừa”.

Tuy nhiên, bài toán tiêu thụ, chế biến và liên kết SX cho cây trồng này vẫn là vấn đề đau đầu.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vải là cây ăn quả chủ lực tại phía Bắc, tuy nhiên những năm gần đây diện tích vải ở các tỉnh phía Bắc liên tục giảm mạnh. Nếu như năm 2005, diện tích vải của miền Bắc ở mức trên 92 nghìn ha, thì năm 2010 giảm xuống chỉ còn hơn 78 nghìn ha và tới năm 2017 chỉ còn gần 60 nghìn ha (trong đó Bắc Giang chiếm khoảng 30 nghìn ha, kế tiếp là Hải Dương khoảng 10 nghìn ha).


Tiêu thụ vẫn luôn là bài toán đau đầu đối với vải thiều mỗi lần tới vụ thu hoạch

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến diện tích vải giảm mạnh, đó là sự cạnh tranh và chuyển đổi sang nhiều loại cây ăn quả khác có giá trị hơn (nhất là cây có múi như cam, bưởi). Mặc dù diện tích giảm mạnh, tuy nhiên tổng sản lượng vải thiều những năm gần đây của cả nước lại liên tục tăng nhanh (từ 171 nghìn tấn năm 2005 lên 243 nghìn tấn năm 2010 và 356 nghìn tấn năm 2015).

Nhìn chung, sản lượng vải nước ta vẫn được duy trì ở mức từ 300-350 nghìn tấn/năm, đứng thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Sự chuyển dịch nghịch chiều giữa diện tích và sản lượng vải trong những năm qua cho thấy xu hướng thâm canh, nâng cao năng suất cho cây vải diễn ra ngày càng ở trình độ cao hơn.

Cụ thể nếu như năm 2005, năng suất bình quân của cây vải nước ta chỉ có 2,4 tấn/ha, thì đến năm 2010 đã tăng lên 3,21 tấn/ha và năm 2015 là 5,7 tấn/ha. Cùng với việc gia tăng năng suất, chất lượng quả vải đến nay cũng đã được nâng cao hơn rất nhiều thông qua việc tuyển chọn, cải tạo bộ giống đồng đều, có cùi dày, hạt nhỏ, mọng nước. Một trong những vấn đề đau đầu trước đây của vải thiều, đó là sâu đục cuống quả, đến nay cũng đã được giải quyết gần như triệt để... Có thể nói, trình độ SX thâm canh, năng suất và chất lượng của cây vải Việt Nam hiện nay đã ở mức tiệm cận với trình độ rất cao.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, sự dịch chuyển này của cây vải theo hướng thâm canh - chất lượng đang đi đúng xu thế, và đây cũng là hướng đi trong những năm tới cho cây trồng này.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất đối với cây vải là vẫn chưa có lời giải bền vững và căn cơ, đó chính là sức ép tiêu thụ, bởi đặc thù về thời gian chín của cây vải vẫn chỉ tập trung chủ yếu trong vòng 1,5 tháng (tập trung nhất trong tháng 6 hàng năm), trong khi đó việc tiêu thụ vẫn chủ yếu là tiêu thụ quả tươi nên áp lực càng nặng nề ở những năm được mùa lớn. Vì vậy bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu (nước ép, cùi đóng hộp, sấy khô...), yêu cầu tiếp tục nghiên cứu rải vụ cho cây vải vẫn phải đẩy mạnh hơn nữa trong những năm tới.


Thương lái thu mua vải

Theo ông Sơn, những năm gần đây, diện tích trà vải sớm cũng đang từng bước được nâng lên, tuy nhiên tỉ trọng/tổng diện tích vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể đến năm 2017, diện tích vải chín sớm mới chỉ đạt gần 9.500 ha, chiếm khoảng 24% tổng diện tích vải ở 3 tỉnh lớn là Bắc Giang (khoảng 6.000 ha), Hải Dương (khoảng 2.500 ha) và một phần ở Hưng Yên. Mặc dù chất lượng của các giống vải chín sớm hiện còn thấp, hạt to, chua, tuy nhiên với diện tích nhỏ, lại thu hoạch rải vụ đều trong vòng khoảng 1 tháng nên vải chín sớm vẫn luôn áp đảo về giá so với trà vải chính vụ, mặc dù vải chính vụ có chất lượng hoàn hảo hơn rất nhiều.

“Về định hướng dài hơi, tôi cho rằng các vùng vải lớn như Bắc Giang và Hải Dương hiện nay cần tiếp tục thâm canh hơn nữa, bởi dư địa để nâng năng suất cao đồng đều ở các địa phương vẫn còn. Bên cạnh đó, phải tiếp tục xúc tiến gắn DN chế biến, XK với các HTX trồng vải để tạo mối liên kết chặt chẽ trong tổ chức SX, cố gắng làm sao để các bên ký được với nhau hợp đồng liên kết SX - tiêu thụ trong mỗi vụ càng sớm càng tốt. Hiện nay, lượng vải được tiêu thụ qua kênh hợp đồng liên kết chưa đáng kể” – GS.TS Nguyễn Hồng Sơn nêu quan điểm. 

Đừng “cầm vàng còn để vàng rơi”!

Theo Cục Trồng trọt, tính đến năm 2017, diện tích vải được SX theo VietGAP đã được nâng lên khoảng 13.800 ha, với tổng sản lượng khoảng 90 nghìn tấn (trong đó chủ yếu tại Bắc Giang với 13.500 ha và 88 nghìn tấn). Trong khi đó theo Cục BVTV, đến cuối năm 2017, diện tích vải đã được cấp mã số vùng trồng để XK đi các thị trường Úc và Mỹ là 31 mã số, với tổng diện tích gần 350 ha (trong đó Bắc Giang 18 mã số, diện tích 218 ha; Hải Dương 13 mã số, diện tích 131 ha).

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV đánh giá: Những năm qua, nông dân tại 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã có ý thức tự giác và tuân thủ tốt việc áp dụng các quy trình SX ở các vùng trồng đã được cấp mã số. Tuy nhiên, Cục BVTV vẫn khuyến cáo nông dân và chính quyền các địa phương có mã số vùng trồng cần tiếp tục duy trì quy trình SX đã được hướng dẫn, tránh tình trạng phá vỡ các vùng trồng đã được cấp, đồng thời cần tiếp tục mở rộng thêm các vùng trồng mới để đón đầu các thị trường khó tính mới. Bởi hiện nay, EU và tới đây có thể là Trung Quốc sẽ từng bước nâng dần những tiêu chuẩn khắt khe hơn về mặt kỹ thuật SX, nhất là áp dụng mạnh mẽ hơn về mặt chất lượng, tiêu chuẩn ATTP cũng như truy xuất nguồn gốc đối với quả vải XK...

Về công tác BVTV, ông Trung cho biết: Diễn biến thời tiết từ cuối năm 2017 đến nay hết sức thuận lợi cho việc ra hoa, đậu quả cũng như sinh trưởng của cây vải. Tuy nhiên, các địa phương thời gian tới vẫn cần hết sức cảnh giác với một số dịch bệnh phổ biến và nguy hiểm đối với cây vải như bọ xít, sâu hại lá, sương mai, thán thư (nhất là giai đoạn mưa chuyển mùa thời gian tới). Đặc biệt, sâu đục cuống quả vẫn là đối tượng rất nguy hiểm, dù đã được xử lí tốt những năm gần đây nhưng không được chủ quan. Bởi đây là đối tượng thường phát sinh ở giai đoạn cuối lúc gần thu hoạch, nếu không phòng trừ được triệt để sâu đục cuống quả, để các lô hàng mang theo đối tượng dịch hại này sẽ là điều hết sức tệ hại.

Cũng như vải, năm nay, nhãn cũng là cây ăn quả chủ lực của miền Bắc dự báo sẽ được mùa lớn. Theo Cục Trồng trọt, diện tích nhãn hiện tập trung chủ yếu tại Sơn La (khoảng 11 nghìn ha), và Hưng Yên (gần 4 nghìn ha), dự kiến tổng sản lượng nhãn năm nay ở 2 tỉnh này sẽ đạt trên 80 nghìn tấn (Sơn La khoảng 38 nghìn tấn và Hưng Yên khoảng 41 nghìn tấn)...

Nhằm sớm chủ động có kế hoạch đẩy mạnh việc triển khai tiêu thụ vải, nhãn tại các tỉnh phía Bắc trong năm 2018, hôm nay (18/4), Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội nghị bàn phương án thúc đẩy chăm sóc, tiêu thụ vải, nhãn cho các tỉnh trọng điểm như như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La...

Theo LÊ BỀN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 147
Tổng truy cập: 39349354