Những tác hại khôn lường của chất cấm (12/04/2016)

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, Clenbuterol là loại chất kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, làm tăng lượng thịt nạc...


Nếu cơ bắp heo quá phát triển, có thể do dùng chất cấm (ảnh minh họa)

Trên lợn

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, Clenbuterol là loại chất kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, làm tăng lượng thịt nạc và đẩy nhanh việc phân giải mỡ, giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng.

Clenbuterol trộn vào thức ăn gia súc nhằm tạo ra vật nuôi siêu nạc, mau lớn. Clenbuterol có tác dụng đẩy nhanh quá trình đốt cháy mỡ, tăng cường phát triển cơ bắp nhưng dùng quá liều sẽ khiến cơ thể mang bệnh và có thể dẫn đến tử vong. Đối với gia súc như lợn, con vật khi ăn phải chất này chỉ có thể tồn tại được quá nửa tháng là phải giết mổ.

Nếu lợn được kích thích bằng Salbutamol thì cơ bắp, cơ mông, đùi rất chắc, nổi rõ. Salbutamol được hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa, là loại thuốc dùng cắt cơn hen, giãn phế quản, giãn cơ trơn. Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường.

Đặc điểm rõ nhất khi dùng thuốc chỉ cần sang ngày thứ 2 là lợn bắt đầu nở mông vai, tạo ra những thớ thịt săn chắc. Đến ngày thứ 3 lợn sẽ ít di chuyển thường nằm ngủ li bì, sang ngày thứ 10 lợn bắt đầu ăn đâu nằm đấy và kèm theo hiện tượng chân đứng không vững. Bước sang ngày thứ 15 thì bằng mọi giá phải xuất chuồng vì nguy cơ gãy chân rất cao. Đặc biệt, không chỉ nở mông vai và siêu tạo nạc, trữ nước.

Trên người

Khi động vật được kích thích bằng các chất tăng trưởng β2-agonist, các chất này tích lũy trong cơ thể động vật và tồn dư lại trong sản phẩm được con người sử dụng. Việc thường xuyên sử dụng các sản phẩm thực phẩm có chứa dư lượng các chất tăng trưởng gây ra các tác hại lớn cho người sử dụng.

Các triệu chứng ngộ độc có hai loại: Ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính. Ngộ độc cấp tính xảy ra khi người sử dụng sản phẩm chó chứa hàm lượng cao các β2-agonist, với các triệu chứng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, tăng huyết áp, nguy cơ sảy thai...

Ngộ độc mãn tính xảy ra khi người sử dụng tiêu thụ sản phẩm chứa các hóa chất tăng trưởng trong thời gian dài, có thể dẫn đến rối loạn hệ thống hormon của cơ thể, gây nhiễm độc gan, gây đột biến và có thể gây ung thư.

Hiện nay, do thiếu hiểu biết nhiều người chăn nuôi không biết lợn của mình đã được sử dụng các chất tăng trọng. Các lái buôn thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người sử dụng để pha chế các thuốc tăng trọng vào thức ăn chăn nuôi, sau đó giao sỉ cho các cửa hàng bán lẻ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng. Thậm chí, có lái buôn còn giao thuốc và thức ăn chăn nuôi tận nhà cho những hộ gia đình nuôi lợn nhỏ lẻ, đặc biệt là thời điểm trước khi xuất chuồng.

Các cửa hàng bán lẻ hóa chất dặn dò rất kỹ những người có nhu cầu mua hóa chất: “Lúc cho lợn ăn hóa chất này, anh nên đeo bao tay kín để không ảnh hưởng đến da tay và cẩn thận khi mở lấy thuốc, hơi sẽ bay lên, nếu anh hít phải thì nguy hiểm lắm đấy”.

Dù biết rất rõ mức độ độc hại của loại hóa chất này nhưng lợi nhuận từ việc bán hóa chất quá cao khiến cho họ không mấy quan tâm đến sự độc hại của thuốc.

Đặc điểm của lợn sử dụng các chất tạo nạc, khi lợn còn sống, da có độ căng khác thường, trương mỏng, có cảm giác như ứ nước bên trong. Trên da còn xuất hiện đốm đỏ, lợn đi đứng nặng nề, thậm chí còn bại liệt do xương bị mục. Lợn có nạc nhiều vun cao (nạc gần sát với da), lợn có mỡ ít, chỉ mỏng khoảng 0,4 cm (lợn bình thường dày 1 - 1,5cm). Thịt lợn có màu đỏ như thịt bò, không còn mềm mại (thịt lợn bình thường có màu hồng tự nhiên và mịn); khi nấu nướng bị mất chất béo và mùi vị thơm ngon.

Loại thịt lợn ăn “bột siêu nạc” tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém. Tại bắp vai, đùi vật nuôi, lượng thịt nạc phát triển bất thường, u lên, màu đỏ au giống thịt bò.

Chất cấm khi vào cơ thể vật nuôi khiến sợi cơ phình to ra mà không tăng DNA (Deoxyribonucleic acid) trong tế bào sợi cơ, vì vậy chỉ làm cho thịt nạc trở nên khô, thô và nghèo chất béo, mất đi sự mềm mại, mất vị béo của thịt. 

Các loại thực phẩm như giò, chả lụa khi sử dụng thịt lợn này để chế biến thường bị cứng mà không cần đến đến hàn the. Hầu hết những chất cấm trong chăn nuôi hiện nay là những hợp chất có nguồn gốc tổng hợp, nên đều có khả năng tồn dư trong thịt, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng...

Theo nongnghiep.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 200
Tổng truy cập: 39349354