Chăn nuôi an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao (16/06/2016)

Với gần 7 triệu gia cầm và hơn 1 triệu gia súc, Bình Định được xếp là tỉnh có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.


Trang trại nuôi heo an toàn sinh học tại xã Ân Tường Đông

Nhiều hộ chăn nuôi lớn đã chuyển phương pháp nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhờ đó khống chế được dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường nông thôn.

Đi đầu trong chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học tại TX An Nhơn là ông Nguyễn Văn Nam ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ. Trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông được xây dựng trên diện tích 7ha gồm các dãy chuồng nuôi gà, bò và heo.

Trong khuôn viên này, ông Nam đào ao nuôi cá, xung quanh trang trại trồng keo lai. Chất thải của gia súc, gia cầm được ông tận dụng làm lương thực cho cá, vừa đỡ tốn tiền mua thức ăn thủy sản, vừa làm sạch được môi trường chăn nuôi vừa tạo được không gian cách ly dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm.

Từ năm 2012 đến nay, trang trại chăn nuôi của ông Nam không hề bị dịch bệnh “viếng thăm”, mỗi năm cho thu nhập bình quân trên 1,2 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Hoàng Tín ở thôn Gò Cau, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, trang trại chăn nuôi 32 con heo nái sinh sản và trên 100 heo thịt của ông được áp dụng quy trình nuôi khép kín và ứng dụng các tiến bộ KHKT.

“Tôi nuôi heo nái sinh sản ra heo giống để nuôi heo thịt, tự học cách phòng trừ dịch bệnh. Ngoài sử dụng chế phẩm sinh học vào chăn nuôi, trong thức ăn chăn nuôi tôi còn bổ sung thức ăn xanh nên đàn heo luôn phát triển ổn định, tránh được dịch bệnh, thu nhập cao hơn nuôi heo thông thường”, ông Tín chia sẻ.

Trang trại nuôi heo của bà Trần Thị Tuyết ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân còn được tổ chức bài bản hơn. Ngay cổng trang trại, bà Tuyết bố trí hẳn 1 phòng sát trùng để ngăn ngừa đàn heo lây lan dịch bệnh từ những người ra vào. Heo có chửa được nuôi riêng trong 2 dãy chuồng. Những con heo đẻ được nuôi riêng trong 3 dãy chuồng khác. Khi thành heo giống được tách nuôi riêng trong 4 dãy chuồng tách biệt. Những dãy chuồng nuôi heo được bố trí cách ly với bên ngoài bằng 2 dãy nhà và 1 nhà kho chứa thức ăn. Dịch bệnh gần như “bất khả xâm phạm”.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bình Định cho biết, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn hộ áp dụng tốt phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh việc tiêm vacxin định kỳ cho vật nuôi, người chăn nuôi đã xây dựng các công trình khí sinh học hoặc sử dụng đệm lót sinh học để giải quyết chất thải, nước thải tại chỗ.


Nông dân huyện Tuy Phước (Bình Định) nuôi gà an toàn sinh học

Phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ khả năng giúp vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, giảm chi phí đầu vào nhờ giảm công chăm sóc, giảm tiền điện bơm nước tắm rửa vật nuôi, vệ sinh chuồng trại, góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới”, ông Quốc nói.

Theo ông Đào Văn Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định, để nghề chăn nuôi phát triển bền vững, chính quyền các địa phương cần quy hoạch khu vực chăn nuôi xa khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi xây dựng các trang trại, gia trại áp dụng công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Người chăn nuôi cũng cần phải tìm tòi học hỏi và chủ động tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi an toàn sinh học...

“Sở NN-PTNT Bình Định đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ con giống và kỹ thuật giúp người chăn nuôi một số địa phương tiến hành nuôi theo phương pháp an toàn sinh học và xây dựng các mô hình để chuyển giao cho người dân”, ông Đào Văn Hùng nói.

Theo ĐÌNH VŨ (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 229
Tổng truy cập: 39333740