Thoát nghèo nhờ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP (22/12/2023)

Mạnh dạn trong cách nghĩ, đổi mới cách làm, nhiều HTX ở tỉnh Thái Nguyên đã quyết định phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP. Các HTX đã thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị liên kết, mang lại hiệu quả cao, giúp thành viên và các hộ dân liên kết thoát nghèo.

Việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi với hiệu quả tiết kiệm chi phí, bảo vệ sức khoẻ người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng, đặc biệt gia tăng niềm tin với nông sản sạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi.

Mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương, xã Động Đạt, huyện Phú Lương là một trong những đơn vị tiêu biểu cho việc chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc HTX chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương chia sẻ, năm 2020, anh thành lập HTX với 8 thành viên tham gia, chủ yếu nuôi chim bồ câu với số lượng lớn.

"Qua tự học và giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, đến nay, tôi và các thành viên đã cơ bản nắm rõ kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp. Tôi nhận bao tiêu sản phẩm cho mọi người và việc tiêu thụ hiện rất thuận lợi. Chúng tôi kiên trì sản xuất sạch để được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, về lâu dài sẽ xây dựng lò mổ, làm thương hiệu để nâng cao giá trị và chủ động hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm", anh Tuấn cho hay.


HTX đã thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị liên kết, mang lại hiệu quả cao, giúp bà con nông dân thoát nghèo.

Để tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu với các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh và một số địa phương lân cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Giám đốc Hoàng Anh Tuấn cho biết, sản phẩm của HTX đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có đầy đủ thủ tục đăng ký, tem nhãn và đeo vòng truy xuất nguồn gốc xuất xứ nên được các đối tác tin tưởng, lựa chọn.

Để đảm bảo chất lượng và giữ mối liên kết, HTX luôn tuân thủ các quy định về an toàn trong chăn nuôi, đảm bảo chuồng trại thông thoáng, có lịch phun khử trùng khu vực chăn nuôi hằng tuần, tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi để phòng bệnh. HTX cũng cam kết, chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, đồng thời tổ chức tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật cho các thành viên để chăn nuôi đảm bảo chất lượng.

Với tiêu chí đó, đi vào hoạt động hơn 3 năm nhưng HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương đã xuất bán ra thị trường khoảng 40.000 con chim bồ câu thương phẩm và tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hoàng Văn Nhân, thành viên HTX chia sẻ: "Sau khi tham gia HTX, tôi được đi tham quan, chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nuôi chim bồ câu trong và ngoài tỉnh. Đến nay, tôi và các thành viên đã nắm rõ kỹ thuật chăn nuôi và nhân rộng đàn chim bồ câu của gia đình lên 800 đôi chim bố mẹ. Cũng từ khi tham gia vào HTX, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, do vậy kinh tế gia đình cũng ổn định hơn. Chúng tôi kiên trì sản xuất an toàn để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm của HTX".

Thay đổi về tư duy sản xuất

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình kể, trước đây, ông là thành viên của HTX gà đồi Đông Thịnh chuyên sản xuất gà thịt cung cấp ra thị trường. Đến tháng 3/2022, với mong muốn xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường, ông đã quyết định tách ra và thành lập HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú.

"Hiện nay, HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú chuyên về chăn nuôi gà đẻ trứng, chế biến và bảo quản các sản phẩm từ gà thịt. Trong đó, sản phẩm trứng gà ri thả đồi là sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP. Đây cũng chính là sản phẩm của HTX được đề cử tham chương trình sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 6 năm 2023", ông Tuyên chia sẻ.

Với quy mô 9.000 con gà mái đẻ như hiện nay, trung bình mỗi ngày, HTX thu được khoảng 7.000 quả trứng các loại.

Năm 2023, ước tính doanh thu của HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú đạt gần 900 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 7 – 8 triệu đồng/người/tháng. Ông Tuyên kỳ vọng năm nay, sản phẩm trứng gà VietGAP của HTX sẽ được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên, để sản phẩm có cơ hội vươn xa hơn nữa trên thị trường. Đồng thời, trong năm 2023, HTX định hướng sẽ đăng ký tham gia đánh giá phân hạng OCOP đối với sản phẩm trứng gà VietGAP này.


Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, giúp xóa đói, giảm nghèo.

Cũng theo ông Tuyên, mô hình nuôi gà đẻ trứng của HTX đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nâng cao thu nhập cho các thành viên và nông dân tại địa phương, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã Tân Khánh nói riêng và huyện Phú Bình nói chung.

Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn VietGAP còn giúp nâng cao trình độ, nhận thức của bà con về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần đẩy mạnh sản xuất trứng gà thương phẩm chất lượng cao, hướng tới xây dựng những vùng sản xuất tập trung trứng gà thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Tạo niềm tin cho người chăn nuôi

Ông Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, những năm gần đây, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP tạo ra các sản phẩm có chất lượng sạch, mẫu mã đẹp… đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, các HTX ngày càng phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.

Nhiều hộ dân trong tỉnh đã ứng dụng thành công mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín, áp dụng quy trình tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP), đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 800 trang trại chăn nuôi, hầu hết các trang trại, HTX, hộ chăn nuôi đã sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, hướng hữu cơ và đã có hơn 70 trang trại được chứng nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP..

Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua công tác giám sát cho thấy các mô hình chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thành công đã mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt là giúp người dân nâng cao ý thức trong việc tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đây cũng là hướng đi mang tính bền vững cho lĩnh vực chăn nuôi nhằm hướng đến thị trường xuất khẩu chính ngạch sau này.

Khi HTX nông nghiệp có chứng nhận VietGAP sẽ tạo niềm tin cho đối tác, khách hàng trong liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Vì đây là bằng chứng thiết thực về an toàn thực phẩm và là lời cam kết về chất lượng sản phẩm của HTX đối với đối tác, khách hàng. Từ đó xây dựng được niềm tin, tạo dựng được thương hiệu cho HTX thông qua chất lượng sản phẩm của HTX. HTX có thể cạnh tranh giá trị sản phẩm trên thị trường và tất yếu tăng doanh thu, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

 

Theo vnbusiness.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 118
Tổng truy cập: 39349354