Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT
Xin ông cho biết công tác kiểm soát chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn Tp.HCM và các tỉnh thành lân cận đã được triển khai như thế nào?
Tp.HCM là nơi có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn, do đó công tác kiểm soát ATTP là một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp.
Vừa qua một trường hợp điển hình và đầu tiên tại Tp.HCM vi phạm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã bị phát hiện tại trạm kiểm soát giết mổ của Cty Vissan và xử lý tiêu hủy theo đúng quy định. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính thì đối tượng vi phạm còn phải chịu chi phí tiêu hủy và chịu thiệt hại về lô hàng của mình.
Chúng tôi khuyến cáo đến tất cả những người kinh doanh giết mổ rằng phải thận trọng hơn và chọn lựa kỹ hơn nguồn heo khi đưa về thành phố cũng như đưa ra thị trường cung cấp cho người tiêu dùng. Bởi vì nếu sử dụng nguồn heo có dính chất cấm khi bị xử phạt thì thiệt hại vô cùng lớn.
Thưa ông, nếu ở các đơn vị, cơ sở giết mổ nhỏ không có trạm kiểm soát thú y như Vissan nói trên thì làm sao phát hiện được vi phạm khi không được khai báo?
Tất cả các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP.HCM đều có bố trí cán bộ thú y theo dõi kiểm tra và tất cả đều được thực hiện theo đúng quy trình.
Khi heo được nhập về tới cơ sở giết mổ thì cán bộ thú y thực hiện kiểm tra lâm sàng và nếu có biểu hiện sử dụng chất cấm, cán bộ thú y sẽ lấy mẫu đi tầm soát, xử lý theo quy định, không chỉ riêng Vissan mà tất cả các cơ sở giết mổ khác trên địa bàn thành phố đều đã được thực hiện tương tự như vậy.
Ở Tp.HCM trước đó có một trường hợp lò mổ nhỏ trái phép đã bị phát hiện có 5 con heo có chứa chất cấm, sau đó đã bị lập biên bản và chủ lò mổ đã cam kết tự tiêu hủy. Hiện chúng tôi hết sức cố gắng và quyết tâm thực hiện tốt chủ trương của Bộ NN-PTNT đề ra làm sao ngăn chặn hiệu quả chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Từ vụ việc một đàn heo tới 80 con khi đưa về tới tận cơ sở giết mổ rồi mới phát hiện có chứa chất cấm. Vậy, ông đánh giá như thế nào công tác kiểm soát thú y và trong thời gian tới cần có giải pháp nào để siết chặt quản lý động vật từ các tỉnh đưa vào các thành phố?
Qua vụ việc này cho thấy công tác kiểm soát thú y cũng đang dần được làm tốt khi phát hiện ngay heo nhiễm chất cấm trước khi giết mổ. Đây là sự phối hợp chặt chẽ từ cơ sở giết mổ đến cơ quan thú y.
Đàn heo ăn chất cấm chuẩn bị tiêu hủy
Công tác tiếp theo, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng làm quyết liệt hơn nữa để làm sao tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phải được chấm dứt. Chúng tôi cũng đang phối hợp cùng cơ quan công an truy xuất nguồn chất cấm tiến tới chấm dứt việc đưa chất cấm vào trong chăn nuôi.
Vậy việc kiểm soát gia súc, gia cầm từ các tỉnh về thành phố được kiểm soát như thế nào? Hiện cơ quan chức năng đã truy xuất được chủ trại nuôi heo nào chưa và việc xử lý ra sao, thưa ông?
Việc kiểm soát cũng phải theo đúng quy định của pháp luật, cơ quan thú y sẽ trực tiếp triển khai, thành lập các trạm kiểm dịch động vật trên dọc các tuyến quốc lộ từ các tỉnh về thành phố. Việc kiểm dịch sẽ được thực hiện theo đúng quy trình và thẩm quyền được dừng xe và kiểm tra.
Chúng tôi cho rằng việc truy xuất chủ trại chăn nuôi sử dụng chất cấm rất quan trọng, là đầu mối để truy xuất, nhưng quan trọng hơn nữa phải truy xuất ai cung cấp chất cấm cho chủ trại chăn nuôi đó. Rõ ràng để ngăn chặn triệt để phải truy tìm tận gốc nguồn nhập chất cấm về.
Xin cảm ơn ông!