Thủ phủ xoài Đồng Tháp đã sẵn sàng cho trái đặc sản 'bay' sang Mỹ (24/04/2018)

Việc Mỹ chính thức cho phép nhập khẩu xoài tươi từ Việt Nam và dự kiến đầu tháng 5 tới lô xoài đầu tiên sẽ được xuất sang Mỹ khiến nông dân ở vùng thủ phủ xoài Đồng Tháp rất hào hứng.

Hiện tỉnh này đang ráo riết tổ chức lại sản xuất, tập trung áp dụng các tiến bộ KHKT trên cây xoài để nâng cao chất lượng phục vụ xuất khẩu… 

Hưởng lợi từ liên kết

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, để sản xuất xoài theo chuỗi giá trị, tỉnh đã thành lập được 2 HTX và 29 tổ hợp tác sản xuất xoài liên kết cung cấp sản phẩm cho các DN thu mua tiêu thụ trong nước và XK. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác chứng nhận GAP đủ điều kiện XK xoài sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc…


Nhà vườn vận chuyển xoài từ vườn đến vựa thu mua

Đồng Tháp hiện cũng đã xây dựng được 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn ở huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh với hơn 416ha, nhân rộng mô hình bao trái xoài được trên 85% diện tích. Mô hình trồng xoài rải vụ đã giúp điều tiết sản lượng xoài cung ứng trong năm, khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm. Theo các nhà vườn, mô hình canh tác xoài rải vụ giúp nông dân bán được giá cao hơn xoài chính vụ từ 1,5 - 2 lần.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp phấn khởi: “Xoài là cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Việc Mỹ chính thức cho phép nhập khẩu xoài tươi từ Việt Nam là tin vui cho nhà vườn trong tỉnh đang trồng khoảng 9.500ha vườn xoài chuyên canh. Tỉnh đang khẩn trương tổ chức lại sản xuất cho ngành hàng xoài theo tiêu chuẩn GAP, gắn kết SX với tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị thông qua việc áp dụng các tiến bộ KHKT mới, công nghệ cao; đặc biệt là tiến hành xây dựng chuỗi giá trị SX và kinh doanh xoài”.

Tìm hiểu thực tế của PV cho thấy, các loại trái cây đặc sản ở Đồng Tháp như xoài, nhãn, quýt đường… hiện đang được các DN liên kết bao tiêu sản phẩm. Đa số các loại xoài liên kết được bao trái, trồng theo quy trình GAP nên bán được giá cao hơn xoài thường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, đồng thời tiết kiệm được 5 - 7 lần phun xịt thuốc, cho lãi từ 200 - 220 triệu đồng/ha. Trong khi đó xoài không bao trái, không trồng theo quy trình GAP và không liên kết tiêu thụ thì chỉ cho lãi từ 150 - 160 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Chì, Giám đốc HTX xoài Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh) xác nhận: “Việc liên kết sản xuất theo quy trình GAP đã mang lại nhiều thuận lợi cho bà con xã viên HTX chúng tôi vì được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với giá cao và ổn định. Mùa xoài sắp tới, HTX đã ký hợp đồng cung ứng 200 tấn xoài cho doanh nghiệp, chỉ khoảng vài tuần nữa sẽ thu hoạch”.

Theo ông Chì, diện tích xoài của HTX hiện có 110ha, của 119 xã viên; trong đó 45ha đã có chứng nhận VietGAP. Toàn bộ diện tích xoài của HTX sản xuất theo quy trình sạch đã được Cty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp và Cty TNHH Long Uyên ký hợp đồng thu mua để xuất khẩu. 

Tuân thủ yêu cầu của thị trường

Được biết, sản lượng xoài cả nước hiện đạt 700.000 tấn/năm, Đồng Tháp khoảng 90.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Thị trường xuất khẩu chính của trái xoài là Trung Quốc, còn việc hướng đến những thị trường khác vẫn gặp nhiều khó khăn.


Đóng gói xoài xuất khẩu

Bà Đinh Kim Nhung, Giám đốc Cty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp chia sẻ: “Để xuất khẩu xoài đi Úc và Hàn Quốc đòi hỏi phải sản xuất theo quy trình an toàn, cung ứng số lượng nhiều và qua xử lý hơi nhiệt. Tuy nhiên, tại tỉnh Đồng Tháp hiện chưa có nhà máy làm dịch vụ này, vùng nguyên liệu xoài thì còn manh mún nên doanh nghiệp chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo tổ hợp tác xoài Thiên Phú, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, hơn một năm qua chỉ cung cấp khoảng 1 tấn xoài mỗi ngày cho các siêu thị và một số doanh nghiệp XK. Còn lại hơn một nửa sản lượng xoài các nhà vườn phải ghim chờ, thậm chí bán ra ngoài với giá thấp. Anh Nguyễn Văn Thanh, nhà vườn xã Bình Hàng Trung tâm sự: “Thông tin xoài Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ khiến nhà vườn chúng tôi vui lắm. Xoài xuất khẩu giá sẽ ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất”.

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho trái xoài bay sang Mỹ, bắt buộc bà con trồng xoài phải tuân thủ các quy định như sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, xử lý chiếu xạ, phải được kiểm dịch, không có nấm bệnh hay sinh vật có hại.

Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh khẳng định: “Bây giờ đến cả thị trường khá dễ tính như Trung Quốc cũng bắt đầu đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu phải có xuất xứ nguồn gốc nên buộc chúng tôi phải liên kết và đi vào sản xuất theo quy trình bài bản. Tất cả mọi yêu cầu của doanh nghiệp về kỹ thuật sản xuất, muốn mẫu mã, chất lượng trái cây như thế nào bà con chúng tôi đều có thể đáp ứng được hết”.


Nhà vườn phấn khởi khi trái xoài sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh Nguyễn Hồng Sự cho rằng, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài thông qua HTX, tổ hợp tác với DN sẽ giúp sản phẩm xoài tiêu thụ trong nước ổn định và hướng đến XK. Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống và tiêu thụ thông qua liên kết, điển hình có HTX xoài Mỹ Xương đã sáng tạo qua mô hình “Cây xoài nhà tôi”, kết nối giữa DN và nông dân trồng xoài ứng dụng công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: Vấn đề sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị cho trái xoài địa phương hiện vẫn còn đang yếu nhiều khâu. Nông dân cần phải cùng nhau liên kết, từng bước xây dựng chuỗi ngành hàng xoài, tuân thủ yêu cầu thị trường, đừng tự hài lòng với kết quả đang có.

Theo MINH SÁNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 142
Tổng truy cập: 39349354