Bệnh không gây chết hàng loạt nên người chăn nuôi thường hay chủ quan. Khi lợn mắc bệnh thường còi cọc, chậm lớn, ăn nhiều nhưng không tăng trọng… gây thiệt hại đến năng suất đàn.
Qua nhiều mô hình trình diễn, khi giám sát, theo dõi và chỉ đạo kỹ thuật cho người nuôi, chúng tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm về cách phòng trị bệnh suyễn lợn để bà con tham khảo:
- Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh: Bệnh suyễn do vi khuẩn MH là trung gian giữa vi khuẩn và virus gây nên, có khả năng biến đổi ngoại hình liên tục. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp (ho, hắt hơi).
Lợn bị bệnh có nhiều dịch nhầy trên đường hô hấp (chảy nước mũi) tạo điều kiện cho nhiều mầm bệnh khác xâm nhập gây bệnh lợn. Ngoài ra tùy thuộc vào cơ địa vật nuôi mầm bệnh có thể gây ra bệnh viêm phế quản, viêm phổi dẫn đến teo phổi và tử vong.
- Triệu chứng và bệnh tích: Tùy vào cơ địa của vật nuôi mà bệnh thường có 4 thể sau:
+ Thể cấp tính (thường xảy ra trên lợn hơn 2 tháng tuổi): Lợn có biểu hiện sốt cao, nằm ủ rũ, ho (thường ho vào sáng sớm hoặc chiều muộn). Bệnh nặng làm vật nuôi ho cả ngày. Lợn thở mạnh, thở bằng bụng đến hóp bụng, ngồi thở như chó ngồi. Lợn chảy nước mũi do nhiều dịch nhày. Lợn có thể bị chết do suy kiệt, khó thở.
Vệ sinh chuồng trại cho lợn nuôi.
+ Thể thứ cấp: Thường xảy ra ở lợn con theo mẹ hoặc lợn mẹ đang cho con bú. Triệu chứng chủ yếu là ho, khó thở, há mồm ra thở.
+ Thể mạn tính: Xảy ra ở hầu hết các lứa tuổi lợn, triệu chứng chủ yếu là ho, khó thở, hắt hơi, thở khò khè.
+ Thể ẩn tính: Đối tượng chủ yếu là lợn vỗ béo hay lợn đực giống. Triệu chứng chủ yếu là ho, ho khàn. Đây là thể người nuôi rất khó có thể chẩn đoán bệnh, tuy nhiên mầm bệnh vẫn được phát tán ra môi trường nên có nguy cơ lây lan rất cao.
Bệnh tích: Hạch phổi có hiện tượng viêm sưng to hơn bình thường, có thể viêm rìa phổi, từng thùy phổi, không giống các bệnh khác gây xuất huyết toàn bộ phổi( bệnh dịch tả) hay có lớp màng màu đen bám dính với sườn(bệnh viêm phổi dính sườn)… Đặc điểm nổi bật của bệnh suyễn là các thùy phổi bị viêm ở 2 bên phổi đối xứng giống nhau.
- Phòng và trị bệnh:
+ Phòng bệnh: Cần vệ sinh chuồng trại thường xuyên và luôn giữ ấm, khô ráo, phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần, kiểm soát nguồn gốc vật nuôi và vật nuôi ốm… Thường xuyên bổ sung vitamin, điện giải, men tiêu hoá để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Đảm bảo mật độ nuôi phù hợp.
Sử dụng vacxin phòng bệnh:
Tiêm phòng định kì cho lợn sơ sinh, lợn nái và lợn hậu bị. Tốt nhất nên tiêm vacxin suyễn cho lợn sau sinh 7 - 10 ngày tuổi. Đối với lợn hậu bị tiêm phòng trước khi nhập lợn về trại.
+ Điều trị: Cần kiểm soát tốt lợn ốm, lợn có biểu hiện bệnh, cách ly những lợn bị ho, khó thở để giảm tỷ lệ lây lan. Sử dụng một trong các kháng sinh trộn vào thức ăn cho cả toàn đàn. Kháng sinh có hiệu lực cao là một trong các loại sau: Doxytylan (1kg/800 - 100kg thức ăn); Flopheniol (1kg/800 - 100 kg thức ăn); Tylosin với liều 10 - 20 mg/kg TT…
Đối với những con lợn bị bệnh có thể áp dụng một số cách sau để điều trị: Dùng thuốc Gentatylosin (1ml/8 - 10 kg thể trọng) + Dexa (1ml/10kg thể trọng) tiêm liên tục 3 - 5 ngày. Hoặc dùng Flotylan (1ml/10 - 12 kg thể trọng, tiêm cách nhật liên tục 3 - 4 mũi. Hay sử dụng Lincospectin hoặc thuốc Tylan(1ml/10kg thể trọng) tiêm liên tục 3 - 5 ngày.
Ngoài ra nếu lợn có triệu chứng khó thở, kém ăn nên tiêm bổ sung thêm Bromhexin (1ml/10kg thể trọng) + Glucokc namin (1ml/10kg thể trọng).
* Chú ý: Lợn bị bệnh suyễn có triệu chứng khó thở thì khi tiêm người nuôi không nên đuổi bắt lợn, cần nhẹ nhàng ép lợn vào tường để tiêm. Vì nếu như lợn vận động quá sức thì có thể bị chết ngay ở trong chuồng.