* Chỉ có 10kg/9 tấn Salbutamol NK về được sử dụng đúng mục đích
Từ kết quả này, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung tấn công vào 2 lĩnh vực còn nhức nhối về vệ sinh ATTP khác là dư lượng kháng sinh và thuốc BVTV.
Ngày 3/3, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến cùng các tỉnh/thành cả nước đánh giá tổng kết đợt cao điểm hành động vệ sinh ATTP cuối năm 2015, đầu năm 2016. Vấn đề kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi là một trong 4 nội dung quan trọng mà Bộ NN-PTNT đặt ra trong đợt cao điểm này đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Sau gần 4 tháng ra quân, hàng loạt vụ DN sử dụng chất cấm trong SX thức ăn chăn nuôi, cùng nhiều đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được cơ quan Công an (Cục Cảnh sát Môi trường – C49, Bộ Công an) kết hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT và các địa phương điều tra, phát hiện và xử lý mạnh tay.
Đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng phòng 5 (C49) đánh giá: Qua công tác trinh sát, đến thời điểm này có thể khẳng định tất cả các đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm đã cơ bản được khống chế, trong đó các NM sản xuất thức ăn chăn nuôi gần như 100% không còn dám sử dụng chất cấm nhóm Beta-agonist và Vàng O.
Tuy nhiên, việc sử dụng chất cấm cũng ngày càng tinh vi, mánh khóe, luồn sâu về các vùng sâu vùng xa, vùng miền núi bằng các chiêu thức như khuyến mãi kèm theo thức ăn và hứa sẽ mua sản phẩm với giá cao hơn bình thường khiến người chăn nuôi kém hiểu biết bị lợi dụng.
Cũng theo ông Thông, vừa qua, C49 đã làm việc với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) để làm rõ đường đi của chất cấm Salbutamol được các DN ngành y tế NK về Việt Nam. Qua đó cho thấy từ năm 2014-2015, đã có khoảng hơn 9 tấn Salbutamol được các DN ngành y tế NK về Việt Nam.
Chất cấm trong chăn nuôi đã tạm thời yên ắng
Điều đáng ngại là số lượng Salbutamol được sử dụng đúng mục đích cho phép trong ngành y tế chỉ khoảng 10kg, vô cùng nhỏ bé so với lượng Salbutamol đã NK về. Theo tổng hợp điều tra, trong số 9 tấn Salbutamol đã NK về trong 2 năm qua, hiện trong kho của các DN chỉ còn khoảng 3 tấn, còn lại hơn 6 tấn đã được tiêu thu ra thị trường. Hiện C49 đã đề nghị Bộ Y tế ngừng hoàn toàn việc cho phép NK Salbutamol về Việt Nam để tiếp tục điều tra.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Kết quả giám sát đến nay cho thấy 100% cơ sở SX thức ăn chăn nuôi không còn sử dụng chất cấm nữa.
Hai nhiệm vụ trọng tâm Kiểm soát chặt kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản và thuốc BVTV độc hại sẽ là hai nhiệm vụ trọng tâm phải quyết liệt triển khai. Vấn đề kháng sinh mặc dù sẽ phức tạp hơn với chất cấm, tuy nhiên tôi cho rằng chúng ta sẽ làm được. Đối với vấn đề dư lượng thuốc BVTV, vẫn còn trăn trở, nhất là trên rau, trái cây. Hiện hơn 100 đơn vị gia công, SX thuốc BVTV trong nước chúng ta hoàn toàn có thể giám sát, tuy nhiên thuốc trôi nổi thị trường từ nhập lậu chính là thuốc độc hại. Trong 4 tháng tới, phải ngăn chặn bằng được thuốc BVTV nhập lậu, thuốc giả, kém chất lượng. Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Công thương, Công an sẽ cùng nhau hội ý kỹ, chi tiết về kế hoạch hành động cụ thể.
|
Tuy nhiên, theo báo cáo hiện có 6 tấn Salbutamol đã tung ra thị trường với mục đích ngoài sử dụng cho y tế. Vì vậy thời gian tới, Bộ NN-PTNT phối hợp với cơ quan chức năng sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc NK chất cấm, nhất là Salbutamol đang trôi nổi trên thị trường có nguy cơ bị sử dụng lén lút nên sẽ phải kiểm soát chặt, nhất là tại các trang trại.
Theo Bộ trưởng, cùng với việc tiếp tục duy trì chế độ kiểm tra, giám sát đột xuất đối với các NM thức ăn chăn nuôi, trong 4 tháng tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với C49 và các địa phương tiếp tục đặt trọng tâm vào việc kiểm tra, giám sát các trang trại.
“Các địa phương phải xây dựng kế hoạch chi tiết, thống kê toàn bộ các trang trại và khoanh vùng các điểm có nguy cơ cao để kiểm tra, lấy mẫu giám sát chứ không làm dàn trải, vu vơ. Nếu phát hiện có chất cấm thì phải truy ngược tới nơi về NM thức ăn xem nguồn gốc chất cấm ấy từ đâu ra để truy quét tận gốc đường dây”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, năm 2016, đặc biệt là 4 tháng tới đây, bên cạnh việc tiếp tục duy trì kiểm tra, kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp sẽ đặt trọng tâm vào việc kiểm soát dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Bởi tình trạng sử dụng kháng sinh hiện cũng vô cùng nguy hiểm không kém chất cấm, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân mà đang cản trở XK nông sản.
“Thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều lô hàng XK bị trả về do tồn dư kháng sinh. Vì vậy, đây sẽ là vấn đề mà ngành nông nghiệp sẽ quyết liệt ngăn chặn tương tự như đã truy quét với vấn nạn chất cấm”, Bộ trưởng cho biết.
Đánh giá sự chuyển biến tích cực về kiểm soát chất cấm chăn nuôi sau đợt cao điểm, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT cho rằng, sự vào cuộc quyết liệt của C49 – Bộ Công an, cùng với việc tăng cường hình thức thanh, kiểm tra đột xuất, kết hợp với công tác trinh sát, điều tra của lực lượng công an là yếu tố vô cùng quan trọng.
Vì vậy trong đợt cao điểm chấn chỉnh việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sắp tới, các địa phương cần tập trung 70% nguồn lực cho việc thanh kiểm tra đột xuất, đồng thời phối hợp chặt với lực lượng công an để trinh sát, điều tra.
Chất cấm bị phát hiện
Cũng theo ông Việt, bên cạnh một số tỉnh tuyên chiến quyết liệt với vấn nạn chất cấm, một số địa phương vẫn còn khá thờ ơ. Ông Nguyễn Phước Trung, GĐ Sở NN-PTNT TP.HCM cũng cho rằng, hình như một số tỉnh cung cấp nông sản cho TP.HCM đang phó mặc hết trách nhiệm cho TP.HCM.
“Khi truy xuất ra nguồn gốc lợn dính chất cấm, TP.HCM đã nghiêm túc phản hồi cho tỉnh bạn, nhưng một số tỉnh rất thờ ơ, hoặc rất chậm vào cuộc điều tra”, ông Trung phản ánh.
Về giải pháp hành động:
Một là thông tin truyền thông, các địa phương phải có kế hoạch cụ thể. Có ý kiến cho rằng thời gian qua, chúng ta truyền thông quá mức về mặt tiêu cực trong ATTP, nhưng về cơ bản truyền thông nêu là chính xác, cần tiếp tục phát huy và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng đưa thông tin chính xác cho nhân dân.
Quan điểm của Bộ NN-PTNT là nhân dân có quyền được biết chính xác về những vi phạm về ATTP. Chúng ta không thể chấp nhận việc một cơ sở nào đó làm ra sản phẩm độc hại, làm hại tới hàng vạn người dân lại được bảo vệ khỏi sự chỉ trích của công luận, kể cả DN ấy có phải phá sản đi nữa cũng phải phanh phui.0
Thứ hai, phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm về ATTP. Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi và Tổng cục Thủy sản trong 2 tháng tới phải hoàn thành việc sửa đổi các quy định có liên quan đến VietGAP. Vấn đề này Bộ đã chỉ đạo nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện được. Chúng ta đồng ý rằng phải kiểm soát, phải có VietGAP thì mới có sản phẩm an toàn.
Nhưng cũng không thể để một cơ sở SX rau sạch đi chứng nhận một sản phẩm rau VietGAP cứ 2 năm một lần phải cấp mới chứng nhận, mỗi sản phẩm rau mất tới 2,5 triệu đồng/lần, mỗi cơ sở SX mấy chục mặt hàng rau tốn hàng trăm triệu đồng/lần, quá tốn kém.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Y tế phối hợp, điều chỉnh mức tồn dư tối đa cho phép đối với các loại kháng sinh trong các loại thực phẩm để có cơ sở kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Về công tác thanh kiểm tra, tiếp tục tăng cường đặc biệt đối với hàng NK. Các địa phương tiếp tục phát huy đường dây nóng, bố trí cán bộ điều tra xử lý tận nơi đối với những phát hiện, phản ánh của nhân dân, đồng thời phản hồi kết quả xử lý cho nhân dân, đồng thời có khen thưởng kịp thời.