Năm 2021, gia đình ông Phạm Ngọc Sáng, chủ Nông trại Thuận Minh Farm, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân đã quyết định đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín theo hướng VietGAP, mỗi lứa chăn nuôi trên 200 con lợn thương phẩm và duy trì 10 lợn nái.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, gia đình đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP. Từ con giống, thức ăn, nước uống, vệ sinh thú y, xử lý chất thải và ghi chép sổ sách đều được Nông trại áp dụng nghiêm ngặt. Nhờ đó, trong hơn 4 năm qua, đàn lợn trong Nông trại luôn an toàn dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ tiêu thụ. Năm 2023, trại chăn nuôi lợn của nông trại đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, qua đó sản phẩm lợn hơi của nông trại đã có chỗ đứng vững trên thị trường, đem lại giá trị kinh tế cao.

Chị Phạm Thị Hương, Nông trại Thuận Minh Farm, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu sản xuất VietGAP, nông trại chúng tôi nghiêm ngặt ngay từ khâu lựa chọn con giống, nguyên liệu thức ăn gia súc, chúng tôi hoàn toàn 100% từ nguyên liệu tư nhiên như thân cây chuối, ngô, bèo, đậu tương xay nhỏ ra để làm thức ăn cho gia súc, qua đó chất lượng đã đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và được người tiêu dùng tin tưởng".
Hiện nay, Thanh Hóa có 584 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, trong đó có khoảng 75% số trang trại sản xuất theo quy trình VietGAP. Để đảm bảo quy trình này, các chủ trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã đã tuân thủ chặt chẽ từ khâu đầu tư chuồng trại, quản lý con giống, thức ăn chăn nuôi và các điều kiện đảm bảo khác nhằm đảm bảo sức khoẻ an toàn cho vật nuôi và đảm bảo môi trường chung. Từ đó, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đến tay người tiêu dùng.

Ông Trịnh Văn Tuyên, khu phố 5, phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Gia đình tuyệt đối tuân thủ theo những biện pháp an toàn sinh học tối đa nhất, hạn chế các phương tiện vào trại, công nhân sinh hoạt tại chỗ. Tiêu độc khử trùng, sát trùng theo quy định của trại đề ra làm sao cho an toàn nhất, hạn chế tối đa khả năng nhiễm bệnh từ bên ngoài vào, khi mình làm an toàn sinh hoạt tốt thì bệnh tật giảm đi nhiều, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn lợn". Ông Trần Văn Chung, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để thực hiện quy chuẩn chăn nuôi VietGAP, tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm có chất lượng đồng thời quản lý tốt khâu dịch bệnh, qua đó tạo ra giá trị sản phẩm được nâng lên, tạo sự cạnh tranh trên thị trường giá cả cho bà con chăn nuôi".

Nhằm hướng tới sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt vào sản xuất, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Đây là hướng đi quan trọng nhằm góp phần thực hiện kế hoạch hành động của tỉnh Thanh Hoá về chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn với mục tiêu đến năm 2030 theo hướng tập trung, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm.