Huyện Krông Pắc được xem là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk với diện tích gần 2.000 ha. Để tạo thương hiệu vùng miền cho sầu riêng, huyện đang tiến hành triển khai quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Anh Lê Văn Trung là một trong những chủ hộ tiên phong đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc sầu riêng tại thôn Phước Thành (xã Ea Yông) với hơn 1 ha sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê.
Chíp điện tử gắn trên từng cây sầu riêng nhà anh Trung.
Sầu riêng nhà anh chủ yếu là giống sầu riêng Dona, được trồng 2 đợt vào năm 2004 và năm 2011. Hiện vườn có hơn 120 cây ra quả ổn định và đã được gắn chíp trên mỗi thân cây nhằm phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Anh Trung cho hay, khi biết thông tin về việc chính quyền sẽ hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn người dân thực việc truy xuất nguồn gốc sầu riêng anh rất mừng bởi đây là xu thế chung của xã hội. Khi sầu riêng Krông Pắc có thương hiệu vùng miền sẽ đủ điều kiện để xuất khẩu theo đường chính ngạch. Người dân an tâm về đầu ra sản phẩm, giá cả có thể cao và ổn định hơn so với việc phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái rất bấp bênh và dễ bị ép giá.
Năm 2018, vườn sầu riêng nhà cho thu hoạch khoảng 15 tấn bán với giá 70 nghìn đồng/kg. Hiện vườn cây còn hơn 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch song anh Trung lo lắng đầu ra cho sản phẩm. Theo thông tin anh nắm được tại các tỉnh như miền Đông Nam Bộ, Đắk Nông, Lâm Đồng... đang vào mùa thu hoạch sầu riêng nhưng thương lái thu mua chậm, giá dao động ở mức 40-50 nghìn đồng/kg, thấp hơn so với năm trước. Anh mong sớm hoàn tất quy trình truy xuất nguồn gốc để kịp cho vụ thu hoạch sắp tới.
Tương tự, ông Hồ Sỹ Linh (trưởng thôn Tân Nam, xã Ea Kênh) cũng đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc cho vườn sầu riêng rộng 1,2 ha trồng từ năm 2013-2015. Tháng 3/2019, 40 cây sầu riêng Dona của gia đình đã được gắn chíp điện tử truy xuất nguồn gốc.
Ông Linh chia sẻ, loại chíp này gắn chặt trên từng thân cây sầu riêng, có tuổi thọ lên tới 5 năm. Mỗi con chíp có ký hiệu cụ thể về tên hộ trồng, mã số cây, độ tuổi... và đã gắn vào cây nào rồi thì không thể gỡ ra nên rất khó làm giả, làm nhái mạo danh sản phẩm. Chưa kể mã tem dán lên quả sầu riêng khi thu hoạch cũng được làm riêng cho từng con chíp cụ thể.
Vậy nên khi sản phẩm xuất ra thị trường, đơn vị thu mua, người tiêu dùng... dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ vùng miền của từng quả sầu riêng bằng chiếc điện thoại thông minh có cài phần mềm soi mã vạch.
Ông Linh có 40 cây sầu riêng gắn chíp điện tử truy xuất nguồn gốc.
Toàn huyện Krông Pắc có gần 2.000 ha sầu riêng cho thu hoạch. Những năm gần đây, diện tích cây trồng mới đều tăng trung bình khoảng 200 ha/năm, chủ yếu trồng xen canh.
|
Xác định gắn bó lâu dài với cây sầu riêng, tháng 6/2019, ông Linh tiếp tục tham gia lớp tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với mong muốn tạo ra sản phẩm đúng tiêu chí sạch, ngon, chất lượng.
Thấy được lợi ích lâu dài của việc truy xuất nguồn gốc sầu riêng, ông Linh đã vận động được 31 hộ trong thôn đăng ký tham gia. Hiện thôn Tân Nam đã có 9 hộ dân được lập thành 1 nhóm chuẩn bị tiến hành chụp vệ tinh lấy mã vùng.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc, từ tháng 3/2019 Phòng đã phối hợp UBND các xã, thị trấn và Công ty TNHH Thương mại Truyền thông Kenit để xây dựng và thực hiện kế hoạch thiết lập cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sầu riêng. Hiện có 310 hộ dân ở 2 xã Ea Yông và xã Ea Kênh đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc cho gần 27 nghìn cây sầu riêng, tương đương hơn 387 ha. Tháng 6 vừa qua, Phòng cũng đã mở thêm 2 lớp tập huấn VietGAP trên cây sầu riêng cho hơn 230 hộ dân.
"Việc triển khai truy xuất nguồn gốc sầu riêng bước đầu được người dân đồng tình ủng hộ. Bởi đây là việc làm mới của Nhà nước giúp nhà nông đi đúng theo chương trình mục tiêu quốc gia về chuỗi liên kế...", ông Đoàn Doãn Toản, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc cho biết.