Vải VietGAP đắt khách
Lễ hội Vải thiều Thanh Hà – Hải Dương 2018 sẽ được tổ chức tại Quảng trường Thanh Bình, huyện Thanh Hà (Hải Dương). Vùng đất này có cây vải tổ 200 năm tuổi tỏa bóng xanh tươi, trên thân cây trổ ra những chùm quả đỏ như son, cùi trắng như tuyết, hạt nhỏ và vị ngọt thanh. Cụ cố Hoàng Văn Cơm (sinh năm 1848), chủ nhân của cây vải tổ đã chiết cành và tặng cho bà con nhân rộng ra toàn vùng.
Ảnh: M.P
Trong tiết trời nắng nóng như đổ lửa của tháng 6, sức hút của vải Thanh Hà giống như chiếc nam châm, mời gọi những đoàn xe tải, xe thồ của thương lái ùn ùn kéo về “ăn hàng”.
Ông Nguyễn Đức Nhân, Trưởng thôn kiêm tổ trưởng tổ SX vải theo tiêu chuẩn VietGAP của 80 hộ dân (quy mô 11ha) thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, chia sẻ: "Nếu vụ vải năm ngoái có giá cao kỷ lục thì năm nay vải VietGAP của chúng tôi đạt đỉnh năng suất, quả to và mã cực đẹp. Đặc biệt hơn, mỗi chùm vải đều được gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc nên tránh được vàng thau lẫn lộn".
Nhà ông Nhân có 8 sào trồng vải, phân thành 3 khu: khu SX vải lai chín sớm, vải u hồng và vải thiều. Trung bình mỗi sào thu được khoảng 6,5 tạ quả, tương đương 18 tấn/ha. Cách đây 3 tuần, vải chín sớm được ông bán với giá 45 – 55.000 đồng/kg. Còn với loại vải thiều, thương lái đang thu mua với giá 15– 17.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh chia sẻ: Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng chỉ dẫn địa lý, tập huấn, hướng dẫn bà con SX theo quy trình VietGAP, đến nay quả vải của Hải Dương đã được Cục BVTV cấp mã số vùng cho 13 vùng trồng, đủ điều kiện XK đi Mỹ, Úc và các nước EU với 132ha. Vải SX theo quy trình Global GAP là 32ha, trong đó 2ha được chứng nhận Global GAP và 30ha SX theo hướng Global GAP.
Nông dân đã bước đầu thử nghiệm thành công SX vải theo quy trình hữu cơ, không sử dụng thuốc BVTV chỉ dùng các chế phẩm chiết xuất từ cây cỏ trong phòng trừ sâu bệnh từ giai đoạn quả mây đến thu hoạch (diện tích thử nghiệm 1.000m2).
Bên cạnh đó, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc bằng tem QR code cho sản phẩm vải của 25/25 xã huyện Thanh Hà, diện tích 3.865ha vải (sớm 1.300ha, thiều 2.565ha), cập nhật trên trang Cổng thông tin điện tử để người tiêu dùng mua được sản phẩm chính hãng.
Một DN cam kết mua 10.000 tấn vải
Trước thềm Lễ hội Vải thiều Thanh Hà, một tin vui đã đến với nông dân, là Công ty CP Thực phẩm XK Đồng Giao – DOVECO (Ninh Bình) cam kết sẽ thu mua 10.000 tấn vải cho tỉnh. Làm việc với ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương ngày 24/5 vừa qua, đại diện DOVECO cho biết: “DN sẽ lựa chọn quả vải chất lượng để xuất sang Nhật Bản, số vải đại trà còn lại sẽ được sử dụng làm nguyên liệu chế biến”.
Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, sản lượng vải thiều niên vụ 2018 khoảng 55.000 – 60.000 tấn, trong đó trà vải chín sớm khoảng 20.000 tấn, còn lại là trà vải chính vụ. Năm nay, quả vải lai chín sớm đã được xuất thử sang Anh khoảng 0,5 tấn để thăm dò thị trường.
Cùng với đó, nhiều DN cũng dự kiến XK vải thiều Hải Dương với số lượng lớn. Điển hình như Công ty TNHH Hưng Việt (dự tính xuất đi Trung Quốc 1.000 – 2.000 tấn); Công ty XNK Nông sản Thanh Hà (đã ký hợp đồng XK sang Hàn Quốc khoảng 120 tấn; thị trường Anh, Úc, Pháp khoảng 45 – 60 tấn; thị trường Thái Lan khoảng 50 tấn)…
Vải Thanh Hà cũng sẽ được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn như Coop mart, Fivimart, Bigreen, An Việt, Vinmart, Big C, Hapro… Đây là tín hiệu rất tốt, giúp giảm nguy cơ “được mùa mất giá” của trái vải Hải Dương.
Lễ hội Vải thiều Thanh Hà có gì hấp dẫn?
Điểm nhấn của Lễ hội Vải thiều Thanh Hà – Hải Dương 2018 là gian trưng bày gồm 60 gian hàng của 12 huyện, TX, TP, các DN. Sản phẩm trưng bày là vải sớm, vải thiều Thanh Hà, các mặt hàng nông sản chủ lực, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; lễ ký kết giao thương giữa các DN, người sản xuất… Du khách còn được nhìn thấy cây vải tổ, hái vải tại vườn, thăm di tích lịch sử Côn Sơn -Kiếp Bạc.
|