Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP: Hướng phát triển bền vững (08/01/2025)

Những năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, qua đó góp phần hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất.


Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn cùng thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm nghiệp Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn kiểm tra cầu ong mật.

Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi. Những năm qua, từ các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, người chăn nuôi còn gặp khó khăn do dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp; các sản phẩm VietGAP trong chăn nuôi còn hạn chế. Do vậy, đơn vị chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tích cực hỗ trợ

Năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai hỗ trợ xây dựng 2 mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP cho 2 tổ hợp tác chăn nuôi gà trên địa bàn xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng với quy mô 30.000 con. Để thực hiện mô hình, chi cục đã tổ chức khảo sát, lựa chọn các hộ, cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chí theo mô hình. Sau khi lựa chọn các hộ, cơ sở đủ điều kiện, chi cục phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai các lớp tập huấn, đào tạo cho các hộ thực hiện chăn nuôi theo quy trình VietGAP với các nội dung như: quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi; đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; hướng dẫn ghi sổ nhật ký chăn nuôi… Qua đó, các hộ tham gia mô hình nắm được cách bố trí các khu vực phụ trợ, kỹ thuật chăn nuôi, cách chăm sóc phòng trừ dịch bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả đạt cao nhất.

Là một trong những hộ tham gia mô hình chăn nuôi gà theo quy trình VietGAP, ông Triệu Văn Quyển, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng cho biết: Năm 2022, sau khi được lựa chọn tham gia mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi được cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn quy trình kỹ thuật đảm bảo theo tiêu chuẩn như: xây dựng các khu để thức ăn chăn nuôi, thuốc riêng biệt; ghi chép sổ theo dõi chăn nuôi hằng ngày; kỹ thuật chăm sóc, phát hiện và phòng trị bệnh… Nhờ đó, tôi có kiến thức và ứng dụng quy trình được hướng dẫn vào sản xuất. Quy trình nghiêm ngặt nên từ cách làm đó, đàn gà của gia đình phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra.

Để hướng tới mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, sau khi thực hiện mô hình tại xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng, năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn xây dựng mô hình và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 2 hợp tác xã chăn nuôi gà và vịt cổ xanh gồm: Hợp tác xã Thành Lộc (huyện Lộc Bình), Hợp tác xã Nông nghiệp Bắc Lãng (huyện Đình Lập) với quy mô 34.500 con. Qua 6 tháng triển khai, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp chứng nhận VietGAP cho 2 hợp tác xã trên.

Không chỉ ở huyện Hữu Lũng, Lộc Bình và Đình Lập, đến tháng 3/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục hỗ trợ triển khai 2 mô hình nuôi ong lấy mật theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Bắc Sơn và huyện Cao Lộc với quy mô hơn 700 đàn ong với 2 hợp tác xã tham gia.

Tại các mô hình, chi cục đều triển khai các lớp tập huấn, đào tạo thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Các cơ sở chăn nuôi đều đảm bảo yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn VietGAP theo quy định và được chi cục cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Như vậy, tính từ năm 2022 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã hỗ trợ 6 mô hình chăn nuôi ứng dụng theo tiêu chuẩn VietGAP tại 5 huyện. Từ mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực.


Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn (áo xanh bên phải) trao chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã Thành Lộc, huyện Lộc Bình.

Hiệu quả thực hiện mô hình

Theo đánh giá của đơn vị thực hiện, qua hỗ trợ thực hiện mô hình, các hộ dân tại các cơ sở tham gia mô hình đã nắm được quy trình sản xuất chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại hiệu quả tích cực, hạn chế tối đa dịch bệnh trên đàn vật nuôi, sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường cao.

Ông Lý Minh Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Thành Lộc, huyện Lộc Bình cho biết: Năm 2023, hợp tác xã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hỗ trợ và trao chứng nhận VietGAP chăn nuôi. Theo đó, đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi. Từ khi có giấy chứng nhận VietGAP, thị trường tiêu thụ sản phẩm gà thịt của hợp tác xã ngày càng được mở rộng và ổn định (chủ yếu là hệ thống cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch tại thành phố Hà Nội), quy mô chăn nuôi vì thế cũng tăng lên. Trong năm 2024, hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 100 tấn thịt gà (tăng 20 tấn so với năm 2023), giá trị đạt trên 10 tỷ đồng.

Hiện nay, không chỉ duy trì thực hiện ứng dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, các hợp tác xã được hỗ trợ đã chủ động mở rộng quy mô sản xuất. Điển hình là Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm nghiệp Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn. Tháng 3/2024, khi tham gia mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi, hợp tác xã có 420 đàn ong, đến nay, số lượng đàn ong của hợp tác xã đã tăng lên khoảng 500 đàn.

Ông Dương Hữu Lợi, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm nghiệp Tân Thành cho biết: Tháng 3/2024, hợp tác xã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn chăn nuôi ong theo tiêu chuẩn VieGAP. Nhờ đó, các thành viên hợp tác xã đã nắm được các tiêu chuẩn, điều kiện chăn nuôi ong theo hướng VietGAP. Các thành viên hợp tác xã đã bố trí khu vực để các thùng ong tại nơi gần nguồn thức ăn, nước sạch, đảm bảo cách xa trường học, nơi đông người qua lại, khu chế biến sản phẩm chăn nuôi, bệnh viện và xa hệ thống kênh mương thoát nước thải; cùng đó, tiến hành khai thác mật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, theo đúng quy định… Đến tháng 8/2024, hợp tác xã đã đạt chứng nhận nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi áp dụng theo hướng chăn nuôi này, chất lượng mật ong được nâng cao hơn, thị trường tiêu thụ rất ổn định, sản phẩm mật ong sản xuất ra không đủ cung ứng cho thị trường. Do đó, đến hết năm 2024, các thành viên hợp tác xã đã nhân đàn từ 420 đàn lên 500 đàn. Dự kiến bước sang năm 2025, hợp tác xã tiếp tục mở rộng tăng lên 1.000 đàn ong.

Ông Phạm Bá Hạnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Mô hình áp dụng chăn nuôi ong mật theo tiêu chuẩn VieGAP của Hợp tác xã Dịch vụ Nông, lâm nghiệp Tân Thành đã đem lại hiệu quả tích cực. Để góp phần phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn huyện, thời gian tới, từ hiệu quả mô hình của hợp tác xã, đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền người chăn nuôi tích cực mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hoạt động thực hiện hỗ trợ chứng nhận VietGAP chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được chi cục đưa vào nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của đơn vị. Trong 3 năm trở lại đây, chi cục đã hỗ trợ chứng nhận cho 6 cơ sở chăn nuôi về lĩnh vực: chăn nuôi gà, vịt cổ xanh, ong mật. Việc chăn nuôi theo quy trình VietGAP là xu thế tất yếu trong chăn nuôi nói chung và trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng, giúp người chăn nuôi hạn chế tối đa dịch bệnh, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian tới, chi cục tiếp tục hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh việc chăn nuôi an toàn, góp phần hiệu quả trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Việc hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP đã bước đầu thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, giúp người dân tiếp cận với các tiêu chuẩn trong chăn nuôi theo quy trình VietGAP, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững. 

Theo CÁT TIÊN/ Báo Lạng Sơn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 159
Tổng truy cập: 39956962