Để khai thác hiệu quả kinh tế từ lợi thế có tổng đàn gia cầm nhiều nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với trên 17 triệu con, thời gian qua, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Tiền Giang phối hợp với các cơ sở chăn nuôi gia cầm áp dụng quy trình chăn nuôi đạt chuẩn VietGAP và đến thời điểm này đã có 13 cơ sở được chứng nhận, với tổng đàn 830.600 con.
Trại gà đạt chuẩn VietGAP sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh và dễ dàng tham gia các kênh tiêu thụ trực tuyến, hướng đến xuất khẩu.
Cùng với con giống chất lượng cao, sạch bệnh, các cơ sở chăn nuôi gia cầm VietGAP phải đáp ứng các yêu cầu về chuồng trại xa khu dân cư, được thẩm định đạt chuẩn môi trường, kết hợp với tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý vật tư đầu vào, quá trình sản xuất, sản phẩm đầu ra, dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm vacxin phòng các bệnh nguy hiểm trên gia cầm, từ đó giảm được tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là một quy định quan trọng trong chăn nuôi VietGAP.
Tuy nhiên, số cơ sở chăn nuôi gia cầm đạt chuẩn VietGAP còn khiêm tốn so với tổng đàn hiện có. Chính vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi mạnh dạn áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP để không những kiểm soát tốt dịch bệnh, mà còn dễ dàng tham gia các kênh tiêu thụ trực tuyến và hướng đến xuất khẩu./