GS.TS Vũ Duy Giảng cho rằng, vẫn có thể đảm bảo hiệu quả chăn nuôi mà không cần tới kháng sinh KTST
Kiểm soát, loại bỏ dần tiến tới cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nhất là KS kích thích sinh trưởng đang là chủ trương được cả ngành y tế và nông nghiệp ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm, đó là làm sao để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi nếu cấm kháng sinh?
Với chủ trương từng bước kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nhất là nhằm mục đích kích thích sinh trưởng (KTST), ngày 31/6/2016, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 06/2016/TT-BNNPTNT (Thông tư 06) Ban hành Danh mục, hàm lượng kháng sinh được phép sử dụng trong TĂCN gia súc, gia cầm với mục đích KTST tại Việt Nam. Thông tư này thay thế các quy định về kháng sinh dùng trong TĂCN số 81/2009/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2009 của Bộ NN-PTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực TĂCN.
Thông tư 06 (có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2016): Trong một sản phẩm TĂCN gia súc, gia cầm chỉ được sử dụng tối đa 2 loại kháng sinh quy định tại Danh mục của thông tư này. Tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng premix có hàm lượng kháng sinh không vượt quá 20% để trộn vào TĂCN hỗn hợp cho gia súc gia cầm với hàm lượng được quy định cụ thể tại thông tư này, và không được sử dụng vào mục đích khác.
Theo danh mục kèm theo Thông tư 06, có tổng cộng 15 loại kháng sinh kích thích sinh trưởng được phép sử dụng, thời hạn được phép sử dụng chỉ áp dụng đến hết ngày 31/12/2017.
Ngoài ra, các sản phẩm TĂCN gia súc, gia cầm đang được phép lưu hành tại Việt Nam có chứa kháng sinh không đáp ứng quy định tại Thông tư 06 chỉ được phép lưu hành đến hết ngày 31/12/2016. Trước khi thông tư ban hành, đã có tới hơn 40 loại được NK lưu hành tại Việt Nam dưới dạng premix nhằm mục đích KTST (nay điều chỉnh lại chỉ còn 15 loại).
Với việc quy định mức hàm lượng kháng sinh phải dưới 20% trong premix, đây là một biện pháp hữu hiệu có thể kiểm soát vấn nạn tùy tiện đưa vào TĂCN như trước đây.
Việc ban hành Thông tư 06 được xem là một động thái mạnh mẽ của Bộ NN-PTNT nhằm từng bước kiểm soát, hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trước hết là với mục đích KTST.
Tuy nhiên, vấn đề đang được người chăn nuôi quan tâm, đó là với mục đích KTST, khi hạn chế (hoặc có thể cấm hoàn toàn nhằm mục đích KTST từ năm 2018), người chăn nuôi sẽ lấy gì để thay thế? Bên cạnh đó, cơ chế nào để xử lí đối với hành vi sử dụng kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép cũng đang khiến giới chuyên môn trong ngành chăn nuôi băn khoăn.
NNVN đã trao đổi với GS.TS Vũ Duy Giảng (ảnh), một chuyên gia về dinh dưỡng vật nuôi có uy tín về vấn đề này.
Lợi ích mà các loại kháng sinh KTST đem lại có lớn không? Liệu có thể chăn nuôi vẫn đảm bảo hiệu quả mà không cần các loại này hay không, thưa giáo sư?
Kháng sinh KTST có liều dùng rất thấp, chỉ khoảng từ 20 - 50 mg/kg thức ăn, tức chỉ khoảng 20 - 50 g/tấn TĂCN. Mặc dù có tác dụng “rất nhạy” trên vật nuôi với hàm lượng rất nhỏ như vậy, nhưng tác dụng cũng không phải là lớn, và còn phụ thuộc vào điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.
Cụ thể, nghiên cứu ở giai đoạn cách đây 20 - 30 năm tại Việt Nam cho thấy, sử dụng kháng sinh KTST trong chăn nuôi chỉ có tác dụng giúp vật nuôi tăng thêm khoảng 10 - 15% về mặt tăng trọng, và tăng hiệu quả sử dụng (tiết kiệm được) thức ăn khoảng 15 - 16%.
Tuy nhiên hiện nay, khi tình hình vệ sinh thú y, an toàn sinh học trong chăn nuôi đã tốt lên, thì tác dụng của kháng sinh KTST trong chăn nuôi cũng giảm đi. Cụ thể hiện nay, nó chỉ giúp tăng trọng thêm 7 - 10%, và tiết kiệm được khoảng 10% thức ăn.
Ảnh: Lê Bền
Nếu chúng ta đảm bảo tốt an toàn sinh học tốt hơn nữa, đồng thời áp dụng các giải pháp dinh dưỡng thay thế, tôi cho là vẫn đảm bảo được hiệu quả chăn nuôi mà không nhất thiết phải sử dụng quá nhiều loại như những năm qua.
Ông có thể cho biết một số giải pháp có thể thay thế nếu không dùng nữa?
Có 3 nhóm giải pháp. Trước hết, về dài hạn phải tiếp tục áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Chúng ta đã có tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi từ lâu, thực hiện được theo VietGAP thì đã là rất tốt.
Chăn nuôi an toàn dịch bệnh thì không phải sử dụng kháng sinh để phòng hay chữa bệnh nữa, đồng thời giúp vật nuôi sinh trưởng thuận lợi nhất.
Thứ hai về dinh dưỡng, phải tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng TĂCN cân đối để đảm bảo khẩu phần ăn tốt nhất cho vật nuôi. Hiện nay, chúng ta đã có 70 - 80% lượng TĂCN là thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, tăng cường sử dụng thức ăn hỗn hợp sẽ đảm bảo được dinh dưỡng tốt nhất.
Thứ ba là nhóm giải pháp sử dụng các phụ gia thay thế. EU trước khi đi tới quyết định cấm hoàn toàn kháng sinh trong KTST và phòng bệnh, họ đã có hàng chục năm trước đó nghiên cứu về các phụ gia KTST thay thế.
Hiện nay, nhìn chung có 3 nhóm phụ gia: Một là đưa các nhóm axit hữu cơ như axit cacboxylic, axit lactic… vào TĂCN. Các loại axit này có tác dụng ức chế vi khuẩn gây bệnh ở dạ dày, đồng thời diệt khuẩn ở dạ dày, đường ruột vật nuôi.
Giải pháp này đã được các nước EU áp dụng rất phổ biến. Khoảng 5 năm gần đây, nhiều Cty TĂCN tại Việt Nam cũng đã và đang đẩy mạnh áp dụng giải pháp này vào SX, nhất là khi chúng ta có chủ trương kiểm soát dần kháng sinh KTST.
Ảnh: Lê Bền
Nhóm phụ gia thứ hai là Probiotic (các loại vi khuẩn sống có lợi) vào TĂCN. Các loại vi khuẩn sống giúp ức chế các vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột vật nuôi.
Đây là giải pháp đã áp dụng phổ biến trong lĩnh vực y tế. Hiện trong lĩnh vực chăn nuôi cũng đang bắt đầu có nhiều DN đầu tư dây chuyền SX các sản phẩm Probiotic để tung ra thị trường khi việc sử dụng kháng sinh KTST bị kiểm soát dần trong thời gian tới (ví dụ Cty Byer, Cty BioSpring…).
Tôi được biết Cty BioSpring, một DN vốn không phải thuộc lĩnh vực nông nghiệp hiện đã bắt đầu đầu tư xây dựng NM có quy mô lớn, đồng thời NK các chủng giống vi khuẩn Probiotic của Anh và các nước EU về để SX. Thời gian tới, có thể nhiều Cty sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.
Nhóm phụ gia thứ ba là các nguồn thảo dược, như gừng, tỏi, lá bọ mắm… Hiện một số nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam đã chiết xuất, cho ra sản phẩm thảo dược phòng bệnh cho chăn nuôi rất hiệu quả, tiêu thụ trên thị trường rất được ưa chuộng.
Các sản phẩm thảo dược là một hướng đi rất tốt, vừa kháng khuẩn, vừa giảm mùi hôi trong chăn nuôi. Nhóm phụ gia cuối cùng cần nghiên cứu thêm, đó là kháng thể, như lòng đỏ trứng, huyết tương… Đưa các sản phẩm này cho vật nuôi từ lúc nhỏ có thể sinh kháng thể… phòng bệnh rất hiệu quả.
Xin cảm ơn giáo sư!