Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị
Tại đây, Viện Chăn nuôi được đánh giá là đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của ngành chăn nuôi, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu, cải thiện và nâng cao chất lượng các loại giống vật nuôi.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, trong 5 năm, Viện đã cung cấp khoảng 22.000 lợn giống bố mẹ (chuyển giao trực tiếp) và 95.000 con lợn bố mẹ (thông qua chuyển giao lợn giống ông bà), đóng góp cho sản xuất từ 2,95 - 3,30 triệu thịt lợn thương phẩm.
Một số dòng lợn cao sản phục vụ chăn nuôi trang trại như Y-VCN; L-VCN; D-VCN; Pi-VCN; VCN-01,… do Viện chọn tạo có năng suất tương đương với các giống lợn nhập ngoại của các Cty trong và ngoài nước.
Các tổ hợp lợn lai cao sản như lợn nái VCN21, VCN22, L71, L72 và 2 dòng đực tổng hợp chất lượng cao (L64 x L06), (L06 x L19), PiDu 50, PiDu 75 được tạo ra từ các giống, dòng lợn nhập nội cũng cho năng suất cao, phù hợp với chăn nuôi trang trại và được người dân ưa chuộng. Trong đó, 2 dòng lợn VCN21 và VCN22 đã được nhận giải thưởng Bông lúa Vàng năm 2012.
Đối với các giống gia cầm, hàng năm, Viện cung cấp cho thị trường khoảng 12 - 13 triệu con gà giống ông bà và bố mẹ các loại; 1,5 - 2 triệu vịt giống các loại; 250 - 300 nghìn ngan giống và 12 - 15 triệu quả trứng giống các loại.
Đặc biệt, nhờ đầu tư khoa học chọn lọc và cải tiến quy trình chăn nuôi, năng suất trứng, thịt của các giống gà nội đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nuôi sống đạt 90 - 95%, giảm tiêu tốn thức ăn, tăng khối lượng từ 10 - 15%. Sản lượng trứng đạt khoảng 75 - 128 quả/mái, tăng 25,4 - 53,8% so với trước đây.
Bên cạnh việc chọn lọc phục tráng một số giống bản địa, Viện cũng đã chọn lọc và lai tạo được một số dòng có năng suất cao từ các nguồn gen gà trong nước và nhập khẩu. Một số dòng gà như TP1, 2, 3, 4; LV1, 2, 3; VCN-G15; VP1, VP2,… đang được phát triển mạnh ở các vùng gò đồi như Bắc Giang, Lạng Sơn; các mô hình lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Nghệ An…
Tương tự, các giống vịt, ngan, đà điểu cũng được chú trọng cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng thịt, trứng. Điển hình là các dòng ngan siêu thịt V5, V7, VS, RT9, RT11 và RT51 cho năng suất tương đương với ngan Pháp nhập nội. Ngan bố mẹ RT11 và RT9 năng suất ổn định.
Năm 2014, Viện đã cung cấp được khoảng 16.840 ngan giống cho sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế khoảng 1,5 - 2,1 tỷ đồng nhờ áp dụng con giống mới này.
Riêng với đà điểu, từ chỗ còn khá xa lạ đối với người chăn nuôi, đến nay, đơn vị này đã nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất hơn 30.000 con cho hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước. Cùng với gà ri vàng rơm; 4 dòng gà TP, VCN-G15, VCN/BT-AG1, HA; vịt V2, V7; 2 dòng đà điểu cũng được tặng giải thưởng Bông lúa Vàng năm 2012 và năm 2015.
Đà điểu giống
“Theo tính toán, giống gia cầm lông màu của Viện hiện chiếm khoảng 30 - 35% thị phần. Các dòng lợn tổng hợp năng suất cao đang được nuôi phổ biến ở ĐBSH và ĐBSCL. Mỗi năm chúng tôi cũng cung ứng ra thị trường khoảng 600 - 650 nghìn liều tinh cọng rạ cho 48 tỉnh, thành, chiếm khoảng 60% thị phần. Đây cũng là nơi có thế mạnh về cung cấp giống dê sữa, dê thịt lớn của cả nước, chiếm khoảng 45% thị phần”, ông Sơn cho hay.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Viện Chăn nuôi đã đạt được. Đồng thời, Thứ trưởng cho rằng ngành chăn nuôi vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa ra nhập TPP.
Và để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, trong thời gian tới, Viện Chăn nuôi cần tiến hành rà soát một cách tổng thể các chương trình, xác định rõ thế mạnh, hạn chế, mục tiêu của từng giai đoạn, từ đó chọn ra một số chương trình trọng tâm để tập trung đầu tư thay vì đầu tư dàn trải, chưa thật sự hiệu quả như trước đây.