Hệ thống chuồng trại 1.500 m2 của anh Nguyễn Tấn Phong nuôi 5.000 con gà, cho thu nhập 300 triệu đồng/năm
Làm giàu không khó
"Cơ duyên" của con gà ta Gò Công đến từ năm 2008, khi kỹ sư Nguyễn Quốc Kiệt, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản Gò Công nghiên cứu đề tài “Lai tạo giống gà mới tại Gò Công”, tên thương mại là gà ta Gò Công và gửi đề tài tham dự “Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VII”.
Đầu năm 2009, sau khi đầu tư mở rộng và nâng cấp toàn bộ cơ sở chuồng trại và quy mô năng lực SX gà giống, HTX đã xây dựng trang trại theo tiêu chuẩn “Thương hiệu Việt” và chính thức được cấp giấy chứng nhận. Kể từ đó, đời sống của hàng trăm hộ dân chăn nuôi gà của địa phương ngày càng phát triển với những bước đi bền vững.
Như bao gia đình khác trong vùng, gia đình anh Nguyễn Tấn Phong, ấp Bồ Đề, xã Kiểng Phước trước đây cũng làm lúa, loay hoay với bao nhiêu thứ nghề nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn, còn việc vươn lên làm giàu là điều anh chưa dám nghĩ tới.
“Gia đình tôi cả thảy có 4 người, được bố mẹ chia cho gần 6 công ruộng rồi ra ở riêng. Với từng ấy đất, dù hai vợ chồng cố gắng chăm chỉ làm lúa nhưng mỗi năm cũng chỉ cho thu lời chừng chục triệu bạc. Để có thêm đồng tiền trang trải cho kinh tế gia đình, tôi phải đi làm thêm nghề điện dân dụng, còn vợ thì phải chạy vạy buôn bán phụ thêm mới mong chăm lo đủ cho hai đứa con ăn học”, anh Phong tâm sự.
Rồi từ năm 2008, anh Phong tìm đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi gà ta Gò Công của HTX Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản Gò Công và mạnh dạn chuyển đổi gần 1.500 m2 đất làm lúa kém hiệu quả sang đầu tư chuồng trại để nuôi gà.
Trong đó một nửa diện tích xây dựng hệ thống chuồng trại, nửa còn lại được anh thiết kế làm sân chơi cho gà. Kể từ khi chuyển sang nuôi gà ta Gò Công, năm nào gia đình anh Phong cũng thu lãi “khủng”. Cụ thể liên tiếp 3 năm qua, anh Phong thả nuôi 3 vụ gà/năm, mỗi vụ hơn 5.000 con, thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Đây là con số thu nhập trước đây có nằm mơ anh Phong cũng không bao giờ dám nghĩ tới. Nhờ việc chăn nuôi có hiệu quả, đến nay anh Phong đã cất được một căn nhà mới rất khang trang, các con anh được đi học tới nơi tới chốn.
Cách đó không xa, gia đình anh Đặng Văn Tơn, ấp Hưng Thạnh, xã Long Hưng nhờ chăn nuôi gà ta cũng đã vươn lên làm giàu một cách ngoạn mục. Chỉ vỏn vẹn có trong tay 2.000 m2 đất, anh Tơn mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi con gà ta Gò Công với quy mô nuôi ban đầu chỉ 500 con.
Hệ thống lò ấp trứng, lò nở tự động của HTX Chăn nuôi, thủy sản Gò Công
“Thời gian đầu, do không ít vốn nên tôi chỉ dám nuôi thử, nhưng với thành công ngoài mong đợi tôi không ngừng mở rộng thêm quy mô chăn nuôi. Đến thời điểm hiện tại tôi cũng đã có được đàn gà gần 5.000 con, cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm”, anh Tơn nói.
Hướng đến VietGAP, ổn định đầu ra
Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà ta Gò Công đang có sự tan tỏa mạnh mẽ sang các xã lân cận của huyện Gò Công Đông.
Ông Nguyễn Quốc Diệp - Phó Giám đốc HTX chăn nuôi thủy sản Gò Công cho biết: Sau hơn 5 năm gà ta Gò Công có mặt trên thị trường, đến nay mô hình chăn nuôi này đang thực sự phát triển mạnh. Hiện trên địa bàn thị xã và các xã lân cận của huyện Gò Công Đông đã có hàng trăm hộ nuôi gà ta Gò Công thương phẩm. Riêng HTX Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản Gò Công có 48 xã viên với quy mô chăn nuôi mỗi lứa lên đến 100.000 con gà thịt, mỗi ngày cung cấp ra thị trường 1.000 con gà thịt thương phẩm.
Hiện tại, HTX đã kí kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho tất cả bà con xã viên với Cty TNHH Sang Hà. Như vậy, việc tìm đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm thì tất cả xã viên điều đã an tâm. Trong thời gian tới, HTX sẽ tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi chưa là xã viên sẽ được tham gia vào HTX để hướng đến việc chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP.
Để làm được điều đó, ngay từ khâu SX con giống, HTX đã đầu tư hệ thống 4 lò ấp trứng với quy mô 19.200 trứng/lò và một lò nở với tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi được hướng dẫn chi tiết từ khâu thiết kế chuồng trại hợp lý, vệ sinh khử trùng tiêu độc, quản lý chất thải, sổ tay ghi chép hàng ngày, lưu trữ hồ sơ đầy đủ. Hệ thống chuồng trại của các thành viên trong HTX đều được quy hoạch xây dựng đảm bảo yêu cầu, kỹ thuật theo kinh nghiệm và tiến bộ KHKT hiện đại.
HTX còn xây dựng được mạng lưới cán bộ thú y rất vững mạnh với 3 cán có trình độ đại học, 10 cán bộ có trình độ trung cấp về thú y. Qua đó, HTX thường xuyên có sự kiểm tra của những cán bộ chuyên môn về thú y nhằm kiểm soát dịch bệnh kịp thời và có biện pháp giúp đàn gà sinh trưởng và phát triển đạt hiệu quả cao.